Các hệ thống, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng doanh nghiệp cần biết

Ánh Dương

Những năm qua, các hệ thống quản lý cũng như công cụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm ở Việt Nam không ngừng được cải tiến. Các doanh nghiệp cần nắm rõ để áp dụng cho phù hợp, đem lại hiệu quả tốt nhất.

Việt Nam đã có khoảng hơn 10.000 tổ chức được chứng nhận theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý, trong đó phần lớn là ISO 9000. Ảnh: Internet
Việt Nam đã có khoảng hơn 10.000 tổ chức được chứng nhận theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý, trong đó phần lớn là ISO 9000. Ảnh: Internet

Nhiều doanh nghiệp quen thuộc với ISO 9000

Các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành, bao gồm: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 cho các ngành sản xuất và dịch vụ; hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp dầu khí ISO 29001, sản xuất ô tô và công nghiệp phụ trợ ISO/TS 16949, viễn thông TL 9000, thiết bị y tế ISO 13485; hệ thống quản lý chất lượng phòng thử nghiệm ISO/IEC 17025; hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, HACCP, GMP; hệ thống trách nhiệm xã hội ISO 26000/SA 8000; hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001; hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000; hệ thống quản lý môi trường ISO 14001; hệ thống quản lý an toàn thông tin ISO 27001; hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001…

Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế được giới thiệu tại Việt Nam từ năm 1995 bắt đầu từ hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000, tiếp đến là các tiêu chuẩn khác như ISO 14000, ISO 22000... Theo thống kê không chính thức, Việt Nam đã có khoảng hơn 10.000 tổ chức được chứng nhận theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý, trong đó phần lớn là ISO 9000.

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã khá quen thuộc với ISO 9000 và áp dụng tiêu chuẩn này khá thành công. ISO 9000 được xem như nền tảng cho hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm của rất nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức kinh doanh dịch vụ, dịch vụ công. Tuy nhiên, nếu so sánh số lượng các doanh nghiệp đã được chứng nhận hệ thống quản lý với tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay, con số vẫn còn khiêm tốn.

Số các doanh nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9000 tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn và vừa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9000 chiếm tỷ lệ rất thấp.

Nhóm các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng bao gồm: 5S, Kaizen, nhóm chất lượng/cải tiến QCC/IQC, các công cụ thống kê để kiểm soát chất lượng, hệ thống khuyến nghị cải tiến (KSS), kỹ thuật chẩn đoán doanh nghiệp; sản xuất tinh gọn (Lean); giảm thiểu khuyết tật (Six Sigma); thẻ điểm cân bằng (BSC); chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPIs); duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM); đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên, quản lý hệ khách hàng (CRM); quản lý tri thức (KM)…

Các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng được giới thiệu tại Việt Nam vào khoảng năm 1996 cùng với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn.

Tăng lợi ích khi tích hợp các hệ thống, công cụ

Hiện nay, do yêu cầu quản lý cần đáp ứng nhiều yêu cầu cùng lúc mà ngày càng có nhiều tổ chức đã và đang áp dụng đồng thời các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý như: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; các hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành như ISO/TS 16949 đối với ngành công nghiệp ô tô; ISO/TS 29001 đối với ngành công nghiệp dầu khí; ISO 13485 đối với ngành sản xuất thiết bị, dụng cụ y tế…

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức còn áp dụng kết hợp các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, điển hình như 5S, TPM, Lean, KPIs…

Các chuyên gia năng suất, chất lượng phân tích, khi áp dụng, vận hành từ hai hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng trở lên, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng một hệ thống quản lý tích hợp nhằm xây dựng một hệ thống đơn giản, vận hành hiệu quả và thỏa mãn các yêu cầu liên quan.

Hệ thống quản lý tích hợp mang lại nhiều lợi ích. Xét về chiến lược và quản lý, một hệ thống quản lý thống nhất nghĩa là có sự rõ ràng và nhất quán trên tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, với mọi bộ phận chức năng tập trung vào việc cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có những lợi ích rõ ràng về mặt tài chính khi áp dụng hệ thống quản lý tích hợp từ việc đơn giản hóa, ít sự quan liêu và giảm trùng lặp giữa các hệ thống quản lý riêng biệt, tránh lãng phí, giảm nguồn lực xây dựng, duy trì cũng như vận hành hệ thống.