Buôn lậu “vươn vòi như bạch tuộc”
Trước sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan Hải quan, các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách “vươn vòi như bạch tuộc” hòng thực hiện các hành vi vi phạm ở mọi loại hình, lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Hải quan chủ động “đón lõng”
Ví von đầy hình ảnh nêu trên được Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Phi Hùng nêu ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác 6 tháng, triển khai nhiệm vụ quý 6 tháng cuối năm 2017 của Tổng cục Hải quan đang diễn ra sáng nay (4/7).
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, trước đây, khi nói đến hành vi buôn lậu, chúng ta thường tập trung vào việc vận chuyển trực tiếp hàng cấm, hàng trốn lậu thuế lớn… từ nước ngoài vào Việt Nam. Nhưng thực tế vài năm gần đây, các hình thức buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra đầy phức tạp, tinh vi và nguy cơ xảy ra ở mọi loại hình XNK.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu lấy ví dụ: Như loại hình tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phương thức phổ biến trong vận tải hàng hóa quốc tế và là hình thức “mượn đường” qua nước ta để đưa hàng hóa đến nước thứ 3. Nhưng thực tế, vài năm gần đây, loại hình này không chỉ là “mượn đường” như thông lệ quốc tế mà không ít đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hàng loạt các hành vi vi phạm như: Đi sai tuyến đường, hàng không vận chuyển đến cửa khẩu xuất, xuất hàng sai địa điểm tái xuất ở cửa khẩu, thậm chí phá dỡ container, rút ruột, tráo hàng, tự ý phá niêm phong hải quan để tẩu tán hàng, đưa vào nội địa tiêu thụ... gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng an ninh kinh tế, môi trường hoạt động trong nước và sức khỏe cộng đồng.
Trước diễn biến như vậy và thực hiện các chỉ đạo của Bộ Tài chính, những năm vừa qua, Tổng cục Hải quan, cụ thể là Cục Điều tra chống buôn lậu và các cục hải quan địa phương đã chủ động triển khai hàng loạt các kế hoạch để đấu tranh, phòng ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
“Qua các kế hoạch đấu tranh bắt giữ, xử lý, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều tờ khai kinh doanh TNTX quá hạn chưa thanh khoản; khởi tố nhiều vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kiểm tra, xử lý hàng nghìn container hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn chưa làm thủ tục hải quan.
Thông qua các kế hoạch liên quan đến kiểm soát hàng TNTX, quá cảnh, trung chuyển cơ quan Hải quan đã kịp thời phát hiện các đường dây lợi dụng các loại hình này để thực hiện các vụ buôn lậu có giá trị lớn, có tổ chức; điều tra xác minh làm rõ các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hoạt động TNTX, quá cảnh, trung chuyển. Ngoài ra, cơ quan Hải quan đã liên tiếp kiểm tra phát hiện nhiều vụ việc hàng trung chuyển, TNTX, quá cảnh là hàng cấm nhập khẩu (hàng đã qua sử dụng) như: Phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, điện lạnh… diễn ra trên nhiều địa bàn các tỉnh, thành phố, trên cả tuyến đường biển, đường hàng không và biên giới đường bộ.
Liên tục từ cuối năm 2016 đến nay, các đơn vị Hải quan phía Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển hàng quá cảnh đã tự ý phá niêm phong hải quan, lấy hàng trong container tuồn vào thị trường nội địa”- ông Nguyễn Phi Hùng nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cũng khẳng định công cuộc đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn cam go, phức tạp. “Chúng ta bịt ở loại hình này, địa bàn này thì các đối tượng lại tìm kẽ hở để thực hiện hành vi vi phạm ở các loại hình, địa bàn khác. Nhưng cơ quan Hải quan đã chủ động và có kế hoạch cụ thể để đón lõng, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn”- ông Nguyễn Phi Hùng nói.
Cần phối hợp đồng bộ
Như đề cập ở trên, công cuộc đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhiệm vụ đặt ra luôn nặng nề, phức tạp.
Để đấu tranh có hiệu quả, nhất là với những diễn biến phức tạp liên quan đến doanh loại hình TNTX, quá cảnh, hàng trung chuyển, bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ điều tra, chuyên sâu, ông Nguyễn Phi Hùng đề cập đến một số giải pháp như: Các chi cục hải quan, nhất là khâu kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ cần thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, kịp thời chuyển luồng kiểm tra thực tế các lô hàng gnhi vấn.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận tải trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất; tăng cường kiểm tra niêm phong hải quan.
Đặc biệt, giữa các đơn vị hải quan có cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị chức năng trong và ngoài ngành.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Phi Hùng đề nghị các đơn vị hải quan địa phương có cửa khẩu nhập, cửa khẩu xuất và các địa phương năm trên tuyến vận chuyển hàng TNTX, quá cảnh, trung chuyển cần báo cáo Ban chỉ đạo 389 quốc gia và cơ quan chức năng để chỉ đạo các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường… tăng cường phối hợp, mở đợt cao điểm đấu tranh đồng bộ để phát hiện, xử lý quyết liệt các vi phạm ở lĩnh vực này.
Một số vụ vi phạm điển hình liên quan đến loại hình quá cảnh được cơ quan Hải quan phát hiện, xử lý thời gian qua:
Tháng 9/2016, Công ty TNHH Vận tải Thương mại dịch vụ Triệu Hiển (557B, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM) mở tờ khai vận chuyển tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để quá cảnh lô hàng 180 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 Plus sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Tại cửa khẩu Mộc Bài, cơ quan Hải quan nghi vấn nên kiểm tra thực tế hàng hóa, đã phát hiện chỉ còn 1 chiếc iPhone 7, 1 chiếc iPhone 7 Plus và có thêm 16 thùng kem đánh răng, 2 thùng dầu gội đầu. Như vậy, 178 chiếc iPhone 7 và iPhone 7 Plus đã không được quá cảnh sang Campuchia mà bị thẩm lậu vào Việt Nam. Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP.HCM) tiếp tục điều tra, xử lý.
Cuối tháng 1/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) phối hợp với Công an Bình Dương, Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện một đường dây buôn lậu lợi dụng việc chuyển hàng quá cảnh để tuồn hàng lậu vào Việt Nam. Lô hàng này được nhập khẩu từ Singapore qua cảng Cái Mép, quá cảnh ở Việt Nam và xuất khẩu sang Campuchia.
Tuy nhiên, khi qua địa bàn Bình Dương, container được chở thẳng vào đậu trong kho hàng của một doanh nghiệp tư nhân để cắt niêm chì, lấy hàng hóa, sau đó đưa các thùng nhựa vào. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.000 thùng rượu ngoại, gần 600 thùng sữa ngoại, cùng hàng trăm thùng bài tú lơ khơ. Tất cả hàng hóa đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng, với tổng trị giá ước tính gần 10 tỷ đồng…
Ngày 8/2/2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh), Đội 3 (Cục Điều tra chống buôn lậu) và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu) phối hợp kiểm tra thực tế lô hàng quá cảnh, phát hiện hàng lậu trị giá ước tính khoảng 8 tỷ đồng.
Nguồn: Cục Điều tra chống buôn lậu