Quy định mới về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán

TS. Nguyễn Đình Luận

Thực hiện Luật Đầu tư 2014, trong đó tại Khoản 3 Điều 7 quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, ngày 01/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2016/NĐ-CP về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Nghị định không chỉ là bước hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư mà còn là bước đột phá trong việc quản lý, tạo dựng thị trường chứng khoán Việt Nam minh bạch, an toàn…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đảm bảo phát triển thị trường an toàn

Nghị định 86/2016/NĐ-CP đã đưa các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát... hiện đang được quy định tại các thông tư liên quan... lên văn bản Nghị định theo đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư.

Đặc biệt, Nghị định mới quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Cụ thể, Nghị định đã bổ sung một số nội dung mới liên quan đến các vấn đề chính là sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, công ty chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh tại Việt Nam, quy định về chào bán và niêm yết cổ phiếu không có quyền biểu quyết…

Nhóm đối tượng của Nghị định 86/2016/NĐ-CP là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, thành viên lưu ký, thành viên giao dịch, ngân hàng thanh toán, ngân hàng giám sát, Sở Giao dịch chứng khoán, các tổ chức cá nhân thực hiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán...

Để đảm bảo thị trường được công bằng, minh bạch và an toàn các đối tượng đầu tư, kinh doanh chứng khoán trên TTCK Việt Nam phải tuẩn thủ là: (i) Phải tuân thủ và duy trì các điều kiện quy định tại Nghị định này và các điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán khác (nếu có) quy định tại Luật Chứng khoán và Nghị định của Chính phủ; (ii) Trong quá trình hoạt động, khi có các thay đổi trong Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán liên quan đến tăng, giảm vốn điều lệ, nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, thay đổi tên... thì phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua theo quy định pháp luật chứng khoán và phải thực hiện đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; (iii) Trình tự, thủ tục đầu tư, kinh doanh chứng khoán trên TTCK Việt Nam của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài áp dụng theo quy định pháp luật chứng khoán.

Điều kiện cho sự phát triển an toàn, bền vững

Để đảm bảo cho thị trường phát triển an toàn, bền vững đáp ứng được sự thống nhất theo yêu cầu của hội nhập và Luật Đầu tư, Nghị định 86/2016/NĐ-CP đã đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán thì phải đảm bảo các điều kiện: Có trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống phần mềm phục vụ hoạt động phân tích và quản lý rủi ro...; Vốn (phải là vốn đã góp và tối thiểu bằng vốn pháp định quy định tại Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP); Nhân sự phải có tối thiểu 3 người hành nghề chứng khoán cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh, có Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực hành vi dân sự, 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoặc chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp...; Cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn đáp ứng quy định Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP, quy định đối với NĐT nước ngoài tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP và bảo đảm tổ chức góp vốn không có lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (nếu có).

Trường hợp công ty chứng khoán được tổ chức dưới loại hình công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng thương mại, DN bảo hiểm hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định.

Bên cạnh các quy định trên, Nghị định đã quy định cụ thể về điều kiện tổ chức lại công ty chứng khoán: Công ty chứng khoán được tổ chức lại thông qua chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng quy định về CSVC, vốn, nhân sự và cơ cấu cổ đông; trường hợp chuyển đổi có kết hợp với chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần ra công chúng hoặc các giao dịch phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan và các quy định về cạnh tranh.

Để cung cấp các dịch vụ chứng khoán nêu trên đòi hỏi công ty chứng khoán phải có tình trạng tài chính tốt, có hệ thống giao dịch, giám sát tài khoản giao dịch, quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro cao hơn so với các điều kiện duy trì thông thường; công ty chứng khoán phải có hệ thống quản lý tách biệt giữa tài khoản tiền, tài khoản chứng khoán, tài khoản ký quỹ... tới từng khách hàng.

Do đó, việc quy định về điều kiện đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán được cung cấp các dịch vụ chứng khoán nêu trên cao hơn là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, việc nâng các điều kiện này trong Nghị định sẽ tác động tích cực đến các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán phải đảm bảo chất lượng hoạt động, đáp ứng các yêu cầu về vốn, quản trị công ty, quản trị rủi ro, nhân sự, hệ thống công nghệ mới được tham gia cung cấp các dịch vụ chứng khoán này.

Từ những yêu cầu thực tiễn trên, Chính phủ đã đưa ra quy định điều kiện cung cấp các dịch vụ tài chính của công ty chứng khoán như sau:

Một là, điều kiện công ty chứng khoán thực hiện giao dịch ký quỹ cho khách hàng: được cấp phép nghiệp vụ môi giới và là thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, điều kiện về tình hình tài chính, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng đạt tối thiểu 180% liên tục trong 12 tháng gần nhất, quy định về hệ thống giao dịch phục vụ cho việc thực hiện giao dịch ký quỹ. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại nghị định này để đảm bảo tuân thủ yêu cầu về thủ tục hành chính.

Hai là, điều kiện công ty chứng khoán thực hiện giao dịch trong ngày cho khách hàng: có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, không trong tình trạng cảnh báo, điều kiện về tình hình tài chính, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất, quy định về hệ thống giao dịch phục vụ cho việc thực hiện giao dịch trong ngày.

Ba là, điều kiện tổ chức kinh doanh chứng khoán được cung cấp dịch vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh: đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, không có lỗ trong 02 năm gần nhất, tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất, báo cáo kiểm toán năm gần nhất và báo cáo soát xét bán niên là chấp nhận toàn bộ…

Bốn là, điều kiện được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh: bao gồm các điều kiện về tình hình tài chính (không có lỗ, trích lập dự phòng đầy đủ...) và đáp ứng tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 260%, tỷ lệ an toàn vốn đối với tổ chức tín dụng trong 12 tháng gần nhất.

Ngoài ra, nhằm cụ thể hóa quy định tại Điều 77 Luật Chứng khoán “Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép thành lập và hoạt động chi nhánh của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam do Chính phủ quy định”, Nghị định mới quy định: (i) Công ty chứng khoán mẹ đang hoạt động hợp pháp tại nước nguyên xứ, cơ quan quản lý giám sát chuyên ngành chứng khoán ở nước đó đã ký các hoạt động hợp tác song phương hoặc đa phương với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; (ii) Có vốn được cấp tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định của Luật Chứng khoán; (iii) Có thời hạn hoạt động còn lại tối thiểu (nếu có) phải ít nhất 05 năm; (iv) Có quy trình quản lý rủi ro, quy trình thực hiện nghiệp vụ phù hợp với pháp luật Việt Nam; (v) Đáp ứng quy định về cổ đông, thành viên góp vốn, các điều kiện khác liên quan.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về điều kiện đối với tổ chức nước ngoài được sở hữu từ 51% trở lên vốn điều lệ của tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam bao gồm: Đáp ứng quy định về tổ chức nước ngoài tại khoản 6, 10 Điều 71 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và Khoản 21, 24 Điều 1 Nghị định 60/2015/NĐ-CP; Phải được đại hội cổ đông, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu tổ chức nước ngoài thông qua…

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Đầu tư 2014;

2. Quốc hội, Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán;

3. Chính phủ, Nghị định 58/2012/NĐ-CP và Nghị định 60/2015/NĐ-CP;

4. Chính phủ: Nghị định 86/2016/NĐ-CP.