Cá tra sẽ phải vượt nhiều rào cản kỹ thuật

Theo chinhphu.vn

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu (XK) thủy sản tháng đầu năm ước đạt 644 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK cá tra ước đạt 165 triệu USD, giảm 4,4%, tuy nhiên các chuyên gia nhận định thời gian tới thị trường cá tra sẽ có khởi sắc.

ASEAN là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất hiện nay.
ASEAN là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất hiện nay.

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng đầu năm có dấu hiệu chững giá ở mức 29.000 – 29.500 đ/kg đối với cá tra loại I. Thị trường khá trầm lắng do nhu cầu thu mua nguyên liệu đang khá thấp. Các công ty bắt đầu giảm và ngừng thu mua cá nguyên liệu để tập trung giao nốt các đơn hàng trước Tết Nguyên đán.

Quý IV/2018, giá trị XK cá tra sang thị trường ASEAN đạt 57 triệu USD, tăng 35,6% so với QIV/2017. Năm 2018, giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 202,6 triệu USD, tăng 41,5%. Trong đó, 3 thị trường XK đơn lẻ lớn nhất là: Thái Lan tăng 48,8%; Singapore tăng 20,7% và Philippines tăng 32,1%.

Như vậy, cho đến nay, ASEAN vẫn là thị trường XK lớn thứ 4 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc và EU. Năm 2018, giá trị XK cá tra sang thị trường Thái Lan đạt 76 triệu USD. Đây là thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam tại ASEAN, chiếm 36,8% tổng XK sang cả khu vực.

Ngoài Thái Lan, trong năm 2018, XK cá tra sang hai thị trường Singapore và Phillipines cũng đạt mức tăng trưởng cao với giá trị đạt lần lượt 42,3 triệu USD và 37,4 triệu USD.

Trong năm 2019, dự báo, nhu cầu nhập khẩu (NK) cá tra tại ASEAN, đặc biệt là thị trường Thái Lan, Philippines và Singapore tiếp tục tăng trưởng ổn định và tăng trưởng dương. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp XK cá tra tiếp tục tăng tỷ trọng XK sang thị trường này.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng chỉ rõ: Trong quá trình hội nhập kinh tế, thuận lợi là đã có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song các thị trường thường đặt ra các rào cản kỹ thuật để hạn chế sản phẩm thủy sản NK, bảo hộ ngành sản xuất trong nước. 
"Trong nước, về tổ chức sản xuất, riêng đối với ngành cá tra, việc tổ chức sản xuất theo quy mô lớn đã rõ ràng. Tuy nhiên đối với các ngành khác, đặc biệt là ngành tôm, sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn nhiều. Một số lĩnh vực mới như nuôi cá rô phi Việt Nam có tiềm năng phát triển nhưng mới ở giai đoạn đầu. Muốn phát triển hơn nữa, ngành cần thực hiện các giải pháp đồng bộ trong kế hoạch tái cơ cấu đã được phê duyệt", ông Luân nói.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá: Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam. Hiện nay, chất lượng con giống chưa cao và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp là những vấn đề rất đáng quan ngại. Ngoài ra, dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của cá tra Việt Nam, song cũng đang bắt đầu nuôi loại này cũng là yếu tố tạo ra mối lo ngại không nhỏ cho XK cá tra của Việt Nam.

Ông Trần Đình Luân nêu rõ, xuyên suốt năm 2019, toàn ngành sẽ thúc đẩy triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể như, với khai thác và bảo vệ nguồn lợi, toàn ngành sẽ nâng cao chất lượng khai thác; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, vận chuyển, bốc dỡ sản phẩm để nâng cao giá trị, giảm tổn thất sau thu hoạch… Bên cạnh đó, giải pháp còn là thực hiện quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.

Cũng theo ông Luân, ngành thủy sản sẽ phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm, cá tra và nuôi biển; phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thủy sản theo công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của các thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia… cũng như phục vụ cho tiêu dùng trong nước; kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm; kịp thời cảnh báo để hạn chế rủi ro.

"Kiểm soát chặt chất lượng giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ NK, ngăn chặn việc tiêm chích tạp chất và tồn dư kháng sinh trong thủy sản nuôi; hỗ trợ các địa phương xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh để đáp ứng tiêu chuẩn XK vào các thị trường khó tính cũng là giải pháp quan trọng được đẩy mạnh thời gian tới", ông Luân nói.