Các chuyên gia bàn cách gỡ rối bài toán phát triển nhà ở cho công nhân
Đây là nội dung trọng tâm được bàn bạc tại Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” diễn ra sáng ngày 31/12.
Hội thảo do Bộ Xây Dựng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng đồng chủ trì tổ chức. Theo đó, hội thảo đã tập trung nêu rõ thực trạng quá trình quy hoạch, đầu tư và phát triển khu công nghiệp gắn với quá trình phát triển đô thị, kinh tế - xã hội của khu vực và địa phương; thực trạng về công tác quản lý, tổ chức đời sống tinh thần, vật chất của công nhân tại các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 đang lan rộng.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đã giới thiệu một số mô hình quy hoạch phát triển đô thị công nghiệp gắn với quản lý, tổ chức đời sống công nhân của các nước trên thế giới và đề xuất một số giải pháp quy hoạch phát triển công nghiệp, gắn với đô thị công nghiệp, quản lý, tổ chức đời sống của công nhân.
Nhiều “nút thắt” trong việc phát triển nhà ở công nhân gắn với đô thị công nghiệp
Đại dịch COVID -19 trong lần bùng phát thứ 4 đã tấn công mạnh mẽ vào các vùng kinh tế, thành phố trọng điểm công nghiệp của đất nước làm hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.
Hình ảnh hàng chục nghìn công nhân và gia đình họ phải tháo chạy khỏi các khu công nghiệp để trở về quê hoặc buộc phải ở lại trong các túp lều “thời chiến” để thực hiện “3 tại chỗ” cho thấy những bất cập và tồn tại trong chính sách thực hiện phát triển khu công nghiệp liên quan đến đảm bảo đời sống công nhân. Xa hơn nữa là việc giải bài toán đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển công nghiệp và đô thị, giữa phát triển kinh tế và đảm bảo chất lượng sống cho người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, trong 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh dẫn đến sự hình thành và phát triển nhanh chóng của các đô thị. Tính đến tháng 12/2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 39,3% với 862 đô thị các loại. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã tác động rất lớn đến các khu vực phát triển các ngành công nghiệp, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
“Đặc biệt, khi các đô thị công nghiệp tăng nhanh thì vấn đề phát triển nhà ở cho công nhân lại càng có nhiều vướng mắc. Hiện nay, có một số khu công nghiệp trước đây nằm trên địa bàn nông thôn thì nay đã nằm trong phạm vi ranh giới của các đô thị hay nằm trong ranh giới dự kiến mở rộng của quy hoạch đô thị lân cận. Quản lý hành chính đối người lao động tại các điểm định cư công nghiệp còn đang bỏ ngỏ, chưa tương đồng với quản lý đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn, quận, phường), quản lý nông thôn (điểm định cư của người nông dân làm nông nghiệp với huyện, xã) và vì thế chưa có khái niệm về “điểm dân cư công nghiệp”, “thị tứ công nghiệp” hoặc “đô thị công nghiệp”. Đây là nguyên nhân dẫn đến thực trạng bài toán nhà ở cho công nhân hiện nay còn rất nhiều bất cập”, PGS.TS Lưu Đức Hải bày tỏ.
Cũng nhìn nhận về thực trạng phát triển đô thị, khu công nghiệp gắn với nhà ở công nhân hiện nay, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ: “Thực trạng tại Việt Nam hiện tại là ở các khu công nghiệp và khu kinh tế, việc đầu tư phát triển chưa tính đến các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, trong đó có việc xây dựng nhà ở cho người lao động ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệ để bảo đảm hoạt động của các khu công nghiệp.
Hiện nay, ở các khu công nghiệp khoảng trên 50% địa phương có tỷ lệ lao động nhập cư cao như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương thì lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%. Chính vì vậy, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và còn nhiều bức xúc. Tại các khu công nghiệp, mới có khoảng 30% số lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại phải tự thu xếp, thuê trọ rải rác với điều kiện sống tạm bợ, hết sức khó khăn và thiếu những điều kiện sinh hoạt tối thiểu”.
Theo đó, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, do quy mô lớn, vốn đầu tư cao, nhưng thu hồi vốn chậm, hiệu quả thấp, nên rất ít doanh nghiệp mặn mà đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Hiện có tới 55% công nhân trong các khu công nghiệp tập trung phải thuê nhà trọ. Một số địa bàn xung quanh các khu công nghiệp đang quá tải về hạ tầng, hệ thống an sinh xã hội chưa kịp thời đáp ứng, nhất là trường học từ mầm non đến trung học và cơ sở khám, chữa bệnh. Số học sinh các cấp từ mẫu giáo đến trung học đều vượt chuẩn, thậm chí có nơi phải bố trí học 3 ca. Các dịch vụ thiết yếu phục vụ công nhân như: Chợ, siêu thị, khu vui chơi giải trí… chủ yếu mang tính tự phát, chưa được đầu tư, chưa có sự gắn kết với địa bàn và đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.
Sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như: Phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… đã dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động vào làm việc. Ngoài ra, hầu hết các khu công nghiệp, thiết chế văn hóa còn thiếu, ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng đời sống của công nhân.
Bên cạnh đó, có một thực tế còn tồn tại đó là một số khu công nghiệp, ví dụ như tại KCN Thăng Long (Hà Nội) đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều Khu nhà ở cho công nhân lao động trên địa bàn thành phố, bảo đảm quy chuẩn, với nhiều ưu đãi, song lại chưa thu hút được công nhân.
Mặt khác, nhiều công nhân chưa tiếp cận được nhà ở xã hội bởi tiêu chí để ở nhà ở xã hội rất khắt khe và mức thu nhập của công nhân còn thấp nên không thể thuê, mua được nhà ở xã hội....
Tại Hội thảo, Ths. Phan Trọng Hiếu - Trưởng phòng Quản lý thi công và Khai thác tài sản cũng chia sẻ về thực trạng đời sống công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay. Theo đó, vấn đề lớn nhất là tỷ lệ người lao động, công nhân vẫn chưa được ổn định còn cao. Điều này thể hiện rõ những hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.
“Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, ngày 12/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020), theo đó đã giao Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì thực hiện; các Bộ ngành, địa phương có trách nhiệm tham gia phối hợp, trong đó có Bộ Xây dựng; mục tiêu từ năm 2026 trở đi phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án trên gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021. Vì vậy, đời sống công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, thiếu thốn cơ sở vật chất và không đảm bảo an toàn, sức khoẻ”, Ths. Phan Trọng Hiếu nhấn mạnh.
Lời giải nào cho bài toán phát triển đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân?
Từ thực tế còn nhiều vướng mắc và bất cập trong việc phát triển nhà ở công nhân gắn liền với phát triển đô thị công nghiệp hiện nay, các chuyên gia tại Hội thảo “Đô thị công nghiệp gắn với nhà ở công nhân” cũng đã đưa ra những đề xuất và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Theo đó, KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, phát triển các khu công nghiệp phải đảm bảo hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là mục tiêu cao nhất, khai thác tốt các lợi thế tiềm năng của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của các vùng lãnh thổ trên cả nước.
“Cần rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Nhà trẻ, trường học, công trình văn hóa, thể thao...; kết nối khu công nghiệp với khu dân cư liền kề để cùng phát triển bền vững.
Phát triển theo hướng hình thành vùng công nghiệp - đô thị hiện đại gắn kết giữa phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ để đảm bảo cho khu công nghiệp phát triển bền vững. Phát triển liên kết các khu công nghiệp thành vùng công nghiệp, hình thành vùng công nghiệp chuyên sâu và công nghiệp địa phương.
Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện. Trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Để thu hút công nhân lao động được tiếp cận với nhà ở xã hội, cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động”, KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam còn đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng, trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí đất làm nhà ở cho công nhân thuê (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân lao động, để việc quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động phù hợp điều kiện thực tiễn.
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp theo hướng phát triển bền vững, hội nhập quốc tế trong thời đại CMCN 4.0, bổ sung hướng dẫn quy hoạch thiết kế bền vững về QHXD KCN trong các đồ án quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 theo mô hình công nghiệp sinh thái, công nghiệp mới. Có chính sách khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp.
Tại Hội thảo, ông Phan Trọng Hiếu cũng kiến nghị một số giải pháp về nhà ở công nhân nhằm đảm bảo số lượng cũng như chất lượng.
Theo đó, về giải pháp lâu dài, cần sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công để thu hút và huy động được các nguồn lực trong xã hội cho việc xây nhà ở cho công nhân.
Về giải pháp ngắn hạn, trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đầu tư xây dựng 5 - 10 khu nhà ở cho công nhân thuê tạo ra 500.000m2÷1.000.000m2 sàn nhà ở đáp ứng cho khoảng 50.000÷100.000 công nhân được thuê nhà ở tại các địa phương đã được bố trí đất với một số chính sách đặc thù.
Ông Trần Đức Lợi - Tổng Giám đốc công ty SaKae Việt Nam đã giới thiệu mô hình phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư với các nguyên tắc Quy hoạch chính:
- Khu vực phát triển tích hợp với kết nối không đứt đoạn
- Đô thị đáng sống và dành cho người đi bộ
- Không gian sử dụng hỗn hợp nén và sôi động
- Bền vững về môi trường
Từ đó, đại diện SaKae đề nghị Bộ Xây dựng xem xét và cho phép việc nghiên cứu thí điểm mô hình quy hoạch phát triển tích hợp công nghiệp (4.0) và dân cư nói trên trong các đồ án Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch khu kinh tế cũng như Quy hoạch phân khu tại Quảng Trị, Quảng Nam, Hưng Yên mà Liên danh đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Quy mô và mức đầu tư sẽ được xác định cụ thể theo từng đề án, với sự phê duyệt, cũng như tham vấn của Bộ Xây dựng và các cơ quan chủ quản tại mỗi địa phương. Việc triển khai thí điểm mô hình quy hoạch nói trên cũng sẽ được thực hiện tuân thủ theo các trình tự và quy định của Việt Nam có liên quan.