Các nhà kinh tế dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất
Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Reuters với các chuyên gia kinh tế cho thấy, khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay đã tăng đáng kể trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ tăng lên.
Khả năng ngày càng lớn…
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết vào tuần trước rằng, Fed sẽ có những hành động thích hợp để giải quyết các rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có nghĩa cơ quan này đang để ngỏ khả năng có thể cắt giảm lãi suất. Đây là lần thứ hai Fed đột ngột thay đổi “giọng điệu” của mình sau khi cơ quan này bất ngờ thay đổi quan điểm thắt chặt của mình vào tháng Giêng.
Trong khi có những quan điểm cho rằng Fed có khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay, thì nhiều nhà kinh tế cũng không muốn thấy sự thay đổi ngay lập tức của lãi suất chỉ vì lý do các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung rơi vào bế tắc. Sự đồng thuận trong cuộc thăm dò tuần từ 7-12/6 của Reuters với hơn 100 nhà kinh tế cho thấy, Fed sẽ giữ lãi suất ổn định ở mức 2,25-2,50% trong năm nay và không cắt giảm lãi suất cho đến quý 3 năm sau - đưa lãi suất cho vay xuống 2-2,25%.
Mặc dù phần đông các chuyên gia kinh tế đồng thuận Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay song có tới 40 chuyên gia tham gia cuộc khảo sát dự báo ít nhất sẽ có một lần cắt giảm lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm 2019, cao hơn nhiều so với 8 người đưa ra dự báo này trong cuộc thăm dò trước đó.
Khi được hỏi về xác suất cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, số trung vị từ một mẫu nhỏ hơn của các nhà kinh tế cho thấy cơ hội 55%, trong khi mức cao nhất là 100%. Xác suất vẫn còn đứng ở mức khá cao là 40% với trường hợp 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
“Sẽ có một cuộc chiến thương mại toàn diện. Vòng thuế quan cuối cùng này đối với Trung Quốc là rất lớn và đó sẽ là một mối quan ngại lớn”, Scott Brown - nhà kinh tế trưởng tại Raymond James cho biết. “Tôi nghĩ rằng chắc chắn có cơ hội để Fed cắt giảm lãi suất. Nếu không vào tháng 6 thì tháng 7 vẫn là một khả năng mạnh. Nhưng rõ ràng, điều đó còn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế”.
Hiện các thị trường tương lai lãi suất cũng đang định giá 80% cơ hội Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7. Đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình trong phần còn lại của năm nay, nhưng sẽ chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại và động thái cắt giảm lãi suất của Fed.
Kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đột ngột nóng lên và đang có xu hướng leo thang, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump còn bất ngờ đe dọa sẽ áp thuế quan đối với Mexico trong tháng 5 đã làm sống dậy nỗi lo suy thoái kinh tế. Điều đó đã khiến cho thị trường chứng khoán tháng 5 rơi vào tình trạng hỗn loạn nhất từ đầu năm.
Mặc dù phố Wall đã lấy lại được phần nào sự lạc quan sau khi Tổng thống Trump cuối tuần trước đã hoãn lại chính sách thuế quan đối với Mexico. Thế nhưng hơn hai phần ba các nhà kinh tế khi trả lời một câu hỏi bổ sung cho biết, căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại sẽ tăng mạnh trong năm nay.
“Ông Trump đang trong tâm trạng háo hức, tuyên bố về sự dẻo dai của nền kinh tế Mỹ và khả năng chống chịu được với bất kỳ tác động tiêu cực nào từ căng thẳng thương mại”, James Knightley - nhà kinh tế quốc tế trưởng tại ING cho biết. “Tuy nhiên, điều đó không thuyết phục được thị trường. Lợi suất trái phiếu đang rớt xuống mức thấp mới, giá cổ phiếu đã giảm và khả năng Fed sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất trong vòng 12 tháng tới”.
Tuy nhiên một số nhà kinh tế vẫn đang bám vào quan điểm xung đột thương mại chỉ là một cơn bão đã đi qua và Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm tới. Những người theo quan điểm này cho rằng, mức dự báo tăng trưởng và lạm phát vốn đã khiêm tốn hiện nay không nên bị cắt giảm thêm. Theo đó, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ không thay đổi nhiều so với cuộc thăm dò ý kiến tháng trước. Trong khi thước đo lạm phát ưa thích của Fed, vốn vẫn nằm dưới mục tiêu từ nhiều năm nay cũng được dự báo sẽ không sớm cho thấy bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào.
Theo khảo sát, với việc căng thẳng thương mại dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay, rủi ro suy thoái trong 12 tháng tới đã tăng lên 30% từ 25% của tháng trước. Rủi ro sụt giảm trong 2 năm tới được giữ ở mức 40%. Hơn ba phần tư các nhà kinh tế đã đưa ra xác suất suy thoái cao hơn hoặc giữ quan điểm của họ không thay đổi so với tháng trước.
Philip Marey - chiến lược gia cao cấp của Mỹ tại Rabobank, một trong năm tổ chức tham gia cuộc khảo sát - dự báo kinh tế Mỹ có hai quý liên tiếp bị thu hẹp: “Khả năng suy thoái đang tăng”, việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2019 là không đủ. Chúng tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2020. Điều này sẽ buộc Fed bắt đầu một chu kỳ cắt giảm toàn diện vào năm 2020”.