Các doanh nghiệp Nhật chú trọng thị trường Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản.
Đáng chú ý, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản nhận được hỗ trợ đợt đầu để dịch chuyển cơ sở sản xuất, thì có đến 15 doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm, làm ăn kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào ngân sách, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động, luôn giữ chữ tín và đây là cốt lõi trong làm ăn kinh doanh.
Thêm nữa, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư PPP với nhiều điểm mới, minh bạch, thuận lợi, ưu đãi đầu tư… Đặc biệt, các cam kết FTA tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, chắc chắn sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, có môi trường đầu tư theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến. Cùng với 100 triệu dân, thu nhập ngày càng tăng, nằm trong khối ASEAN năng động với gần 650 triệu dân, đủ lớn cho nhiều kế hoạch tham vọng của các doanh nhân Nhật Bản.
Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển, luôn chào đón các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam...
Ông Yamada Takio - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng,Việt Nam đã sớm phục hồi nhờ năng lực quản lý rủi ro ưu việt của mình. Việt Nam đang được hưởng thụ trực tiếp lợi thế từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đang khiến các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam, một nơi đầu tư trong điều kiện bình thường mới hậu Covid-19 và Việt Nam sẽ nắm được cơ hội này để trở thành một nước cường thịnh hơn trong thời gian tới.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là JCCI đề xuất, cần tạo cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp với đặc điểm của ngành sản xuất, chế tạo của Nhật Bản, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng theo phương thức PPP... Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho các công nghệ tiên tiến cũng như các doanh nghiệp mở rộng đầu tư với quy mô lớn, xây dựng cơ chế ưu đãi cho cả chuỗi sản xuất chứ không chỉ cho một vài doanh nghiệp.
Trước đó, bất chấp dịch bệnh, Good Goods Japan 2020 - hoạt động hỗ trợ khai thác thị trường do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng khai thác và mở rộng thị trường Việt Nam bằng các sản phẩm hàng tiêu dùng với tiêu chí “chất lượng - an toàn - an tâm”, với thiết kế và tính năng vượt trội, diễn ra tại Hà Nội vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 46 doanh nghiệp Nhật tham dự.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, JETRO tổ chức chương trình dưới hình thức trưng bày triển lãm các sản phẩm mẫu tại Văn phòng JETRO Hà Nội. Tại triển lãm, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trải nghiệm cũng như đánh giá thực tế các sản phẩm trước. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì JETRO sẽ sắp xếp các buổi kết nối đàm phán online. 2020 là năm thứ 7 JETRO tổ chức chương trình này tại Việt Nam. Hậu Covid-19, đây là dự án đầu tiên JETRO thực hiện, ông Abe Tomofumi - Giám đốc dự án JETRO tại Hà Nội cho biết.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới, số lượng gần 50 doanh nghiệp Nhật tham dự Good Goods Japan 2020 tại Hà Nội cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật.
Ông Abe Tomofumi quả quyết rằng, cùng với xu hướng mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp Nhật đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cho khách hàng, sự tiện lợi trong lưu trữ và vận chuyển hàng hóa để thúc đẩy hơn nữa hàng Nhật vào thị trường Việt Nam.