Các nhà máy vượt qua được tình cảnh ảm đạm trong tháng 8
Tuy có kết quả khả quan nhưng các nhà quản lý nhà máy tỏ ra thận trọng về kế hoạch đầu tư và thuê nhân công khi đại dịch vẫn đang diễn biến khó lường.
Các nhà máy trên khắp châu Âu và châu Á trong tháng 8 đã vượt qua được tình cảnh ảm đạm khi nền kinh tế toàn cầu dần thoát khỏi cuộc suy thoái do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra, một phần nhờ vào các chương trình kích thích tài chính và tiền tệ lớn.
Hoạt động sản xuất của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn trên đà phục hồi trong tháng Tám, nhưng các nhà quản lý nhà máy tỏ ra thận trọng về kế hoạch đầu tư và thuê nhân công khi đại dịch vẫn đang diễn biến khó lường.
Sản lượng chế tạo của Eurozone - vốn không bị giảm nghiêm trọng như ngành dịch vụ trong giai đoạn đóng cửa vì dịch COVID-19 - vẫn trong vùng tăng trưởng tháng thứ hai liên tiếp.
Tuy Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) do công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit thống kê của khu vực đã giảm nhẹ từ mức 51,8 của tháng Bảy xuống 51,7 trong tháng Tám.
Kết quả này phù hợp với ước tính trước đó và vẫn trên ngưỡng 50 tách biệt giữa tăng trưởng và suy giảm.
Sự phục hồi của các nhà chế tạo Đức kéo dài trong tháng trước, nhưng hoạt động tại Pháp đã quay trở lại vùng suy giảm khi nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone phải đối mặt với các tác động do đại dịch gây ra.
Các nhà máy ở nước Anh cũng đã phục hồi phần nào khi sản lượng của họ tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm.
Còn tại châu Á, báo cáo của Caixin/Markit cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng từ mức 52,8 của tháng Bảy lên 53,1 trong tháng Tám, ghi dấu tốc độ mở rộng lớn nhất kể từ tháng 1/2011. Số đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng lần đầu tiên tăng trong năm nay.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận sản lượng của các nhà máy tại đây giảm với tốc độ chậm nhất trong sáu tháng, củng cố kỳ vọng rằng các cường quốc xuất khẩu trong khu vực đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất do nhu cầu sụt giảm vì dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đà phục hồi chưa đồng đều tại các khu vực khác của châu Á. Trong khi hoạt động chế tạo tăng ở vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Indonesia, thì hoạt động này lại giảm ở Philippines và Malaysia.
Sản lượng nhà máy của Ấn Độ tăng lần đầu tiên sau 5 tháng, khi việc nới lỏng các hạn chế đi lại đã thúc đẩy nhu cầu.
Dù vậy, các nhà phân tích không kỳ vọng về một sự thay đổi nhanh chóng trong nền kinh tế nước này, vốn đã suy giảm với tốc độ cao nhất trong quý vừa qua.
Theo giới quan sát, việc hoạt động chế tạo ghi nhận tăng trưởng có thể làm giảm áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện các biện pháp táo bạo hơn nhằm ngăn chặn suy thoái sâu hơn.
Song nhiều nhà phân tích cho rằng sự phục hồi sẽ yếu vì làn sóng nhiễm COVID-19 mới đang hạn chế hoạt động kinh doanh và ngăn cản một số quốc gia mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng những lo ngại về đợt tái bùng phát dịch ở một số nền kinh tế có thể không thúc đẩy các doanh nghiệp tăng chi tiêu, qua đó cản trở sự phục hồi bền vững.
Ông Ryutaro Kono, nhà kinh tế trưởng về thị trường Nhật Bản tại ngân hàng BNP Paribas, cho biết ở hầu hết các nền kinh tế lớn, ngoại trừ Trung Quốc, các nhà máy vẫn đang hoạt động dưới mức công suất trước đại dịch. Sự phục hồi gần đây phần lớn là do nhu cầu bị dồn nén sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, nhưng đà này sẽ giảm dần trong thời gian tới.