Bình Dương:
Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp
Bình Dương được xem là điểm trung chuyển hàng hóa thông qua đường bộ, đường thủy và đường sắt, do đó tình hình buôn lậu, gian lận thương mại gây đây diễn ra khá phức tạp.
Ông Trần Văn Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lí thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu từ các tỉnh vào Bình Dương có xu hướng ngày càng tăng.
Trong 6 tháng các sở, ngành đã kiểm tra 6.083 vụ, phát hiện 2.528 vụ vi phạm, tăng 24,6% so với cùng kì năm 2014. Tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 212 tỉ đồng, tăng 90,1% so với cùng kì.
Trong đó, hoạt động vận chuyển, mua bán, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu 6 tháng đầu năm 2015 có chiều hướng tăng so với cùng kì, nhất là hành vi vận chuyển hàng cấm là thuốc lá ngoại với số lượng lớn, phải khởi tố hình sự.
Nổi bật là vụ việc phát hiện ô tô vận chuyển hơn 13.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu từ Long An về Đồng Nai tiêu thụ do Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện giao cho Công an thị xã Dĩ An truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thuốc lá ngoại nhập lậu được kinh doanh tại đa số các điểm kinh doanh tạp hóa, nhưng thường với số lượng ít hoặc cất dấu nơi ở, khi hết hàng mới tiếp tục mua mới nên phát hiện vi phạm số lượng không lớn, mức phạt không đủ răn đe.
Mặt hàng điện tử, điện dân dụng, vải nguyên liệu… cũng được các đối tượng vận chuyển bằng tàu hỏa từ các tỉnh phía Bắc vào Nam tập kết tại ga Sóng Thần.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lí thị trường phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương tổ chức 5 đợt kiểm tra đột xuất tại ga Sóng Thần, phát hiện một lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn chứng từ gồm 110 xe ba gác máy, 2.000 đầu thu kĩ thuật số, 1.800 cái màn sáo, 28.060 cái đèn Led, 500 hộp dụng cụ đa năng, 40 bao nút áo, 340 cái micro không dây, 3.390 đơn vị sản phẩm là phụ tùng ô tô các loại…
Trong công tác điều tra chống gian lận thương mại, trốn thuế, Cục Hải quan Bình Dương cũng đã phát hiện 9 vụ gian lận thương mại với các hành vi vi phạm chủ yếu là mua, bán sản phẩm, nguyên phụ liệu gia công, sản xuất xuất khẩu không hợp pháp vào thị trường nội địa; vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ hợp pháp trong địa bàn hoạt động hải quan; khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp; chênh lệch thiếu về số lượng nguyên liệu tồn kho sổ sách kế toán; khai sai chủng loại, số lượng hàng hóa nhập khẩu; khai sai tên hàng, mã số dẫn đến thiếu số thuế phải nộp; khai tăng định mức sản xuất sản phẩm gia công, sản xuất xuất khẩu từ nguyên liệu vật tư nhập khẩu miễn thuế so với thực tế; nhập khẩu hàng hoá không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo qui định; sử dụng hàng hoá thuộc diện miễn thuế không đúng mục đích. Kết quả, đơn vị đã chống thất thu cho ngân sách Nhà nước trên 21 tỉ đồng.
Mặt khác, theo đánh giá của các cơ quan quản lí, mặc dù hoa hồng cho đại lí bán lẻ ổn định, người kinh doanh có lãi nhưng gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu tuy có giảm so cùng kì nhưng vẫn còn một vài đối tượng vẫn cố tình vi phạm, phổ biến là cài password để tạo sai số vượt mức cho phép khi bán hàng.
Tuy nhiên, thủ đoạn đối phó hết sức quyết liệt như cử người thường xuyên trực cầu dao điện, dùng camera quan sát lực lượng kiểm tra, cử người cảnh giới để khi phát hiện lực lượng kiểm tra thì nhanh chóng cúp cầu dao điện hòng xóa dấu vết.
Tình trạng gian lận về đo lường bằng hình thức bơm chồng số tại các cửa hàng xăng dầu, kể cả cửa hàng xăng dầu của nhà nước thực hiện để thu lợi riêng rất khó phát hiện, gây bất bình cho người tiêu dùng.
Kết quả trong 6 tháng các lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã kiểm tra phát hiện 8 vụ vi phạm về lĩnh vực xăng dầu với các hành vi vi phạm như bơm chồng số, tác động kĩ thuật tạo sai số non vượt mức cho phép, niêm yết giá xăng dầu không đúng giá do thương nhân đầu mối quy định…
Tổng số tiền phạt trên 650 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của nhiều đơn vị kinh doanh…
Nhiều đối tượng còn sử dụng chiêu thức mua hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan có chất lượng kém, sau đó đóng gói vào bao bì giả mạo nhãn hiệu, nhãn hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền để bán ra thị trường hoặc trà trộn trong các gói quà cho công nhân.
Nổi bật là việc trà trộn bột nêm Knorr giả nhãn hiệu vào trong 5.700 gói quà Tết của công nhân. Một số mặt hàng, quần áo, giày dép, túi xách có dấu hiệu giả các nhãn hiệu nổi tiếng đang bày bán công khai, phổ biến trên thị trường nhưng cơ quan chức năng cũng khó xử lí vì không có chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không hợp tác. Điều này gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, tinh thần của người tiêu dùng.