Bứt phá xuất khẩu - dễ hay khó?
Báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) vừa công bố đã cho thấy cái nhìn lạc quan song thận trọng về bức tranh xuất khẩu năm 2019.
Nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng, thặng dư thương mại năm 2019 của Việt Nam có thể đạt 3,1 tỷ USD - mức khá cao so với các năm trước đó. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của cả năm có thể chỉ đạt mức 1 con số thay vì mức 2 con số như các năm trước.
Theo phân tích của các chuyên gia CIEM, mặc dù trong quý I/2019, xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng, song đã có dấu hiệu giảm tốc. Hai biểu hiện rõ nhất là thặng dư thương mại đã nhỏ đi với con số 1,4 tỷ USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và khu vực FDI cũng giảm tốc xuất khẩu , chỉ đạt 3%, thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước 10%.
Hai yếu tố đáng chú ý trong quý đầu năm 2019 là xuất khẩu vào các thị trường CPTPP chưa khởi sắc như kỳ vọng, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khó hơn.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) - cho rằng, khả năng tận dụng các cơ hội chưa cao. Điển hình với thị trường Australia, 3 tháng đầu năm giảm 14%. Trong khi đó, XK sang Trung Quốc cũng bắt đầu xuất hiện yếu tố gây khó khi nước này đã có những yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn đối với nông sản Việt Nam.
Những diễn tiến của năm 2018 và quý I/2019 cho thấy, Việt Nam đã có những giải pháp hợp lý trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, Việt Nam được xem là tránh được một số rủi ro trong các tranh chấp thương mại.
Để tạo đà bứt phá cho xuất khẩu năm 2019, theo các chuyên gia, Việt Nam cần tập trung khắc phục chậm trễ trong việc sửa luật và ban hành các văn bản liên quan cũng như ban hành biểu thuế ưu đãi. "Bởi nếu sự chuẩn bị của cả chính phủ và doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 2019 có thể không đạt được kỳ vọng ngay cả khi thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đã tăng" - báo cáo của CIEM nhận định.