Các nhân tố ảnh hưởng đến chiến lược hội nhập theo chiều ngang của các doanh nghiệp nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh
Bài viết này kiểm định mô hình nghiên cứu để phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro trong chiến lược hội nhập theo chiều ngang của các doanh nghiệp (DN) nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố rủi ro trong chiến lược hội nhập theo chiều ngang của các DN tại TP. Hồ Chí Minh chịu sự tác động của 6 yếu tố, theo thứ tự giảm dần gồm: (i) Theo đuổi sự tương quan viển vông; (ii) Hiểu sai vị thế đối thủ cạnh tranh; (iii) Theo đuổi mối tương quan nhỏ, ít ảnh hưởng; (iv) Hiểu sai sự đóng góp từ các đơn vị kinh doanh; (v) Ảnh hưởng tiêu cực trong chuyển giao bí quyết; (vi) Sai lầm trong quản lý danh mục sản phẩm.
Giới thiệu
Theo Niên giám thống kê TP. Hồ Chí Minh (2020), tính đến ngày 31/12/2018, TP. Hồ Chí Minh có 194.207 DN tư nhân, trong số đó có đến 193.120 DN nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm hơn 99,44%. Xét theo quy mô, số DN siêu nhỏ là 164.096, chiếm hơn 84,97%; số DN nhỏ là 25.297, chiếm gần 13,10% và 3.727 DN vừa, chiếm gần 1,93% trong tổng số DNVVN.
Tuy nhiên, cũng theo Niên giám thống kê TP. Hồ Chí Minh (2020), năm 2019 các DNNVV chỉ đóng góp 534.153 tỷ đồng, chiếm chưa đến 54,63% tổng sản phẩm trong nước địa phương (GRDP) toàn Thành phố.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh, các DNNVV, trong đó có DN nhỏ, hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò là động lực trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Thành phố.
Nguyên nhân là do hầu hết các DN nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh hoạt động còn mang tính tự phát, chưa tận dụng triệt để lợi thế trong chiến lược phát triển DN theo hướng bền vững.
Nhằm góp phần giải quyết tình trạng trên, vấn đề hội nhập theo chiều ngang được đặt ra và xác định là một trong những chiến lược quan trọng, giúp các DN giải quyết nhanh chóng các vấn đề bế tắc trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, tiến trình hội nhập theo chiều ngang thường phức tạp và gặp phải nhiều rủi ro. Bài viết này phân tích các yếu tố tác động đến rủi ro trong chiến lược hội nhập của các DN nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh từ đó có các biện pháp nhận diện rủi ro trong quá trình hội nhập theo chiều ngang.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu
Rủi ro: Theo quan điểm của Frank Knight (1921), rủi do là sự bất trắc có thể đo lường được. Trong khi đó, Allan Willett (1951), rủi ro là sự bất trắc cụ thể liên quan đến sự xuất hiện một biến cố ngoài mong đợi. Còn Irving Preffer (1956) cho rằng, rủi ro là tổng hợp những sự ngẫu nhiên có thể đo lường được bằng xác suất.
Raghavan (2005) đã khái quát khái niệm rủi ro trong kinh tế là một tiềm ẩn mà các sự kiện dự kiến có thể có tác động tiêu cực đến thu nhập từ vốn. Rủi ro có thể được coi là một vấn đề không chắc chắn về tổn thất tài chính.
Hội nhập theo chiều ngang: Theo Từ điển Bách khoa Toàn thư mở, hội nhập theo chiều ngang là quá trình mà công ty tăng cường sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ tại cùng một phần của chuỗi cung ứng. Một công ty có thể thực hiện điều này thông qua mở rộng nội bộ, mua hoặc sáp nhập.
Ngô Kim Thanh (2018) xem xét khái niệm chiến lược hội nhập ngang là chiến lược nhằm sở hữu hoặc gia tăng khả năng kiểm soát đối với các đối thủ cạnh tranh.
Trong nghiên cứu về chiến lược cạnh tranh, nhà nghiên cứu Michael Porter (1998) đã đưa ra những cảnh báo về rủi ro và những cạm bẫy trong quá trình thực hiện hội nhập ngang đối với các công ty.
Trong đó, các công ty chưa chú trọng vào các nội dung sau: Sự sai lầm trong đánh giá về vị thế đối thủ cạnh tranh; Sai lầm trong quản lý các danh mục đầu tư; Xem thường và đánh giá sai lệch về sự đóng góp của các bên tham gia; Sai lầm trong đánh giá các sự tương quan; Quản lý không chặt chẽ để xảy ra tiêu cực trong quá trình chuyển giao.
Những yếu tố này được xem là cốt lõi dẫn đến sự thất bại trong quá trình hội nhập ngang của các DN. Theo Jan Kudełko và cộng sự (2015), chiến lược hội nhập được các công ty khai thác lựa chọn và chiến lược này thường được thực hiện bởi những công ty chiếm vị trí cạnh tranh rất mạnh trên thị trường.
Chiến lược hội nhập theo chiều ngang bắt nguồn từ mong muốn tăng thị phần, hoặc thành lập mới dựa trên bí quyết chung và quy trình hoạt động kết hợp, dựa trên nguồn lực bên trong hoặc sự kết hợp với bên ngoài.
Điều này cảnh báo về sai lầm trong xác định tính tương quan giữa các đối tác khi quyết định hội nhập. Nhìn nhận ở khía cạnh khác, M.J. Millenaar (2016) cho rằng sự ảnh hưởng của hội nhập theo chiều ngang đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Để đưa ra các lựa chọn chiến lược đúng đắn liên quan đến hội nhập ngang cần có kiến thức về thị trường mới và kiến thức cụ thể về các hình thức pháp lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi xác định hội nhập cần xác định giá trị cốt lõi, đặc biệt về danh mục đầu tư phải được đánh giá và xác định rõ ràng, đồng thời nghiên cứu này cũng cảnh báo về tính tương quan, giá trị thương hiệu.
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Từ những cơ sở lý thuyết và nghiên cứu trước đây về các nhân tố thường gây ra rủi ro, được xác định là quan trọng và cần lưu ý khi quyết định về chiến lược hội nhập theo chiều ngang. Đặc biệt, kế thừa từ kết quả nghiên cứu của M. Porter (1998) với những cảnh báo về rủi ro và những cạm bẫy khi thực hiện hội nhập ngang, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu cùng với các giả thuyết nghiên cứu như Hình 1.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này thực hiện qua phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định tính: Trên cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước, nghiên cứu này đề xuất mô hình và xây dựng thang đo để đo lường các khái niệm nghiên cứu, khẳng định thang đo bằng thảo luận nhóm và ý kiến của chuyên gia, lập phiếu để khảo sát các DN nhỏ tại TP Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu định lượng: Sau khi thu thập, dữ liệu được xử lý, thống kê đặc tính của mẫu; Đánh giá sơ bộ thang đo để đảm bảo độ tin cậy; Sau cùng, kiểm định thang đo để khẳng định mô hình nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu
Kết quả nghiên cứu định tính
Trên cơ sở tổng quan các nghiên cứu trước, bài viết đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 06 yếu tố gây ra rủi ro trong chiến lược hội nhập theo chiều ngang của các DN nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh. Thông qua thảo luận nhóm, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý DN, nghiên cứu đã xây dựng được thang đo với 36 biến quan sát và được mã hóa như sau:
- Hiểu sai sự đóng góp từ các đơn vị kinh doanh (ĐG) gồm 06 biến: Hiểu sự tương quan là không quan trọng (ĐG1); Hiểu sự tương quan là quá nhỏ (ĐG2); Hiểu sự tương quan là quá lớn (ĐG3); Hiệu quả hoạt động kinh doanh là không ảnh hưởng (ĐG4); Các đơn vị không cần có sự kết hợp (ĐG5); Xem nhẹ sự kết hợp của các đơn vị (ĐG6).
- Hiểu sai vị thế đối thủ cạnh tranh (ĐT), gồm 06 biến: Hiểu xây dựng kế hoạch ở cấp độ đơn vị là quan trọng (ĐT1); Không quan tâm đến kế hoạch cấp độ tổng thể (ĐT2); Không cần phân tích vị thế của đối thủ (ĐT3); Không cần lập công thức cho hoạt động cạnh tranh (ĐT4); Khi đã hội nhập thì đối thủ không còn quan trọng (ĐT5); Không lo sợ sự quay lại của đối thủ ở bình diện mới (ĐT6).
- Sai lầm trong quản lý danh mục sản phẩm (DM) với 07 biến: Cơ cấu danh mục đầu tư dàn trải (DM1); Cơ cấu danh mục đầu tư tập trung (DM2); Cơ cấu danh mục đầu tư không phù hợp mô hình kinh doanh (DM3); Cơ cấu danh mục đầu tư theo đối thủ (DM4); Bỏ qua cơ cấu danh mục đầu tư của đối thủ (DM5); Thay đổi toàn bộ cơ cấu danh mục đầu tư sau hội nhập (DM6); Không thay đổi cơ cấu danh mục sau hội nhập (DM7).
- Ảnh hưởng tiêu cực trong chuyển giao bí quyết (CG) gồm 04 biến: Có sự dàn xếp trong chuyển giao (CG1); Không kiểm soát chi phí trong chuyển giao (CG2); Không thống nhất quy trình chuyển giao (CG3) và Che giấu những bí quyết kinh doanh trong chuyển giao (CG4).
- Theo đuổi mối tương quan nhỏ, ít ảnh hưởng (TN) với 05 biến: Nhầm lẫn sự tương quan nhỏ và lớn (TQ1); Theo đuổi sự ảnh hưởng thấp (TQ2); Theo đuổi sự ảnh hưởng ít khác biệt hóa (TQ3); Mâu thuẫn trong nhận diện về sự ảnh hưởng (TQ4); Bao che cho sự ảnh hưởng nhỏ (TQ5).
- Theo đuổi sự tương quan viển vông (TV) gồm 05 biến: Đánh giá viễn vông trong sự tương quan (TV1); Bảo vệ quan điểm sai trong sự tương quan (TV2); Đánh giá sai về sự tương quan của công nghệ, bí quyết (TV3); Dự đoán sai tiềm năng đối thủ (TV4); Nhầm lẫn về sự tương đồng trong mối tương quan (TV5).
- Rủi ro trong hội nhập ngang (RRHN) gồm 03 biến: Giảm sút năng lực sau hội nhập (RRHN1); Không đáp ứng theo kỳ vọng (RRHN2); Xung đột xảy ra sau hội nhập (RRNH3). Theo Hair và cộng sự (1998), số quan sát nên lớn hơn 5 lần số biến quan sát. Như vậy, với 36 biến quan sát, số lượng phiếu khảo sát tối thiểu phải đạt 36 x 5 = 180.
Nên để đảm bảo độ tin cậy, nghiên cứu này được tiến hành với 250 phiếu khảo sát. Việc chọn mẫu trong nghiên cứu này lẽ ra phải được thực hiện bằng phương pháp chọn mẫu xác suất, nhưng vì điều kiện khảo sát không thể thực hiện ở các cơ sở trong lúc đại dịch COVID-19 nên sử dụng phương pháp chọn mẫu phi xác suất, cụ thể là phương pháp chọn mẫu thuận tiện.
Tổng số phiếu khảo sát được gửi đến 250 nhà quản lý thuộc các DN tại TP. Hồ Chí Minh bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Google doc ngày 27/06/2021 và nhận được 217 phản hồi. Sau khi kiểm tra có 19 phiếu khảo sát không hợp lệ nên loại bỏ (thông tin trả lời chưa đầy đủ). Như vậy, mẫu gồm 198 phiếu khảo sát hợp lệ được đưa vào phân tích.
Kết quả nghiên cứu định lượng
Đánh giá sơ bộ thang đo
- Phân tích độ tin cậy thang đo: Thang đo gồm 06 biến độc lập với 33 biến quan sát và 01 biến phụ thuộc với 03 biến quan sát được đánh giá về độ tin cậy thông qua hệ số Cronbach α bằng phần mềm thống kê SPSS 20.0.
Kết quả phân tích lần 1 cho thấy, các biến ĐG5, ĐT1 và DM4 có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3; các biến ĐT2 và ĐT3 có hệ số Cronbach α lớn hơn biển tổng.
Sau khi loại 5 biến trên và phân tích lần 2 cho kết quả: Các biến đều có hệ số tương quan với biến tổng từ 0,554 và hệ số Cronbach α đều lớn hơn 0,8 nên đủ độ tin cậy (Bảng 1). Vì vậy, 31 biến còn lại đủ điều kiện để đưa vào phân tích nhân tố khám phá.
- Phân tích nhân tố khám phá (EFA): Phân tích nhân tố khám phá đối với biến phụ thuộc, 28 biến quan sát thuộc 6 yếu tố đưa vào phân tích nhân tố khám phá lần thứ nhất: Biến ĐM2 không nhóm vào nhân tố nào (Do hệ số truyền tải nhỏ hơn 0.5).
Sau khi loại biến ĐM2 và phân tích nhân tố khám phá lần thứ hai với kết quả: Tất cả 27 biến quan sát được nhóm vào 06 yếu tố có số truyền tải biến thiên từ 0,538 đến 0,769 với KMO = 0,891 và dừng tại giá trị Eigenvalue = 1,092; tổng phương sai trích là 72,473%.
Phân tích nhân tố khám phá đối với biến phụ thuộc, kết quả cho thấy: Cả 03 biến quan sát có số truyền tải lớn hơn 0,8 được phân thành 01 nhóm với KMO = 0,714 và dừng tại giá trị Eigenvalue = 2,217; tổng phương sai trích là 75,252%.
- Mô hình hiệu chỉnh: Kết quả đánh giá sơ bộ thang đo cho 06 biến độc lập và 01 biến phụ thuộc.
Như vậy, mô hình nghiên cứu đề xuất và các giả thuyết nghiên cứu đặt ra không thay đổi. Thang đo đủ điều kiện để đưa vào kiểm định mô hình. Giá trị của từng biến là giá trị trung bình của các biến quan sát thuộc biến đó.
Kết quả kiểm định mô hình
- Phân tích tương quan Pearson: Kết quả phân tích tương quan hệ số Pearson (Bảng 2) cho thấy, các biến độc lập có mối tương quan tương đối chặt chẽ với biến phụ thuộc, các giá trị biến thiên từ 0,503 đến 0,612 có ý nghĩa thống kê (Sig. = 0.000).
Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng cho thấy, các biến độc lập có mối tương quan với nhau khá lớn, hệ số tương quan biến thiên từ 0,292 đến 0,514 nên dễ xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
- Phân tích hồi quy tuyến tính bội: Các biến độc lập có mối tương quan chặt chẽ với biến phụ thuộc nên tiếp tục được đưa vào phân tích hồi quy bằng cách đưa vào một lượt (Enter). Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 3) cho thấy: Các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 và H6 đều được chấp nhận ở mức ý nghĩa 0,05.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự rủi ro trong chiến lược hội nhập theo chiều ngang của các DN nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh chịu sự tác động của 06 yếu tố được sắp xếp theo mức độ tác động giảm dần:
Theo đuổi sự tương quan viển vông; Hiểu sai vị thế đối thủ cạnh tranh; Theo đuổi mối tương quan nhỏ; Hiểu sai sự đóng góp từ các đơn vị kinh doanh; Ảnh hưởng tiêu cực trong chuyển giao bí quyết; Sai lầm trong quản lý danh mục sản phẩm dịch vụ có ý nghĩa thống kê và mô hình giải thích được 63,2% tác động của 06 yếu tố này.
- Kiểm định sự phù hợp của mô hình: Giả định về phân phối chuẩn của phần dư không bị vi phạm khi thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính bội, phần dư có phân phối chuẩn với giá trị gần bằng 0 và độ lệch chuẩn gần bằng 1 (0,985).
Đồ thị P – P plot biểu diễn các điểm quan sát thực tế tập trung khá sát đường chéo những giá trị kỳ vọng, nghĩa là, dữ liệu phần dư có phân phối chuẩn. Tất cả các biến đều có độ chấp nhận (Tolerance) lớn hơn 0,6 và hệ số phóng đại phương sai (VIF) nhỏ hơn 10 (< 1,7). Như vậy, mô hình không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
Hàm ý quản trị cho doanh nghiệp nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố tác động đến rủi ro trong hội nhập theo chiều ngang của các DN nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh, làm cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc giảm thiểu rủi ro trong hội nhập theo chiều ngang của các DN.
Thông qua kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất những hàm ý quản trị cơ bản, cung cấp cho các DN những thông tin hữu ích trong việc quản trị, điều hành DN tránh những rủi ro có thể xảy ra trong chiến lược hội nhập theo chiều ngang theo mức độ quan trọng giảm dần thể hiện ở các yếu tố sau:
- Theo đuổi sự tương quan viển vông: Là sự tương quan không thực tế, các DN cần chú trọng sự phù hợp về công nghệ, hệ thống cung ứng, logistics, quy trình sản xuất khi sáp nhập, cần có sự phân tích, đánh giá những mối tương quan này khi quyết định sáp nhập.
- Hiểu sai vị thế đối thủ cạnh tranh: Ngoài việc chú trọng ở cấp độ đơn vị kinh doanh, các DN cần phân tích và nắm được vị thế của các đối thủ, từ đó xác lập kế hoạch hành động trong việc cạnh tranh mang tính tổng thể cho DN.
- Theo đuổi mối tương quan nhỏ, ít ảnh hưởng: Là theo đuổi những mối tương quan với giá trị nhỏ, ít khác biệt. Trong quá trình hội nhập theo chiều ngang, các DN cần chú trọng mối tương quan về tính khác biệt về sản phẩm, sự ảnh hưởng lẫn nhau trong quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm tạo ra lợi thế cạnh tranh trong quá trình đa dạng hóa sản phẩm.
- Hiểu sai sự đóng góp từ các đơn vị kinh doanh: Là sự hiểu sai về sự đóng góp về chiến lược từ các đơn vị kinh doanh khi sáp nhập. Các DN thường hiểu không đúng mối tương quan, mà chỉ xem xét hiệu quả của hoạt động kinh doanh với sự tách biệt, dẫn đến suy yếu tổng thể sức mạnh của DN khi sáp nhập.
- Ảnh hưởng tiêu cực trong chuyển giao bí quyết: Là tính tiêu cực trong mối tương quan không hợp lý, những khoản chi phí không phù hợp trong chuyển giao. Trong quá trình sáp nhập, các DN cần minh bạch và chia sẻ những bí quyết trong quản lý, quy trình sản xuất và cùng hướng tới mục tiêu chung.
- Sai lầm trong quản lý danh mục sản phẩm: Là sự quản lý danh mục về sản phẩm và dịch vụ kinh doanh chưa đúng, làm giới hạn tính hữu ích của những mô hình quản lý danh mục phổ biến. Sự cơ cấu về danh mục đầu tư chưa hợp lý, mang tính dàn trải, khó kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Kết luận
Trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 như hiện nay, thì việc hội nhập theo chiều ngang giúp các DN nhỏ có thể tận dụng được nhiều lợi thế về nguồn lực để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập của DN nhỏ khó có thể tránh khỏi những rủi ro tiềm ẩn.
Trên cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước, nghiên cứu này đề xuất và kiểm định mô hình gồm 6 tác động rủi ro trong hội nhập theo chiều ngang của các DN nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả kiểm định khẳng định, rủi ro trong hội nhập theo chiều ngang của các DN nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh chịu sự tác động bởi 06 yếu tố sau: Theo đuổi sự tương quan viển vông; Hiểu sai vị thế đối thủ cạnh tranh; Theo đuổi mối tương quan nhỏ, ít ảnh hưởng; Hiểu sai sự đóng góp từ các đơn vị kinh doanh; Ảnh hưởng tiêu cực trong chuyển giao bí quyết; Sai lầm trong quản lý danh mục sản phẩm.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để các DN nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tham khảo để có những biện pháp giảm thiểu những rủi ro không đáng có trong quá trình tái cơ cấu, sáp nhập DN thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2005), Luật Doanh nghiệp Việt Nam;
2. Tổng cục Thống kê (2020), Niên giám Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, NXB Thống kê;
3. Ngô Kim Thanh (2018), Giáo trình Quản trị chiến lược, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội;
4. Michael E. Porter (1998), Lợi thế cạnh tranh, Nguyễn Phúc Hoàng dịch (2016), NXB Trẻ;
5. Allan Willett (1951), The Economic Theory of Risk and Insurance, Philadelphia: University of Pensylvania Press, USA;
6. Bertha W., Ngaru (2016), An assessment of competitive advantage gained through horizontal integration: A case of insurance company of East Africa - Lion Group;
7. Frank Knight (1921), Risk, Uncertainty and Profit, Boston: Houghton Mifflin Company, U.S.A;
8. Irving Preffer (1956), Insurance and Economic Theory, Homeword III: Richard Di Irwin, Inc. USA;
9. Jan Kudełko, Herbert Wirth, Cezary Bachowski, Joanna Gacek (2015), Horizontal integration in the development strategy of mining companies, Mining Science, vol. 22, 2015, 97−114, ISSN 2300-9586;
10. M. J. Millenaar (2016), The Influence of Horizontal Integration on Business Performance, BSc Thesis Upgrade Wageningen University, Version 3;
11. Raghavan (2005), Risk Management in SMEs, The Chartered Accountant.
*TS. Nguyễn Văn Tuyên, Trường Đại học Tài chính-Marketing; ThS. Phạm Đình Dzu, Trường Đại học Lao động-Xã hội (Cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh).
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.