Bước tiến dài trong cải cách
(Tài chính) Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, đáp ứng yêu cầu hội nhập, dự thảo Luật Hải quan sửa đổi tiếp tục đưa ra những cải cách mạnh mẽ, tạo bước tiến dài trong đổi mới quản lý hải quan…
Cải cách mạnh mẽ
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Hải quan đã góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm an ninh kinh tế, lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển, Luật Hải quan đã xuất hiện những bất cập cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu cải cách, hội nhập và nâng cao hiệu quả quản lý hải quan.
Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi được Bộ Tài chính trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2013, đã tạo điểm nhấn quan trọng trong cải cách, thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử. Qua đó, bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục hải quan cho các loại hình đối với hàng gia công, nhập khẩu (NK) để sản xuất hàng xuất khẩu (XK); chế xuất; một số loại hình tạm XK, tạm NK... nhằm bảo đảm tính minh bạch và triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa chế độ quản lý hải quan và cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Luật Hải quan sửa đổi sẽ bổ sung các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Những thay đổi này không chỉ phù hợp với thực tại mà còn là bước “đón đầu” sự phát triển nhanh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế Việt Nam. Theo đó, dự kiến đến năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 400 tỷ USD, số lượng tờ khai hải quan đạt trên 10 triệu tờ khai thì việc thông quan hàng hóa của ngành Hải quan đòi hỏi phải có những thay đổi cơ bản để đáp ứng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Hải quan sẽ tạo hành lang pháp lý cho hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Cụ thể, Dự thảo Luật quy định: “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử…”; “việc khai trong tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp do Chính phủ quy định”...
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng cụ thể hóa thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ chậm nhất là 2 giờ làm việc; giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá xuống 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình hàng hóa cho cơ quan hải quan. Trường hợp cần thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày làm việc…
Nâng cao chức năng, nhiệm vụ
Cùng với việc cải cách mạnh mẽ theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thì chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của Hải quan Việt Nam cũng được trao nhiều hơn trong bối cảnh mới. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh: Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Hải quan ở mỗi nước là khác nhau, phụ thuộc vào quy định luật pháp của các nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực, thủ tục hải quan ngày càng đơn giản nhưng khối lượng công việc của Hải quan không giảm, thủ đoạn buôn lậu, gian lận ngày càng tinh vi và có mối liên hệ chặt chẽ với các yếu tố nước ngoài, thì việc mở rộng thẩm quyền cho cơ quan Hải quan cũng là cần thiết. Với những quy định của Luật Hải quan hiện hành và những nội dung bổ sung vào dự thảo Luật Hải quan sửa đổi thì chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của Hải quan Việt Nam ở mức độ nào đó đã được nâng lên tương tự như Hải quan các nước trong khu vực.
Dự thảo Luật đã dành hẳn một chương quy định về nhiệm vụ, tổ chức Hải quan, theo đó quy định rõ nhiệm vụ của Hải quan, nguyên tắc tổ chức và hoạt động hải quan, hệ thống tổ chức hải quan và quy định về công chức Hải quan. Theo đó, hệ thống tổ chức Hải quan Việt Nam bao gồm: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan; Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát hải quan và đơn vị tương đương. Hệ thống tổ chức này được xây dựng theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà phụ thuộc vào quy mô, tính chất hoạt động XNK, đặc thù địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội, yêu cầu quản lý của hải quan. Theo đó, cũng sẽ có Cục Hải quan quản lý hoạt động hải quan trong địa giới 1 tỉnh, có Cục Hải quan quản lý hoạt động hải quan trên địa giới nhiều tỉnh.
Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được truy đuổi liên tục trong trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan; Các biện pháp cụ thể áp dụng khi tiến hành tuần tra, kiểm soát, điều tra, xác minh để cơ quan Hải quan có cơ sở thực hiện.
Để tăng cường hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan Hải quan, Điều 92 Dự thảo Luật bổ sung quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được thực hiện việc truy đuổi liên tục không bị giới hạn trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu của hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Điều 93 dự thảo Luật quy định rõ các biện pháp nghiệp vụ cụ thể, thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 12 - 2013