Một thập kỷ thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong nâng cao năng suất chất lượng
Sau một thập kỷ triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), đến nay đã thay đổi nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam trong nâng cao năng suất lao động cũng như năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa để nhanh chóng “hòa nhịp” với bối cảnh mới.
Tăng năng suất, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Dự án thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Để đưa Chương trình 712 nhanh chóng vào thực tiễn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ, chuyển giao các kết quả khoa học và công nghệ để doanh nghiệp ứng dụng vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp.
Sau 10 năm triển khai Chương trình 712 đã hỗ trợ được hơn 5.000 doanh nghiệp. Đồng thời, Chương trình đã có độ “bao phủ” rộng khắp cả nước và mang lại sự hỗ trợ không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được trang bị và tiếp cận những công cụ hiện đại. Thông qua việc áp dụng này, các doanh nghiệp đã có phương pháp nâng cao năng suất chất lượng cũng như giảm các sai lỗi, nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình 712, đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến và áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng Chất lượng quốc gia đã giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi; qua đó, nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Có thể thấy, bước chuyển biến rõ rệt nhất khi triển khai Chương trình 712 là các doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua không ngừng cải tiến năng suất, chất lượng và hiệu quả quản lý.
Hiệu ứng rõ nét là các doanh nghiệp đã đưa vào áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, coi đó là hoạt động không thể thiếu. Các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành hệ thống công cụ cải tiến năng suất chất lượng quen thuộc với các doanh nghiệp. Các chương trình và công cụ cải tiến Kaizen, 5S, Lean, Lean 6 Sigma… và các công cụ quản lý khác cũng được các doanh nghiệp quan tâm và ứng dụng.
Đánh giá về kết quả sau 10 năm triển khai Chương trình 712, ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, việc triển khai Chương trình 712 đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đề ra. Các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, chủ động hơn trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ.
“Có thể khẳng định, hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng của Việt Nam trong những năm qua đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, doanh nghiệp cũng đã tiếp cận và từng bước triển khai các công cụ cải tiến năng suất cơ bản khác”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Nhiều mô hình “điểm” giúp tăng doanh thu tại doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng là những giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường đặc biệt trong thời điểm hội nhập toàn cầu.
Thực tế triển khai Chương trình 712 cho thấy, đã có ngày càng nhiều mô hình “điểm” tại doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể năng suất lao động cũng như năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Nam Dược, áp dụng công cụ duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể trong quá trình sản xuất dược phẩm giúp doanh nghiệp này giảm 80% tỷ lệ vỡ viên thuốc, tăng hiệu suất thiết bị toàn phần từ 50% lên 60%.
Hay như tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nhờ áp dụng công cụ cải tiến Lean Six Sigma vào dây chuyền sản xuất đã giúp Công ty này năng suất lao động có thời điểm tăng đến 200% - 300% và doanh thu từ sản phẩm LED - thay thế sản phẩm chiếu sáng truyền thống tăng lên đến 1.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của chuyên gia năng suất, việc các doanh nghiệp áp dụng các công cụ quản lý đã kiểm soát tốt mục tiêu chiến lược, quá trình hoạt động thông qua hệ thống đo lường và đánh giá hiệu quả công việc, từ đó giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các chi phí.
Sau 10 năm triển khai Chương trình 712 đã hỗ trợ được hơn 5.000 doanh nghiệp. Đồng thời, Chương trình đã có độ “bao phủ” rộng khắp cả nước và mang lại sự hỗ trợ không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được trang bị và tiếp cận những công cụ hiện đại.
Thông qua việc áp dụng này, các doanh nghiệp đã có phương pháp nâng cao năng suất chất lượng cũng như giảm các sai lỗi, nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.