Các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 5/2020

Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo (hay còn gọi là startup) đã và đang khẳng định tiềm năng phát triển. Để khởi nghiệp thành công, vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Hoạt động huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đã bước thêm được một bước tiến quan trọng kể từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành.

Để khởi nghiệp thành công, vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Để khởi nghiệp thành công, vấn đề vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.

Sau khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Luật, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước năm 2017, các chính sách huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) không được ban hành riêng. Quy định pháp lý về huy động vốn cho DNKN được lồng ghép trong chính sách hỗ trợ DN, chính sách tín dụng hoặc chính sách phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể. Năm 2017, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) được Quốc hội khóa XIV thông qua (Luật số 04/2017/QH14), là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển DNNVV, trong đó có DNKN. Luật đã thiết lập ra khung pháp lý cao nhất; đưa ra hệ thống các giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển độc lập và sáng tạo; góp phần hình thành khu vực DN tư nhân năng động, sáng tạo, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng

Trong nhiều năm qua, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các DNNVV, đặc biệt là DNKN vẫn là tiếp cận các nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh. Phần lớn các DNNVV khó tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thương mại (NHTM). Các DNNVV chủ yếu phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ nguồn vốn khác với chi phí và rủi ro rất cao. Kết quả cho vay đối với DNNVV đến năm 2015 vẫn còn khá khiêm tốn, cụ thể: Tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DNNVV trong giai đoạn 2011-2015 trung bình khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.

Để thúc đẩy các ngân hàng cho vay theo mục tiêu của Nhà nước, Luật Hỗ trợ DNNVV (Điều 8 về Hỗ trợ tiếp cận tín dụng) đã quy định: Trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định chính sách hỗ trợ tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; DNNVV được cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch hóa tài chính của DN...

Thực hiện nội dung hỗ trợ quy định tại Điều 8 Luật Hỗ trợ DNNVV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho DNNVV và đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. Trong giai đoạn 2017-2019, NHNN đã 02 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, một số NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần lớn đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên trong năm 2019. Đồng thời, các NHTM cũng tập trung vốn tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV. Nhờ đó, dư nợ cho vay đối với DNNVV liên tục tăng qua các năm kể từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực. Tính đến 31/12/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng dư nợ khối DN, tăng 21,1% so với cuối năm 2018.

Đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Nhằm tạo tiền đề cho các hoạt động đầu tư khởi nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV quy định nhà đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo bao gồm quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Ngày 11/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Theo đó, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp được hình thành từ nguồn vốn góp của các nhà đầu tư nhằm thực hiện đầu tư cho khởi nghiệp. Do thị trường đầu tư khởi nghiệp còn rất mới ở Việt Nam và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, Nhà nước cần tham gia góp vốn cùng các nhà đầu tư tư nhân để hỗ trợ cho các DNKN sáng tạo và có kế hoạch thoái vốn cụ thể để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia (sau 05 năm).

Sau khi Nghị định số 38/2018/NĐ-CP được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương triển khai hướng dẫn để nhà đầu tư có thể đăng ký thành lập quỹ theo quy định tại Nghị định. Sau 02 năm Nghị định số 38/2018/NĐ-CP được ban hành, đến tháng 03/2020, cả nước có 5 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tư nhân đã thông báo thành lập hợp lệ với tổng số vốn điều lệ là 5,32 tỷ đồng. Hiện vẫn chưa có địa phương nào triển khai được cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo Nghị định số 38/2018/NĐ-CP.

Hoạt động hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ và bắt đầu triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính từ năm 2016 cho các DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sửa đổi và bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Phát triển DNNVV để hỗ trợ DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Điều 20 Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định Quỹ Phát triển DNNVV có chức năng cho vay, tài trợ đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Để hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, Quỹ đã ban hành quy chế cho vay gián tiếp và công bố mức lãi suất cho vay ngắn hạn (4,16%/năm), trung và dài hạn (6,0%/năm), giữ cố định hoặc giảm trong suốt thời gian vay vốn. Đến nay, Quỹ Phát triển DNNVV đã chấp nhận ủy thác cho vay 149,8 tỷ đồng và ký hợp đồng ủy thác cho vay 14 dự án của DNNVV với tổng số vốn là 106,4 tỷ đồng, đã giải ngân được 92,5 tỷ đồng. 14 DNNVV từ khi nhận vốn vay của Quỹ đến nay đã tăng trên 400 lao động, 5 DN phát triển thành DN lớn.

Hiện nay, Quỹ Phát triển DNNVV tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý với hoạt động cho vay gián tiếp và tài trợ cho DNNVV. Dự kiến trong năm 2020, Quỹ sẽ chính thức công bố các chương trình cho vay trực tiếp và tài trợ đối với nhóm DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo đúng yêu cầu của Luật Hỗ trợ DNNVV.

Hoạt động bảo lãnh tín dụng của hệ thống các Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương

Tại Việt Nam, mô hình Bảo lãnh tín dụng (BLTD) ra đời từ năm 2001 và tiếp tục được củng cố tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV nhưng đến hết năm 2016 mới có 27 địa phương thành lập quỹ. Có thể nói, sau hơn 15 năm triển khai, hoạt động bảo lãnh qua các quỹ này tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa thực sự là công cụ hiệu quả để bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại NHTM. Điều dễ thấy, người hưởng lợi trực tiếp và đầu tiên từ việc bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là các tổ chức tín dụng chứ không phải DNNVV.

Nhằm khắc phục các vấn đề tồn tại trong hoạt động của hệ thống các Quỹ BLTD trong thời gian qua, Luật Hỗ trợ DNNVV (Điều 9) đã quy định cụ thể về Quỹ BLTD. Theo đó, Quỹ BLTD DNNVV thực hiện chức năng cấp BLTD cho DNNVV; việc BLTD cho DNNVV dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc xếp hạng tín nhiệm của DNNVV; Quỹ BLTD DNNVV phải thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết; không được từ chối bảo lãnh cho DNNVV đủ điều kiện được bảo lãnh.

Thực hiện khoản 3 Điều 8, Điều 9 Luật Hỗ trợ DNNVV, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV. Sau khi có văn bản hướng dẫn thi hành, một số Quỹ BLTD địa phương (như tại Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang...) được thành lập trước đó đã tổ chức kiện toàn, cơ cấu lại hoặc được thành lập mới và đạt những kết quả nhất định. Ví dụ, đến 31/12/2019, Quỹ đầu tư phát triển và BLTD Vĩnh Phúc có hoạt động BLTD là 26,42 tỷ đồng, Quỹ BLTD Tiền Giang thực hiện bảo lãnh cho 07 DNNVV với doanh số bảo lãnh 25,6 tỷ đồng... Tuy nhiên, một số địa phương chưa thành lập được quỹ BLTD địa phương, hoặc giải thể quỹ, hoặc dừng hoạt động bảo lãnh do điều kiện ngân sách khó khăn và các tổ chức tín dụng, DN không tham gia góp vốn điều lệ.

Hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trên cơ sở quy định Nhà nước khuyến khích thành lập vườn ươm DN tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP, hoạt động ươm tạo DN đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ về số lượng DN được ươm tạo. Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ phía cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như từ cách thức hoạt động của các vườn ươm để tạo ra sức hút đối với các DN.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai xây dựng và vận hành các vườn ươm DN, cơ sở ươm tạo thời gian qua và nhu cầu sử dụng chung các cơ sở kỹ thuật cho DNNVV thuê chung, Điều 12 Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ DNNVV nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ; xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của DN. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập theo hình thức đối tác công tư cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung. DN và tổ chức đầu tư, kinh doanh khác được thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung.

Sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, việc triển khai chính sách Hỗ trợ ươm tạo DN, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV đã dược triển khai ở cấp trung ương và cấp địa phương. Các chương trình, đề án phát triển khoa học công nghệ được Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thực hiện, trong đó lồng ghép các hoạt động hỗ trợ DNNVV nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tiếp nhận, cải tiến, hoàn thiện, làm chủ công nghệ.

Trong năm 2018-2019, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 đã hỗ trợ 9 DNNVV với tổng kinh phí các nhiệm vụ khoảng 70 tỷ đồng (trong đó NSNN gần 24 tỷ đồng); Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đã xét chọn 184 nhiệm vụ, trong đó đã phê duyệt, ký hợp đồng tài trợ cho 27 nhiệm vụ với kinh phí hỗ trợ từ NSNN là 268 tỷ đồng; đã phê duyệt danh mục nhiệm vụ và đang tiến hành thẩm định kinh phí cho 52 nhiệm vụ với kinh phí hỗ trợ từ NSNN khoảng 686 tỷ đồng. Chương trình “Nâng cao năng lực khai thác công nghệ cho tổ chức trung gian để hỗ trợ DN cơ khí nhỏ và vừa làm chủ công nghệ gia công bề mặt phức tạp” đã hỗ trợ được 12 DNNVV; Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ” hỗ trợ bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ cho 120 DNNVV, hỗ trợ 51 DN ứng dụng thương mại hóa sáng chế.

Nhằm hỗ trợ giới thiệu kết quả nghiên cứu, kết nối cung cầu công nghệ, chuyển giao, đổi mới công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức các sự kiện như Chợ Thiết bị - Công nghệ và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV đang được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng. Nhiều địa phương đã tích cực chủ động, phối hợp với các đơn vị có liên quan để hình thành không gian làm việc chung cho DNKN.

Chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo

Luật Hỗ trợ DNNVV quy định các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng chương trình hỗ trợ DNNVV trong ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Trong 2 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động bước đầu để triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và cộng đồng DN tổ chức 

Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ Việt Nam nhằm giải quyết một số nội dung như: xác định 04 nhóm DN công nghệ, phát triển DN công nghệ Việt Nam; phát triển sản phẩm Made in Vietnam, tiến tới hình thành Quỹ phát triển DN công nghệ Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2015 (Đề án 1665).

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo như: tổ chức Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2018; tổ chức Ngày hội gọi vốn quốc gia (Startup Funding Camp 2018, thu hút hơn 100 hồ sơ, hơn 10.000 thanh niên quan tâm), tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (Startup Hunt 2019)...

Tiếp cận vốn tín dụng chính sách và tín dụng từ các chương trình, dự án vi mô

Hiện nay, ngoài vay vốn tín dụng thương mại truyền thống, các DN nói chung và DNKN nói riêng còn được vay vốn tín dụng chính sách theo các chương trình đối với một số ngành lĩnh vực:

- Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ; chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Các NHTM nhà nước thực hiện cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012; chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của NHNN...

- Đối với lĩnh vực bất động sản: Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, NHNN thực hiện thí điểm triển khai sản phẩm tín dụng liên kết 4 nhà trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, xây dựng cơ bản.

- Nguồn vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước theo Nghị định số 75/2011/NĐ-CP của Chính phủ: Đối tượng thụ hưởng các chính sách vay vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu là các DN, tổ chức kinh tế có dự án thuộc Danh mục vay vốn tín dụng đầu tư hoặc có hợp đồng xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục vay vốn tín dụng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tài chính vi mô đã khẳng định sự cần thiết và vai trò trong việc cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình nghèo, các DN siêu nhỏ và nhỏ để sản xuất, kinh doanh.

Huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán

Chính sách huy động vốn qua phát hành trái phiếu DN, huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã từng bước được hoàn thiện nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN khi huy động vốn trên thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, DNKN vẫn khó tiếp cận và gia nhập các thị trường này. Nguyên nhân các DNKN gặp phải nhiều khó khăn xuất phát từ đặc điểm nội tại của chính nhóm DN này.

Tóm lại, hoạt động huy động vốn cho DNKN đã có những bước tiến quan trọng kể từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các nội dung về huy động vốn cho DNKN theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đã bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, đòi hỏi các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách cần chủ động đưa ra các giải pháp, đề xuất để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013), Luật Khoa học và công nghệ;
2. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
3. Chính phủ (2018), Nghị định số 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo ở Việt Nam;
4. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
5. Chính phủ (2019), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo 2 năm thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.