Phát triển kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới
Với chức năng cung cấp thông tin và kiểm tra các hoạt động kinh tế, tài chính trong doanh nghiệp, công tác kế toán ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý ở một doanh nghiệp. Hơn nữa, công tác kế toán cũng ảnh hưởng đến việc đáp ứng các yêu cầu quản lý khác nhau của đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin kinh tế - tài chính trong doanh nghiệp. Hiện nay, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 48% GDP và tạo ra hơn 50% việc làm cho xã hội. Ðối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa có đặc điểm quy mô nhỏ, thị trường nhỏ hẹp và khả năng cạnh tranh không cao, thì việc nhận diện các khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong bối cảnh mới nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kế toán cũng là một vấn đề đáng được các doanh nghiệp này quan tâm.
Khái quát về doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, các nước có quan niệm rất khác nhau về DN nhỏ và vừa (DNNVV). Nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự khác nhau này là tiêu thức dùng để phân loại quy mô doanh nghiệp (DN) khác nhau. Tuy nhiên, trong hàng loạt tiêu thức phân loại đó có hai tiêu thức được sử dụng ở phần lớn các nước là quy mô vốn và số lượng lao động. Mặt khác, việc lượng hoá các tiêu thức để phân loại quy mô DN còn tùy thuộc vào những yếu tố như: Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và những quy định cụ thể phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Đồng thời, trong các ngành nghề khác nhau thì chỉ tiêu độ lớn của các tiêu thức cũng khác nhau.
Tại Việt Nam, tiêu chí xác định DNNVV được thể hiện tại Nghị định số 39/2018/NĐ–CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ. Theo đó, tiêu chuẩn ghi nhận DNNVV theo từng lĩnh vực hoạt động như sau:
- DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.
- DNNVV trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam, năm 2019, DNNVV chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Đồng thời, khu vực DNNVV rất hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là khu vực kinh tế diễn ra các hoạt động cải tiến, đổi mới sáng tạo và ứng dụng trong sản xuất kinh doanh... tạo sự năng động và cạnh tranh cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới, DNNVV ở Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh phát triển, tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh… và chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp có đề xuất tiềm năng về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, sự hấp thụ công nghệ xanh hoặc tạo ra các ngành nghề kinh doanh xanh của các DNNVV còn thấp.
Vướng mắc trong áp dụng chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng, thông tin tài chính đòi hỏi phải minh bạch, tin cậy và được trình bày theo chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, trong giai đoạn khởi phát, với việc tạo ra cấu trúc mới của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, công nghệ blockchain, điện toán đám mây, kỹ thuật số... cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã tác động nhất định đến chu trình và phương pháp kế toán.
Ở Việt Nam, những khó khăn và thách thức khi áp dụng IFRS là không nhỏ. Bao gồm thị trường hoạt động, vấn đề nội tại của IFRS, hạ tầng cơ sở thông tin, năng lực nguồn nhân sự... Thực tế cho thấy, chỉ một số ít DN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HOSE (chủ yếu là các DN có giao dịch với các đối tác quốc tế) là có thực hành IFRS. Các DN khác, đa phần là các DNNVV còn khá xa lạ với chuẩn mực quốc tế này. Điều này đang cản trở kinh tế Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy kinh tế thế giới, trong đó có dòng chảy rất quan trọng về nguồn vốn.
Thiếu hụt lao động kế toán chất lượng cao
Kế toán là một trong các lĩnh vực dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin. Quy trình kế toán đã và sẽ có sự thay đổi căn bản khi hầu hết các phần hành kế toán đều ứng dụng công nghệ thông tin kể cả hoạt động ghi sổ, lập báo cáo tài chính. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà các DNNVV gặp phải là yêu cầu về lao động có trình độ công nghệ thông tin. Nhân viên kế toán trong DNNVV là một mắt xích để bộ máy của DN có thể hoạt động. Họ cung cấp thông tin để ban quản trị có thể đề ra kế hoạch kinh doanh; thiết lập và quản lý hệ thống thông tin, thúc đẩy các quy trình phát triển; hạn chế tối thiểu các rủi ro; tăng cường các mối quan hệ với ngân hàng và các nhà đầu tư; thu hút vốn và thực hiện nhiều hoạt động để hiện thực hóa cho thành công hiện tại và trong tương lai của DN. Với những vai trò và công việc như thế này, rõ ràng bộ máy kế toán là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong hầu hết các DN, đặc biệt là DNNVV. Các DN cần phải có những đầu tư hợp lý để phát huy sức mạnh to lớn của bộ máy này. Tuyệt đối không được xem nhẹ bộ máy kế toán trong DN.
Ngoài việc thiếu lao động có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin thì các DNNVV Việt Nam còn thiếu cả lao động kế toán có khả năng ngoại ngữ. Trong bối cảnh mới, việc chuyển đổi thuật ngữ kế toán từ tiếng Việt sang tiếng Anh cũng là một thách thức. Bên cạnh đó, các chuẩn mực kế toán quốc tế, báo cáo tài chính quốc tế cũng có thể được sửa đổi hoặc ngưng áp dụng. Do vậy, các DN cần phải có đội ngũ kế toán có trình độ tiếng Anh tương đổi tốt để cập nhật thường xuyên những thay đổi này; Xây dựng môi trường làm việc minh bạch, cởi mở là điều kiện tiên quyết để thu hút và giữ chân các nhân viên tài năng ở các DNNVV. Bộ phận kế toán dù ở công ty nào đều rất quan trọng, là người giữ tay hòm chìa khóa, quản lý dòng tiền của DN nên cần được tuyển chọn kỹ lưỡng, không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà cần thích ứng nhanh với sự thay đổi.
Ứng dụng phần mềm kế toán cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế
Trong bối cảnh CMCN 4.0, các DNNVV thường nhìn nhận công nghệ là điểm yếu của mình, bởi vì họ thường không có khả năng tài chính để đầu tư vào các thiết bị công nghệ hiện đại tiên tiến. Tuy nhiên, giờ đây, khi nền tảng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 đang ngày càng phát triển, các DNNVV đã và đang bắt kịp xu hướng, vượt qua khó khăn, ứng dụng công nghệ vào quản trị DN, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, việc sử dụng phần mềm kế toán thường là lựa chọn đầu tiên của các DN này trong công cuộc tự động hóa quy trình kinh doanh của DN mình. Kế toán viên sẽ không còn mất quá nhiều công sức trong việc phân loại chứng từ, xử lý từng nghiệp vụ kinh tế riêng lẻ, ghi các loại sổ kế toán mà vấn đề quan trọng hơn là cần phải quan tâm đến việc trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ giúp ngành Kế toán sử dụng nguồn lực của mình hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiếp cận gần hơn với hệ thống kế toán quốc tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào công tác kế toán trong các DNNVV còn nhiều hạn chế. Điều này có thể nhận thấy qua các con số thống kê.
Mỗi năm, trung bình DN chỉ đầu tư khoảng 0,15% đến 0,3% tổng doanh thu của DN cho việc ứng dụng CNTT. 50% số DN sử dụng các thiết bị lưu trữ dữ liệu như ổ cứng rời, đĩa từ… nhưng hầu hết chưa lưu trữ tập trung, chủ yếu lưu trữ tại các máy trạm của từng cán bộ, nhân viên. 70% số DN chưa có cán bộ CNTT… DN mới tập trung cơ bản ở việc sắm máy tính, kết nối mạng, cài đặt một số phần mềm cơ bản để soạn thảo văn bản, hộp thư miễn phí… mà chưa chú trọng sử dụng các ứng dụng nâng cao về quản trị, quản lý việc hoạt động kinh doanh cũng như kế toán.
Do vậy để bắt kịp với những thay đổi của thế giới trong bối cảnh hiện tại, việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là các phần mềm quản lý tích hợp với phần mềm kế toán hiện đại cũng là một vấn đề đáng được các DNNVV quan tâm.
Kế toán quản trị chưa được quan tâm đúng mức
Kế toán quản trị (KTQT) trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói chung và DNNVV nói riêng. KTQT ở các nước đều đặt trọng tâm vào giải quyết các vấn đề quản trị DN, là một trong những nguồn thông tin quan trọng cung cấp thông tin cho nhà quản trị DN điều hành, hoạch định và ra các quyết định kinh doanh. Việc ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 vào lĩnh vực kế toán quản trị đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Trước bối cảnh đó, việc đánh giá những lợi ích của của CMCN 4.0 đối với kế toán quản trị trong các DNNVV là vấn đề cần quan tâm.
KTQT được coi là một trong những công cụ quản lý hữu hiệu trong nền kinh tế thị trường, bởi tính linh hoạt và kịp thời của thông tin kế toán phục vụ yêu cầu quản trị nội bộ DN. Hiện nay, KTQT trong các DNNVV chưa được quan tâm thực sự và còn có nhiều bất cập và vướng mắc khi triển khai và vận dụng. Trên thực tế tỷ lệ vận dụng KTQT trong các DN này còn chưa cao, các công cụ kỹ thuật KTQT được vận dụng hầu hết là công cụ kỹ thuật truyền thống và hiệu quả đóng góp cho công tác quản trị còn thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, KTQT có vai trò rất quan trọng trong các DNNVV, điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm truyền thống cho rằng chỉ những DN quy mô lớn mới cần áp dụng KTQT.
Kết luận
KTQT DNNVV là một trong những nội dung quan trọng trong kế toán quản trị DN. Thành công của DN nhỏ và vừa không thể thiếu vai trò của kế toán quản trị, nhất là trong bối cảnh CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việc tận dụng lợi thế của các công nghệ điển hình của CMCN 4.0 trong KTQT DN này là vấn đề quan trọng, giúp DN có thể mở rộng quy mô và đóng góp đáng kể vào việc tăng hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DN.
Do vậy, trong bối cảnh mới, để tận dụng các cơ hội và đối diện với những thách thức, DNNVV cần xác định các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán trong DN từ đó tìm ra các giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của công tác kế toán, giúp tổ chức tốt quá trình quản lý kinh tế, cung cấp thông tin kế toán trong quá trình hội nhập.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Tài chính, Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 về việc hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp;
Phạm Ngọc Toàn, 2010. Xây dựng nội dung và tổ chức kế toán quản trị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Ðại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh;
Ðặng Văn Thanh (2018), Ðổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số, Ðầu tư Chứng khoán;
Ðánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp – Bộ Công Thương 2/2019;
Nguyễn Thị Việt Nga (2018), Giải pháp phát triển công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2018.