Các địa phương vượt khó, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước năm 2023

Thùy Linh

Năm 2023, bất chấp bối cảnh kinh tế trên thế giới diễn biến khó lường, các địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực, đề ra các giải pháp thiết thực để hoàn thành nhiệm vụ thu - chi ngân sách nhà nước.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng:

Tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế

Năm 2023, TP. Đà Nẵng đã tập trung cao độ, quyết tâm khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Ước cả năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 21.089 tỷ đồng bằng 89,9% dự toán giao. Trong đó: thu nội địa là 17.875,9 tỷ đồng, bằng 97% dự toán, phấn đấu đến ngày 31/12/2023 đạt 100% dự toán giao; thu xuất nhập khẩu chỉ đạt 62,6% dự toán.

Cùng với đó, tổng chi ngân sách địa phương đến ngày 25/12/2023 là 14.908,6 tỷ đồng, đạt 87,6% dự toán. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch vốn HĐND Tỉnh giao đầu năm đạt 59,4%, chi thường xuyên đạt 81,3% dự toán, phấn đấu đến hết ngày 31/01/2024 giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch vốn giao trong năm đạt mức cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023.

Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị.
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị.

Nhìn chung, năm 2023, các biện pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương ban hành tiếp tục được tích cực triển khai tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố thấp hơn so với cùng kỳ, bên cạnh tác động giảm thu do chính sách.

Đối với kinh tế thành phố, 2024 được xác định là năm cần tạo ra bứt phá để tiến tới hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ phục hồi chậm, do nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp về năng lực sản xuất, khó khăn về tài chính, năng lực cạnh tranh thấp,…. Bên cạnh đó, vẫn có những vướng mắc, khó khăn kéo dài, chưa được tháo gỡ; tiến độ triển khai một số dự án thu hút đầu tư trọng điểm chưa được như mong đợi; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.... dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian đến.

Về thu, chi ngân sách, dự báo năm 2024, thu ngân sách Thành phố tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và tác động từ việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí... Trong bối cảnh đó, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngành Tài chính Thành phố sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp điều hành thu, chi ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, chủ động, bám sát dự toán mà Trung ương và HĐND Thành phố giao.

Ông Đặng Xuân Trường – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên:

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 20 nghìn tỷ đồng

2023 là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên tự cân đối thu - chi ngân sách với tỷ lệ điều tiết 4% về ngân sách Trung ương đối với các khoản thu phân chia theo quy định. Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 20 nghìn tỷ đồng, đạt 102,2% dự toán Bộ Tài chính giao; đạt 100% dự toán HĐND Tỉnh giao. Trong bối cảnh giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Tỉnh giảm 10,5% so với năm 2022; số thu từ hải quan ước đạt 82,5% dự toán Bộ Tài chính giao, kết quả thu ngân sách đạt mục tiêu đề ra thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Tỉnh.

Song song với đó, tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước đạt 18.162 tỷ đồng, bằng 101% dự toán Bộ Tài chính giao. Ước giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thái Nguyên đến hết tháng 12/2023 đạt 7.617 tỷ đồng, đạt 96,9% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với đó, chi thường xuyên đã đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao và các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo các nhiệm vụ quốc phòng an ninh.

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đề ra 3 nhóm chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,5%; giá trị xuất khẩu tăng 8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 19.515 tỷ đồng...

Trong bối cảnh nhiệm vụ đặt ra trong năm 2024 là rất nặng nề, tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất Quốc hội, Chính phủ cho phép tỉnh Thái Nguyên được sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định:

Thu nội địa vượt 5,9% dự toán

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Định (đến ngày 26/12/2023) thực hiện là 11.714,3 tỷ đồng, vượt 1,2% dự toán trung ương giao, bằng 74,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 11.100 tỷ đồng, vượt 5,9% dự toán Trung ương giao và bằng 74,9% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận được chia và lợi nhuận còn lại, thực hiện thu nội địa là 6.486,8 tỷ đồng, vượt 3% dự toán Trung ương giao, bằng 91% so cùng kỳ.

Trong năm, một số khoản thu mặc dù chịu tác động các chính sách tài khóa của Trung ương về giảm thuế, tiền thuê đất nhưng vẫn thực hiện vượt dự toán trung ương giao như: thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương vượt 2,9% dự toán; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh vượt 2,8% dự toán; thu tiền cho thuê mặt đất mặt nước vượt hơn 2,4 lần dự toán. Đáng chú ý,  thu tiền sử dụng đất năm 2023 của Tỉnh thực hiện vượt 9,5% dự toán Trung ương giao.

Thời gian qua, các cơ quan thu ngân sách, nhất là ngành Thuế đã nắm chắc nguồn thu, thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; nắm chắc thông tin các dự án, nguồn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất toàn tỉnh; theo dõi các khoản chậm nộp các khoản thuế của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nợ tiền thuê đất nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh.

Đối với chi ngân sách nhà nước, tổng chi ngân sách địa phương thực hiện là 17.673,3 tỷ đồng, đạt 106,1% so với dự toán trung ương giao. Tỉnh Bình Định đã thực hiện dự toán chi chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tiết kiệm, ngăn ngừa hành vi tham nhũng, lãng phí. Việc điều hành chi ngân sách của các cấp chính quyền địa phương trong khả năng cân đối nguồn thu của địa phương đã bám sát theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao và cơ bản đáp ứng kịp thời các khoản chi cần thiết, bức xúc khác.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Trung ương giao, UBND Tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dự án bất động sản tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhằm tạo đà phục hồi cho thị trường bất động sản, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương, đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án, công trình của địa phương đã bố trí kế hoạch vốn từ nguồn thu này.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh:

Số thu ngân sách giảm so với cùng kỳ

Năm 2023, bối cảnh thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 30% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, kim ngạch có thuế giảm đã làm số thu ngân sách trên địa bàn giảm so với cùng kỳ. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố năm 2023 là 439.288 tỷ đồng, đạt 93,53% dự toán và giảm 8,54% so với cùng kỳ.

Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh được chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước là 482.660 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26% trong tổng dự toán thu cả nước. Trong đó, thu nội địa là 333.960 tỷ đồng; thu từ dầu thô là 17.900 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu là 130.800 tỷ đồng. Cùng với đó, chi ngân sách Thành phố năm 2024 là 149.977 tỷ đồng. Do đó, việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách trong năm 2024, đặc biệt là nguồn thu tiền sử dụng đất là nhiệm vụ và cũng là thách thức lớn phải hoàn thành, đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị nhằm đảm bảo sự chủ động trong điều hành, cân đối thu – chi ngân sách, đặc biệt là cân đối nguồn chi đầu tư phát triển.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2024, TP. Hồ Chí Minh sẽ chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh triển khai các dự án lớn, công trình hạ tầng trọng điểm. Đồng thời, Thành phố sẽ tổ chức điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán được giao, chỉ ban hành chính sách tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.