Tận dụng EVFTA, nông sản Việt liên tiếp lên đường sang EU
Lô hàng chanh leo, cà phê của Việt Nam sẽ liên tục được các nhà xuất khẩu uy tín của Việt Nam làm thủ tục đưa sang EU, tận dụng cơ hội giảm thuế từ hiệp định EVFTA.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tiếp nối sự kiện lô tôm đầu tiên xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), ngày 16 và 17/9 tới đây, các mặt hàng như cà phê, chanh leo, thanh long sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường này với những ưu đãi mà FTA này mang lại.
Theo kế hoạch, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sẽ xuất khẩu lô hàng chanh leo và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) xuất khẩu càphê, ngày 17/9 Vina T&T Group sẽ xuất khẩu lô rau quả gồm bưởi, dừa, thanh long sang thị trường EU.
EU là thị trường tiêu thụ nhiều càphê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trung bình, giá trị xuất khẩu càphê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua.
Trong tháng 8/2020, giá trị xuất khẩu mặt hàng càphê của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7/2020, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng cà phê được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi EU xóa bỏ thuế cho toàn bộ cho các sản phẩm cà phê chưa rang hoặc đã rang, giảm từ 7-11% xuống 0%; các loại càphê chế biến từ giảm 9-12% xuống còn 0%.
Đối với rau quả, cơ hội tại EU với những loại trái cây tươi được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín của các doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu như Đồng Giao, Nafoods, Vina T&T... là rất lớn.
Không đợi đến ngày EVFTA đi vào thực thi, thời gian qua, Công ty CP Nafoods Group đã xuất khẩu thành công nhiều loại trái cây tươi sang EU, trong đó, đưa thành công trái chanh leo tươi từ vùng trồng Mộc Châu, Sơn La đến với thị trường Pháp. Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cũng là nhà xuất khẩu với vùng trồng quy mô lớn, có nhiều đơn hàng xuất sang EU.
Theo các nhà xuất khẩu, thị trường chanh leo hiện còn dư địa rất lớn, trong khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh. Các sản phẩm chanh leo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, mứt, bánh kẹo… với nhu cầu sử dụng tăng bình quân 30%/năm.
Trước đó, ngày 11/9, lô hàng tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam do Công ty TNHH Thông Thuận (Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) sản xuất theo tiêu chuẩn ASC đã chính thức "lên đường" sang EU và tận dụng được ưu đãi thuế 0% từ EVFTA.
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU có mức thuế là 12% đến 20% về 0% ngay như tôm sú đông lạnh. Sau 5-7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, một số mặt hàng tôm khác sẽ được điều chỉnh về 0%.