Hưởng ứng ngày đất ngập nước Thế giới năm 2023

T. Anh

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Văn bản số 7945/BTNMT-TCMT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các ban, ngành, đoàn thể; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo tổ chức một số hoạt động hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2023.

Xu hướng biến mất và suy thoái của đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng.
Xu hướng biến mất và suy thoái của đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng.

Theo Ban Thư ký Công ước Ramsar, các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, từ lọc nguồn nước và cung cấp nước, đến bảo vệ chúng ta khỏi bão và lũ lụt, duy trì đa dạng sinh học và lưu trữ carbon.

Ngày Đất ngập nước Thế giới nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của các vùng đất ngập nước đối với nhân loại và hành tinh, để thúc đẩy các hành động dẫn đến việc bảo tồn, sử dụng hợp lý và phục hồi chúng. 

Xu hướng biến mất và suy thoái của đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng. Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng và hơn 35% diện tích đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc biến mất tính từ  năm 1970.

Trước thực trạng trên, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các  quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 02/02/2023 với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay - Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi  đất ngập nước”. Hoạt động này nhằm khẳng định nhu cầu cấp thiết phải ưu tiên phục hồi các vùng đất ngập nước và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động để phục hồi đất ngập nước bị suy thoái.  

Để hưởng ứng đề nghị của Ban thư ký Công ước Ramsar và lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về Thập kỷ “Phục hồi Hệ sinh thái”, Bộ Tài  nguyên và Môi trường Việt Nam đề nghị các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các  vùng đất ngập nước đối với sự sống của con người và thiên nhiên, tăng cường  nhận thức về các mối đe dọa chính đối với hệ sinh thái đất ngập nước, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất  ngập nước, tăng cường quản lý, phục hồi đất ngập nước.  

Bên cạnh đó, tiến hành các hoạt động truyền thông phù hợp, tổ chức lễ kỷ niệm, các  cuộc thi, triển lãm hoặc phát động các phong trào gắn với chủ đề Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2023. Tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và  sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế  hoạch, dự án phát triển của Bộ, ngành và địa phương...

Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp đầu tư vào bảo tồn, quản lý và phục hồi các vùng  đất ngập nước để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học. 

Trước đó, Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước Ramsar từ năm 1989 và là quốc gia đầu tiên của khu vực ASEAN tham gia công ước này. Sau khi trở thành thành viên của Công ước Ramsar, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Công ước quy địnhnhư Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước - văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp về quản lý đất ngập nước để thực thi Công ước Ramsar.

Sau khi ban hành, các điều của Nghị định đã được cụ thể hóa thành các chiến lược, chính sách và kế hoạch hành động của ngành Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành và địa phương liên quan trên phạm vi cả nước.

 

Công ước về các vùng Đất ngập nước (Công ước Ramsar, Iran, 1971) là hiệp ước quốc tế với sứ mệnh “bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua các hành động của địa phương, khu vực, quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới” với sự tham gia của 172 quốc gia thành viên.