Tỉnh Ninh Thuận:
Các giải pháp phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế
Với các giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế của tỉnh phục hồi mạnh mẽ. Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) tiếp tục ổn định và phục hồi tích cực. Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cơ bản vẫn được kiểm soát tốt, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời.
Bức tranh KT-XH có nhiều điểm nổi bật, qua tốc độ tăng GRDP 9 tháng và tháng 10/2022 nhận thấy tình hình tăng trưởng trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ sau thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, từ mức tăng 3,84% của 6 tháng đầu năm đã tăng lên 6,94% của 9 tháng đầu năm. Ghi nhận các nhóm ngành trụ cột đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục đà phục hồi với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 13,81% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, IIP toàn ngành tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước, với động lực là ngành chế biến, chế tạo tăng 20,69%, mức tăng cao nhất các năm 2015-2022. Ở lĩnh vực hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ tháng 10 trên địa bàn tỉnh tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, hàng hóa dồi dào, du lịch biển của tỉnh thu hút được lượng khá lớn khách du lịch.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng tăng 27,1%, tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2016-2022. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác quân sự, quốc phòng được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được ổn định...
Có được kết quả trên, UBND tỉnh Ninh Thuận bám sát các chủ trương của trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch, phương án, kịch bản điều hành cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn và quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên từng lĩnh vực, bảo đảm chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, xử lý, ứng biến nhanh, có giải pháp phù hợp, kịp thời và có trọng tâm, trọng điểm nhằm nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2022.
Nổi bật, trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành các kế hoạch, giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành và địa phương trong tỉnh tập trung triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; trong đó, tập trung vào triển khai 19 chính sách phục hồi.
Đến nay có 13/19 chính sách thuộc chương trình phục hồi đã được triển khai thực hiện, trong đó 3 chính sách đã hoàn thành và kết thúc hỗ trợ, hỗ trợ cho 4.564 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh/1.008 tỷ đồng và 2.852 cá nhân, hộ gia đình/116,5 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, người dân để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong công tác chỉ đạo về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh Ninh Thuận luôn lắng nghe, tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị của DN và thường xuyên tổ chức những buổi gặp gỡ, đối thoại với DN cũng như các cuộc họp chuyên đề để giải quyết từng nhóm vấn đề cụ thể trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến hành rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ những quy định về thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và DN đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Đến nay, tất cả các thủ tục có liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh được thực hiện theo quy trình “một cửa liên thông”, áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC cho DN, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục về đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 10 tháng đầu năm 2022, số DN đăng ký thành lập mới tăng 40%, số DN quay trở lại hoạt động tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến ngày 22/10, tổng số DN đang hoạt động 3.953 DN với số vốn đăng ký 92.202 tỷ đồng.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục bám sát, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, chỉ đạo điều hành quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các chương trình, đề án thuộc chương trình công tác của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh năm 2022.
Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, trong đó tập trung tăng tốc, quyết liệt triển khai các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đã đề ra từ đầu năm, nhất là các ngành còn dư địa để tạo động lực cho tăng trưởng.
Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chính sách đã được hướng dẫn về hỗ trợ trực tiếp cho DN, hợp tác xã, người dân. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án du lịch; khu đô thị; khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục duy trì công tác giám sát, chủ động kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi nhắc lại.