Các đồng tiền chủ chốt “lấp lửng” chờ dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Các đồng tiền chủ chốt không có nhiều biến động trong sáng nay (19/1) do các nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi các dữ liệu kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu đang gia tăng cùng với giá dầu sụt giảm mạnh.
Theo đó trong phiên giao dịch sáng nay, đồng USD đang đứng ở mức 1 USD = 117,38 JPY, phục hồi nhẹ từ mức thấp nhất 5 tháng là 116,51 JPY trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, đồng yên Nhật có thể sẽ được củng cố do lo ngại triển vọng yếu kém của kinh tế toàn cầu.
Đồng yên đã tăng lên mạnh nhất trong năm nay so với các đồng tiền chủ chốt với mức tăng khoảng 2,5%. Sự lao dốc của đồng nhân dân tệ hồi đầu năm đã làm dấy lên những lo ngại về kinh tế Trung Quốc càng khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn trong đó có yên Nhật.
"Cội nguồn sức mạnh của đồng yên là sự mất giá của đồng nhân dân tệ, bởi nó được xem là một tài sản an toàn có thể tránh được những tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu", Shunsuke Yamada - Chiến lược gia tiền tệ Nhật Bản của Bank of America Merrill Lynch cho biết.
"Đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm giảm khả năng tăng lãi suất của Fed, qua đó loại bỏ được một một những áp lực đáng kể của đồng yên”, ông nói thêm.
Thật vậy, các nhà đầu cơ tiền tệ tương lai đã mua ròng đồng yên trong tuần qua, lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức vào cuối năm 2012.
Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc đã mạnh tay can thiệp để ổn định đồng nhân dân tệ, tuy nhiên dòng vốn vẫn đang tháo chạy khỏi Trung Quốc cho thấy những lo ngại về nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng cao. Do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia nhập khẩu hàng đầu các loại hàng hóa cơ bản nên những biến động của kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng kinh tế thế giới.
Cũng chính bởi vậy, những số liệu kinh tế Trung Quốc sắp được cống bố đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư tiền tệ hiện nay. Theo dự báo của các nhà kinh tế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 6,8% trong quý cuối cùng của năm 2015, thấp hơn mức tăng 6,9% của quý trước.
Điều đó đã tác động mạnh đến đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu. Đơn cử, hiện đồng đô la Úc, một quốc gia xuất khẩu khá nhiều nguyên liệu sáng Trung Quốc, đang được giao dịch ở mức 0,6872 USD, không cao hơn bao nhiêu mức đáy 7 năm là 0,6827 USD của phiên cuối tuần trước.
Áp lực đối với các đồng tiền hàng hóa như đôla Úc còn chịu tác động kép từ sự sụt giảm mạnh của giá dầu khi mà giá “vàng đen” hiện đang giao dịch ở mức đáy 12 năm kéo giá của nhiều loại hàng hóa cơ bản khác cũng giảm theo.
Một lo ngại nữa của các nhà đầu tư là triển vọng của kinh tế Mỹ, một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu tính đến thời điểm hiện nay, cũng có thể không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Bằng chứng là những dữ liệu kinh tế không mấy khả quan được công bố gần đây.
"Nền kinh tế Mỹ đang mất dần động lực và đó thực sự là một tin xấu đối với các nhà đầu tư toàn cầu", Shinichiro Kadota, chiến lược gia tiền tệ Nhật Bản tại Barclays cho biết.
Những dữ liệu kinh tế yếu kém đã hãm lại đà tăng của đồng bạc xanh. Hiện chỉ số đồng USD vẫn duy trì một khoảng cách khá xa so với mức đỉnh 99,634 của ngày 5/1, hiện đang dừng ở 99,126.
Đồng euro cũng chỉ biến động trong phạm vi khá hẹp từ 1,07- 1,10 USD kể từ đầu năm đến nay và hiện đang dừng ở 1,0890 USD.
Trong khi đó, đồng bảng Anh là đồng tiền sụt giảm mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt do lo ngại Anh có thể rời khởi EU. Hiện đồng bảng Anh đang được giao dịch ở mức 1,4250 USD, chỉ cách không xa mức đáy 1,4228 USD hồi tháng 5/2010.
Chưa hết đồng bảng Anh còn chịu tác động tiêu cực từ quyết định giữ nguyên lãi suất của NHTW Anh mới đây và dự báo cơ quan này sẽ tiếp tục lui thời điểm tăng lãi suất do áp lực lạm phát yếu.
Đồng đôla Canada cũng đang tiến sát đến mức đáy 13 năm thấp khi rơi xuống mức 1 USD = 1,4650 CAD trong phiên hôm qua khi dầu thô Brent giảm xuống dưới 29 USD/thùng. Hiện đồng tiền này đang được giao dịch ở mức 1 USD = 1,4545 CAD.