Bước tiến quan trọng trong phát triển BHYT học sinh, sinh viên
Đến thời điểm 30/9/2020, cả nước có 86,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Kết thúc năm học 2019 - 2020, tỷ lệ tham gia BHYT trên cả nước đạt 95,2%, tăng 1% so với năm học 2018-2019. Đây là bước tiến quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.
Hơn 18,16 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT
Chính sách BHYT cho người dân nói chung, trong đó có nhóm đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV), là quy định bắt buộc trong Luật BHYT. Trong năm học 2020 - 2021, toàn quốc có hơn 18,16 triệu HSSV (gồm cả các em tham gia theo nhóm đối tượng khác) tham gia BHYT, ước đạt 95,2% tổng số HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề. Tỷ lệ này tăng 1% so với năm học trước đó.
Bà Đinh Mai Hạnh - Phó Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, đến thời điểm 30/9/2020, cả nước có 86,7 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Kết thúc năm học 2019 - 2020, tỷ lệ tham gia BHYT trên cả nước đạt 95,2%, tăng 1% so với năm học 2018 - 2019. Trong đó, khối học sinh phổ thông có tỷ lệ tham gia cao nhất (chiếm tỷ lệ 97,7%). Tiếp đến là khối đại học (chiếm tỷ lệ 91,4%), khối cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tỷ lệ tham gia thấp hơn, đặc biệt là đối với những sinh viên từ năm thứ 2 trở đi.
Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của BHXH Việt Nam, có 18.117.769 HSSV đang tham gia BHYT, trong đó có 13.202.677 HSSV tham gia BHYT tại nhà trường, tức là do nhà trường lập danh sách và thu tiền của HSSV nộp cho cơ quan BHXH và 4.915.092 HSSV tham gia theo đối tượng khác. Đó là các đối tượng như: thuộc hộ nghèo, thân nhân của quân nhân, công an được NSNN đóng 100%, người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70%...
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, HSSV là nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT cao và đã đạt được tỷ lệ cơ bản. Điều này cho thấy, ngành Giáo dục luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam và các cơ quan chức năng ở Trung ương, địa phương trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHYT, đặc biệt là Luật BHYT và các văn bản liên quan.
Đáng chú ý là các hội nghị tập huấn, đối thoại chính sách được ngành Giáo dục phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức. Thông qua các sự kiện này, các nhân viên y tế trường học đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nắm rõ về quyền và nghĩa vụ của việc tham gia BHYT của HSSV, đặc biệt là tính ưu việt, quyền lợi khi khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại nhà trường.
Nỗ lực phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT
Để phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2020 - 2021, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bà Đinh Mai Hạnh cho biết, ngành BHXH đang nỗ lực triển khai các giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác BHYT HSSV năm học 2020 - 2021 trên địa bàn, giao chỉ tiêu thực hiện cho từng cơ sở giáo dục, phấn đấu 100% tỷ lệ tham gia BHYT HSSV.
Thứ hai, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác BHYT HSSV, tổ chức khen thưởng đối với tập thể nhà trường, cá nhân thực hiện tốt công tác BHYT HSSV năm học 2019 - 2020; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện BHYT HSSV năm học 2020 - 2021, tập trung các giải pháp bao phủ BHYT cho 100% HSSV năm học 2020 - 2021; thực hiện cấp thẻ BHYT HSSV năm học 2020 - 2021 kịp thời, đúng quy định.
Thứ ba, tổ chức lễ ra quân, các hoạt động truyền thông về BHYT HSSV trước thềm năm học mới 2020-2021 bằng các hình thức phù hợp đến tất cả các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến HSSV để động viên, đôn đốc HSSV tham gia BHYT đầy đủ.
Thứ tư, tích cực phối hợp các sở, ngành có liên quan đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ; huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn, nhất là những HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Thứ năm, phối hợp Sở Y tế triển khai ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn bảo đảm kịp thời quyền lợi về khám, chữa bệnh cho tất cả người dân và HSSV trên địa bàn.
Ngoài các giải pháp trên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống y tế trong trường học… Thực hiện tốt công tác giáo dục tuyên truyền chính sách pháp luật về BHYT, trong đó chú trọng việc tuyên truyền đúng đối tượng…
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có 18.117.769 HSSV đang tham gia BHYT, trong đó có 13.202.677 HSSV tham gia BHYT tại nhà trường, tức là do nhà trường lập danh sách và thu tiền của HSSV nộp cho cơ quan BHXH và 4.915.092 HSSV tham gia theo đối tượng khác. Đó là các đối tượng như: thuộc hộ nghèo, thân nhân của quân nhân, công an được NSNN đóng 100%, người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70%...