Nhân dân tệ - nhân tố khó lường của kinh tế toàn cầu
Năm 2015, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc mất giá 4,5%, là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1994. Tuy nhiên, trong năm 2016, kỷ lục này có thể sẽ bị xô đổ. Mặc dù vừa được IMF đưa vào giỏ tiền dự trữ quốc tế, song đồng NDT đang cho thấy tính mất ổn định của mình.
Điệu tango của tỷ giá
Ngày 11/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng NDT ở mức 6,562 NDT/USD, tăng hơn 0,15% so với hôm 8.1. Đây là phiên thứ hai liên tiếp PBoC nâng giá đồng NDT sau 8 phiên hạ giá đồng NDT liên tiếp kết thúc vào thứ 5 tuần trước.
Tuy nhiên, dường như quyết định này vẫn không ổn định được tâm lý của các nhà đầu tư. Trong khi Chỉ số Giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc sụt giảm tháng thứ 46 liên tiếp và lạm phát chỉ bằng một nửa mục tiêu đề ra, chứng khoán Trung Quốc đã tái hiện cảnh hàng nghìn cổ phiếu giảm sàn và kỳ vọng đồng NDT giảm giá vẫn tồn tại.
Điều này khiến nhu cầu ngoại tệ ở Trung Quốc tăng vọt, thậm chí còn gây ra sự cố đối với internet banking của một số ngân hàng.
Trên thực tế, đồng NDT đang phải đối mặt với đà tăng giá của đồng USD, áp lực dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc, hiệu quả kích thích kinh tế thông qua hàng loạt các biện pháp như tăng quy mô thâm hụt ngân sách, hoán đổi nợ, giảm thuế... khó được như kỳ vọng.
Đặc biệt là việc kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục trượt dốc tăng trưởng mà theo nhận định của nhà nghiên cứu độc lập Charlene Hu, người được coi là một trong những chuyên gia hiểu rõ nhất về tình hình kinh tế Trung Quốc trên thế giới, đăng trên tờ Business Insider (Anh), dù Bắc Kinh có chi hơn 5.000 tỷ USD (gấp gần 10 lần gói kích thích kinh tế Trung Quốc đưa ra năm 2009) để cứu kinh tế, nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả.
Do vậy, việc đồng NDT giảm giá dường như trở thành nhận thức chung. Gần đây, hàng hoạt tổ chức tài chính, ngân hàng cũng tiến hành điều chỉnh dự báo tỷ giá đồng NDT.
Ngày 8.1, ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs (Mỹ) đã dự báo tỷ giá đồng NDT vào cuối năm 2016, từ mức 6,6 NDT/USD đưa ra hồi cuối năm 2015 xuống mức 7 NDT/USD.
Về phần mình, trước đây, tập đoàn tài chính đa quốc gia ABN AMRO (Hà Lan) dự báo vào cuối năm 2016, tỷ giá của đồng NDT ở mức 6,55 NDT/USD, nay cũng điều chỉnh còn 6,7 NDT/USD.
Trong khi đó, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc ngân hàng Macquarie (Australia) Hồ Vĩ Tuấn nhận định, cuối năm 2016, đồng NDT có khả năng mất giá từ 5% - 7%.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters (Anh), có chuyên gia chính sách Trung Quốc kiến nghị: Nhằm tăng cường kiểm soát dòng vốn, hạn chế đầu cơ và việc dòng tiền chảy khỏi nước này, PBoC cần phải để đồng NDT giảm giá từ 10% - 15% trong khoảng thời gian không xác định bởi việc giảm giá đồng NDT kiểu tiệm tiến gần đây cho thấy cái hại lớn hơn lợi ích mang lại.
Chưa tạo được niềm tin
Một nguyên nhân khác khiến đồng NDT khó cưỡng đà giảm giá là việc thị trường thiếu niềm tin vào đồng tiền này. Theo tờ Kinh tế Nhật báo, sự thiếu thống nhất giữa lời nói và hành động của PBoC khiến thị trường lo lắng.
Tuy PBoC nhiều lần nhấn mạnh đồng NDT “không tồn tại cơ sở tiếp tục giảm giá”, nhưng thực tế cho thấy trong 4 phiên đầu năm 2016, đồng NDT đã liên tục giảm giá, xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm.
Nếu như vào cuối năm 2015, việc đồng NDT mất giá được lý giải là hành động tự bảo vệ trước sự tăng giá của đồng USD, nhưng trong 4 phiên đầu năm 2016, đồng USD không ở trong tình trạng đó nữa còn đồng NDT vẫn tiếp tục mất giá.
Bên cạnh đó, việc PBoC bơm 130 tỷ NDT ngày 5.1 được nhìn nhận như một động thái đỡ tỷ giá. Nhưng hôm sau, khi mở cửa thị trường, PBoC lại giảm giá đồng NDT thêm 115 điểm cơ bản so với mức đóng cửa của ngày 5/1. Những tín hiệu trái chiều đó khiến các nhà đầu tư không biết đâu là thực, là hư, càng làm giảm sút niềm tin của thị trường đối với đồng NDT.
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ
Đành rằng việc đồng NDT giảm giá là chuyện của Trung Quốc, nhưng thị trường thế giới vẫn bị chấn động mạnh bởi đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng tới việc Trung Quốc phát huy vai trò trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Trước tiên, đồng NDT giảm giá làm giảm sức mua của Trung Quốc (thị trường lớn nhất thế giới) đối với hàng hóa cơ bản, gia tăng áp lực giảm giá lên dầu mỏ.
Tất cả sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế phát triển cũng như nền kinh tế mới nổi xuất khẩu quặng đồng, quặng sắt, dầu mỏ và hàng hóa khác... sang Trung Quốc như Australia, Brazil, Chile...
Đặc biệt, việc đồng NDT tiếp tục giảm giá có thể sẽ dẫn tới chiến tranh tiền tệ giữa các nước bởi các nước sẽ đua nhau phá giá đồng nội tệ để bảo vệ ngành xuất khẩu. Những hành động tự vệ kiểu này đã xuất hiện với sự tham gia của ngày càng nhiều quốc gia.
Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 có những điểm tương đồng lớn với tình hình hiện nay. Khi đó, các nước châu Á cũng phải đối mặt tới tình trạng đồng NDT giảm giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khởi động chu kỳ tăng lãi suất, làm dấy lên cuộc cạnh tranh giảm giá đồng nội tệ ở các nước Đông Nam Á.
Hệ quả là hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp bị phá sản, khiến đa số nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái.