Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu cần được hướng dẫn cụ thể hơn

Theo baohaiquan.vn

Theo đánh giá của hải quan các tỉnh, thành phố qua thời gian áp dụng Luật Thuế xuất khẩu (XK), thuế nhập khẩu (NK) năm 2016 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP đã giúp cơ quan Hải quan đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và hoạt động xuất nhập khẩu (XNK)... Tuy nhiên, một số quy định tại Luật và Nghị định cần được sửa đổi và hướng dẫn rõ ràng hơn.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh. Nguồn: PV.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, Cục Hải quan Quảng Ninh. Nguồn: PV.

Nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan

Tạo sự minh bạch, công bằng, đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế, tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích DN phát triển sản xuất, thúc đẩy XNK, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế, tuân thủ pháp luật về thuế; nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan và yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan… Là những ý kiến mà Hải quan các tỉnh, thành phố đánh giá qua thời gian áp dụng Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Đại diện Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu đánh giá, Luật Thuế XK, thuế NK cùng với Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT và Thuế Tiêu thụ đặc biệt đã tạo nên một hệ thống chính sách thuế đồng bộ, có hiệu quả vào việc điều tiết XNK hàng hóa, tạo nguồn thu ổn định cho NSNN, thể hiện được vai trò của hệ thống thuế là một trong những công cụ ổn định của kinh tế vĩ mô, góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế, nợ thuế.

Theo đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn, sự thay đổi của Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày càng tạo thuận lợi cho hoạt động XK, NK hàng hóa, cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư lành mạnh. Một số những vướng mắc trong triển khai Luật Thuế và các văn bản trước đây về người nộp thuế, miễn thuế, hoàn thuế được điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa phù hợp với mục tiêu quản lý của từng thời kỳ và thực tế phát sinh như: Cho phép thương nhân thực hiện quyền XNK; trách nhiệm của các bộ chuyên ngành đối với hàng hóa NK miễn thuế để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, sự phát triển.

Còn theo đại diện Cục Hải quan Thanh Hóa, Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016 đã quy định rõ các trường hợp được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thay thuế đã tạo thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho người nộp thuế, bổ sung các trường hợp người nộp thuế trên thực tế như các trường hợp được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thay thuế để phù hợp với khái niệm của người nộp thuế trong Luật Quản lý thuế và tạo sự thống nhất với quy định về người khai hải quan của Luật Hải quan; người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa XK, NK ở chợ biên giới; hàng hóa NK thuộc đối tượng ưu đãi thuế nhưng thay đổi mục đích sử dụng, đối tượng sử dụng... Điều này đã giúp cho Hải quan Thanh Hóa hạn chế các vướng mắc, và từ khi áp dụng Luật Thuế đến nay, đơn vị không phát sinh các vướng mắc liên quan đến ủy quyền, bảo lãnh thuế và nộp thay thuế.

Tiếp nhận ý kiến DN hoạt động trên địa bàn, đại diện Cục Hải quan Hà Nội cho biết, đa số các ý kiến đều đánh giá cao những đổi mới của Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016, Nghị định 134/2016/NĐ-CP, nhất là quy định miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong nước, tạo điều kiện để tham gia hoạt động kinh doanh sản xuất XK, góp phần gia tăng kim ngạch XK. Đại diện này cũng cho biết, Luật Thuế XK, thuế NK đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhận thức rõ quyền lợi của người nộp thuế, cũng như đề cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế tự khai, tự tính và tự nộp thuế trong hoạt động quản lý thuế của người nộp thuế.

Một trong những quy định được hải quan các tỉnh, thành phố đánh giá cao là quy định về khu phi thuế quan, các ý kiến đều cho rằng, quy định này đã tạo thuận lợi rất lớn trong quá trình thành lập và hoạt động đối với các DN chế xuất, đồng thời đảm bảo điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan Hải quan, hơn thế còn tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài.

Cần có những sửa đổi

Bên cạnh những kết quả đã đạt được góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước và ý thức chấp hành của người nộp thuế, theo hải quan các tỉnh, thành phố, một số quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK năm 2016 và Nghị định 134/2016/NĐ-CP cần được sửa đổi và hướng dẫn rõ ràng hơn để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan.

Rất nhiều ý kiến hải quan tỉnh, thành phố cho rằng, Điều 19 Luật Thuế XK, thuế NK cần bổ sung trường hợp hoàn tiền thuế nộp thừa (DN có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp) để phù hợp với Luật Quản lý thuế hiện hành, bởi Nghị định 134/2016/NĐ-CP chưa quy định về trường hợp này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất tập trung về quy định thuế suất hàng hóa XK, NK tại Khoản 2 Điều 5 Luật Thuế XK, thuế NK và tại Dòng 211 phụ lục I Nghị định 122/2016/NĐ-CP, theo các đơn vị, cần quy định cụ thể thế nào là “vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” hoặc cần quy định rõ từng nhóm hàng cụ thể kèm theo mã hàng 8 chữ số theo Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam để minh bạch, dễ thực hiện.

Theo đại diện Cục Hải quan Quảng Trị, quy định về thuế suất hàng hóa XK và hàng hóa NK có sự không tương đồng về mức thuế theo mã hàng 10 chữ số và 8 chữ số dẫn đến khó khăn cho DN trong việc xác định mã số và áp dụng mức thuế đối với trường hợp hàng hóa NK nhưng sau đó tái xuất sang nước thứ 3. Theo đó, đơn vị này đề nghị sửa đổi thuế suất XK theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế ở mức 8 chữ số cho tương ứng với mã hàng 8 chữ số trong Danh mục hàng hóa XK, NK Việt Nam và trong Biểu thuế NK theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế.

Góp ý với quy định về nguyên liệu NK để sản xuất hàng XK miễn thuế, đại diện Cục Hải quan An Giang cho biết, theo Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP hiện chưa quy định về thời hạn nguyên liệu này được lưu tại Việt Nam trong thời hạn bao lâu và xử lý thuế thế nào nếu mỗi năm nguyên liệu này vẫn quyết toán còn tồn, nghĩa là sau khi NK, DN không sản xuất sản phẩm XK từ nguyên liệu NK này. Từ đó gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong quản lý đối với loại hình này. Vì vậy, Hải quan An Giang kiến nghị, Tổng cục Hải quan cần có văn bản hướng dẫn, hoặc kiến nghị bổ sung thời hạn miễn thuế đối với nguyên liệu để sản xuất hàng XK, tránh việc DN lợi dụng chính sách miễn thuế để trốn thuế, gian lận thuế.

Một góp ý cũng được hải quan một số tỉnh, thành phố đưa ra là cần phải bổ sung vào Luật Thuế XK, thuế NK quy định về miễn thuế đối với hàng hóa được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu NK. Bởi hiện Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134/2016/NĐ-CP chưa có quy định đối với trường hợp hàng hóa XK thuộc đối tượng chịu thuế XK được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu, vật tư NK. Trong khi đó thì sản phẩm gia công XK lại được miễn thuế XK.

Như vậy, cùng một loại sản phẩm XK thuộc đối tượng chịu thuế XK được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu NK nhưng nếu thực hiện theo loại hình gia công thì được miễn thuế XK, trong khi các loại hình khác thì không được miễn thuế XK. Điều này đã tạo ra sự không bình đẳng giữa các loại hình sản xuất kinh doanh, không khuyến khích DN thực hiện các loại hình sản xuất kinh doanh tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn so với gia công cho nước ngoài.

Bên cạnh đó, sản phẩm XK được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu, vật tư NK, không sử dụng nguyên liệu, vật tư trong nước, do đó không ảnh hưởng đến chính sách không khuyến khích hay hạn chế XK một số mặt hàng theo quy định tại Biểu thuế XK.