Các điều kiện để lao động mất việc làm được nhận hỗ trợ đào tạo?

PV.

Ngày 17/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 152/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 04/12/2016) quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Theo đó, lao động là đối tượng quy định tại Điều 2 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg mất việc sẽ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các đối tượng quy định tại Điều 2 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg  do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/09/2015 (quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng) gồm: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Thông tư 152/2016/TT-BTC, các đối tượng trên sẽ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo khi đáp ứng các điều kiện:

- Trường hợp làm việc theo hợp đồng có một trong các giấy tờ sau: Quyết định thôi việc, buộc thôi việc; quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

- Trường hợp làm việc không theo hợp đồng: Giấy xác nhận của người sử dụng lao động;

- Trường hợp tự tạo việc làm: Giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (trong trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh).

Đối với người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm thì ngoài các giấy tờ nêu trên, cần bổ sung thêm chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo trước đó.