Các mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần đầu tháng 9
Theo thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho thấy, trên sàn HoSE, mã ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros chiếm vị trí đầu bảng sau 5 phiên tăng giá tuần này.
Doanh nghiệp trong nhóm ngành xây dựng và bất động sản qua đó đã tăng từ mức 12.600 đồng/cổ phiếu lên ngưỡng 17.400 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ tăng hơn 38%.
Đây là những bước khởi đầu khá lạc quan với mã mới lên sàn từ đầu tháng 9 như ROS. Trước đó, ngày 24/8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã chính thức cấp quyết định niêm yết cho công ty. Theo đó, công ty bắt đầu giao dịch từ 1/9 với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cổ phiếu.
Theo giới thiệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Faros có trụ sở chính tại số 36 Phạm Hùng, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Doanh nghiệp thành lập năm 2011 với vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, Faros đạt quy mô vốn điều lệ là 4.300 tỷ đồng.
Hiện nay, mảng xây dựng bất động sản nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp là hoạt động chính của công ty. Một số dự án được Faros thực hiện như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn (tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) với tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng trong vòng 9 tháng; quần thể sân golf, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn (Bình Định) có quy mô 300ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong nhóm tăng giá có mã DRH của Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước ở vị trí thứ 4. Đây là cái tên quen thuộc trong top giảm giá trong suốt tháng Tám. Trước đó, nếu tính trong cả tháng Bảy, DRH đã có tới 24 phiên giảm kịch biên độ. Tuy nhiên trong tuần đầu tháng Chín, DRH đã có phần khởi sắc hơn khi chỉ có duy nhất 1 phiên nhuộm đỏ, 1 phiên đi ngang và tới 3 phiên tăng giá.
Trong nhóm giảm giá, đứng vị trí đầu tiên là cái tên quen thuộc thời gian gần đây, mã TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành. TTF đã ngụp lặn trong top giảm giá trong suốt 2 tháng qua và tình hình cũng không mấy khởi sắc tuần này.
Trước đó, trong tháng 8/2016, cơ quan chức năng đã quyết định đưa cổ phiếu này vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 9/8. Quyết định trên theo đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư theo quy định.
Trong tuần qua, TTF đã có báo cáo giải trình kết quả lỗ sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất là 1.081 tỷ đồng. Lãnh đạo TTF cho rằng, kết quả trên do "hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê ghi nhận vào giá vốn kỳ này 1.052 tỷ." Ngoài ra, công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho 10 tỷ đồng và trích lập bổ sung dự phòng phải thu khó đòi 31 tỷ đồng.
Đứng vị trí thứ nhóm giảm giá là mã TNT của Công ty cổ phần Tài nguyên. Báo cáo kinh doanh mới công bố của TNT cho thấy tình hình khá khởi sắc. Doanh thu của TNT đã từ mức hơn 67 tỷ đồng 6 tháng năm 2015 lên mức hơn 71,5 tỷ đồng nửa đầu năm nay.
Mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp của TNT trong nửa đầu năm nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (221%) nhưng theo tính toán, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này vẫn giữ được mức gần 2,2 tỷ đồng, cao hơn mức 1,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, trên sàn HNX, mã PIV của Công ty cổ phần PIV là mã tăng giá mạnh nhất sàn tuần này. Mặc dù có 1 phiên giảm giá đầu tuần tuần nhưng 4 phiên còn lại đồng loạt tăng kịch trần đã giúp công ty trong ngành kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị làm vườn có được vị trí đứng đầu nhóm tăng giá.
Theo báo cáo quý II của PIV, kết quả kinh doanh của đơn vị này không mấy tích cực với doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh. PIV chỉ đạt hơn 27 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế hơn 1 tỷ đồng. Những kết quả này lần lượt giảm 7,8% và 77,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả 6 tháng đầu năm, công ty chỉ có mức lợi nhuận sau thuế là 1,9 tỷ đồng, giảm hơn 56% so với kết quả thực hiện nửa đầu năm ngoái. Được biết, nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận quý này giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do doanh thu giảm mạnh.