Các nhân tố ảnh hưởng đến minh bạch thông tin kế toán của đơn vị sự nghiệp công lập
Minh bạch thông tin kế toán là một trong những biện pháp góp phần giảm tham nhũng, gia tăng trách nhiệm giải trình và niềm tin của công chúng, thu hút viện trợ, đầu tư nước ngoài. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, do đặc trưng vừa sử dụng ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ công cho xã hội, vừa tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên đối tượng sử dụng thông tin kế toán rất đa dạng và đòi hỏi tính minh bạch trong cung cấp thông tin kế toán ngày càng cao.
Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến minh bạch thông tin kế toán của đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao minh bạch thông tin kế toán của các đơn vị này thời gian tới.
Minh bạch thông tin kế toán tại các đơn vị sự nghiệp công lập
Theo quy định của Luật Kế toán, các yêu cầu hướng đến minh bạch thông tin kế toán (TTKT) của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) bao gồm: Trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, nhất quán, chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, có thể so sánh, có thể kiểm chứng được, đáng tin cậy, thận trọng, không có sai lệch, có thể tiếp cận được. Như vậy, các yêu cầu cụ thể hướng đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL được nhận diện trong văn bản pháp quy tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quan điểm về minh bạch TTKT trên thế giới... Tuy nhiên, các quy định pháp lý tại Việt Nam hiện nay cho thấy, minh bạch TTKT của đơn vị SNCL không được định nghĩa rõ ràng, chủ yếu quy định cách thức hướng đến minh bạch TTKT, cụ thể:
- Nội dung TTKT phải công khai đều được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý nhưng nhìn chung các thông tin này đều được thể hiện trong báo cáo kế toán của đơn vị SNCL (gồm BCTC và Báo cáo quyết toán NSNN).
- Các yêu cầu đối với chất lượng nội dung của TTKT được phần lớn các văn bản pháp quy đề cập đến là trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, nhất quán, chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, có thể so sánh, có thể kiểm chứng được, đáng tin cậy, thận trọng, và không có sai lệch.
- Các thông tin phải công bố công khai, kịp thời, và phải công khai theo 1 trong 7 hình thức công khai thông tin.
- Mối quan hệ giữa trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin cũng được đề cập trong nhiều văn bản pháp quy có liên quan. Nhằm minh bạch TTKT của các tổ chức khu vực công, trách nhiệm giải trình phải theo các nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền; và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Phương pháp và kết quả nghiên cứu
Nhằm nghiên cứu những yếu tố tác động đến việc đẩy mạnh minh bạch TTKT của đơn vị SNCL, nghiên cứu này tiến hành khảo sát các đơn vị SNCL tại 17 tỉnh, thành phố của cả nước. Trong đó, số lượng đơn vị hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh chiếm chủ đạo (50,6%), tiếp đó là Vĩnh Long (10,4%), Bến Tre (9,1%), Sóc Trăng (8,5%), Hà Nội (3,7%), Bình Dương (5,5%), Đà Nẵng (3,7%) và một số tỉnh khác (Bình Phước, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Phú Thọ, Huế, Hưng Yên, Nha Trang, Đà Lạt) chiếm 8,5%.
Theo quy định của Luật Kế toán, các yêu cầu hướng đến minh bạch thông tin kế toán của đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: Trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, nhất quán, chính xác, rõ ràng, dễ hiểu, có thể so sánh, có thể kiểm chứng được, đáng tin cậy, thận trọng, không có sai lệch, có thể tiếp cận được.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng đơn vị SNCL tập trung nhiều nhất nên việc số lượng mẫu khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh lớn nhất khá phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, mẫu nghiên cứu còn khá đầy đủ về quy mô hoạt động và mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị SNCL được khảo sát. Trong đó, số lượng đơn vị có khả năng đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm tỷ lệ thấp nhất 4,9%, kế đến là tự đảm bảo chi thường xuyên (26,2%), tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (28,0%) và nhiều nhất là nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (40,9%). Tỷ lệ mức độ tự chủ tài chính trong mẫu đã phản ánh tương quan với tình hình thực tế hiện nay.
Đối tượng tham gia khảo sát nhiều nhất là kế toán, trong đó kế toán trưởng chiếm 29,3% và kế toán viên (gồm kế toán viên và kế toán tổng hợp) là 45,1%. Tỷ trọng đối tượng tham gia khảo sát đứng vị trí thứ hai là nhà quản lý gồm thủ trưởng đơn vị chiếm 7,9% và phó đơn vị chiếm 17,1%. Cuối cùng, đối tượng khác là chủ tịch công đoàn (là người trực tiếp tham gia kiểm tra và giám sát tình hình tài chính tại đơn vị) chỉ chiếm 0,6%. Số năm kinh nghiệm của các đối tượng khảo sát nhìn chung đảm bảo yêu cầu để thu thập dữ liệu (số lượng đối tượng khảo sát có kinh nghiệm trên 10 năm là nhiều nhất 45,7%, kế đến là từ 5 đến dưới 10 năm là 34,2%, từ 2 đến 5 năm là 14,6% và cuối cùng kinh nghiệm dưới 2 năm chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp 5,5%).
Dựa trên các nghiên cứu trong nước và quốc tế trước đây, cùng với các số liệu, dữ liệu khảo sát thông qua phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính, nghiên cứu đã đưa ra 15 giả thuyết, trong đó có 11 giả thuyết được chấp nhận và 04 giả thuyết bị bác bỏ. Trong đó, để hướng đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL trước hết cần tác động vào 05 nhân tố gồm: Sự am hiểu của kế toán trưởng, mức độ đáp ứng của thiết bị phần cứng, mức độ tự chủ tài chính, mức độ đáp ứng của phần mềm, và đặc điểm văn hóa tổ chức của đơn vị.
Giải pháp đẩy mạnh minh bạch thông tin kế toán của đơn vị sự nghiệp công lập
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh minh bạch TTKT của đơn vị SNCL tập trung về các nhân tố tác động đến minh bạch TTKT như sau:
Một là, sự am hiểu của kế toán trưởng
Kế toán trưởng được xác định có tác động trực tiếp và gián tiếp đến minh bạch TTKT của đơn vị SNCL vì họ là người tham gia vào quản lý, tổ chức, thực hiện hệ thống TTKT và tạo ra sản phẩm là TTKT. Để phát huy vai trò của kế toán trưởng, lãnh đạo đơn vị phải có sự thay đổi tư duy về vai trò của kế toán trưởng, chú trọng nâng cao chất lượng của kế toán trưởng thông qua việc tuyển dụng, bổ nhiệm vị trí kế toán trưởng phải hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn của kế toán trưởng; Có những chính sách lương, khen thưởng phù hợp để có thể tuyển dụng được kế toán trưởng có trình độ và năng lực, đồng thời góp phần nâng cao sự gắn bó lâu dài của kế toán trưởng đối với đơn vị; Có sự hỗ trợ từ nhà lãnh đạo trong việc tạo điều kiện về thời gian, chi phí để khuyến khích kế toán trưởng nâng cao trình độ chuyên môn, tạo môi trường làm việc thoải mái, quan tâm, phát huy tối đa kỹ năng làm việc của các kế toán viên nhằm nâng cao lòng trung thành và nhiệt huyết làm việc của kế toán viên, từ đó tạo lập được TTKT minh bạch.
Về phía kế toán trưởng, phải luôn có ý thức tự cập nhật kiến thức, trau dồi kinh nghiệm cả về kiến thức chuyên môn kế toán, hệ thống TTKT lẫn quản lý. Về phía cơ quan quản lý, cần xem xét lại quy định trình độ chuyên môn nghiệp vụ của kế toán trưởng ở từng cấp quản lý, từng vùng miền và thực hiện nghiêm ngặt trong thi tuyển cấp chứng chỉ hành nghề kế toán trưởng...
Hai là, mức độ đáp ứng của thiết bị phần cứng
Ứng dụng CNTT sẽ làm thay đổi và tác động rất nhiều đến tổ chức thực hiện hệ thống TTKT của các đơn vị SNCL thông qua việc nâng cao tính chính xác, kịp thời, bảo mật của TTKT từ đó góp phần nâng cao minh bạch TTKT. Do vậy, đơn vị SNCL cần chú trọng đầu tư vào các trang thiết bị phục vụ cho công tác kế toán có chất lượng hơn nữa. Thường xuyên kiểm tra hệ thống máy tính, và nâng cấp máy tính nhằm đảm bảo tính ổn định, liên tục, an toàn của công tác kế toán. Tuy nhiên, con người vẫn là nhân tố quyết định tính hiệu quả của việc ứng dụng CNTT vào công tác kế toán, do đó, đơn vị SNCL cần quan tâm hơn nữa đến khả năng sử dụng CNTT của nhân viên, đặc biệt là nhân viên kế toán.
Ba là, mức độ đáp ứng của phần mềm
Mức độ đáp ứng của phần mềm có vai trò quan trọng trong việc tạo lập TTKT minh bạch, nhà lãnh đạo đơn vị và toàn thể nhân viên cần thay đổi nhận thức về vai trò của phần mềm đối với hoạt động của đơn vị. Bên cạnh phần mềm chỉ phục vụ cho công tác kế toán thuần tuý như trước đây, hiện nay phần mềm với chức năng tích hợp công tác quản lý và các hoạt động sẽ giúp cho hoạt động của đơn vị thuận lợi hơn nhiều. Phần mềm kết nối giữa các bộ phận trong đơn vị giúp cho việc luân chuyển chứng từ nhanh hơn, kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa các bộ phận chặt chẽ hơn.
Đối với những đơn vị SNCL có nguồn thu thấp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên cấp ngân sách để trang bị phần mềm. Cơ quan quản lý cấp trên nên để các đơn vị cấp dưới tự chọn lựa và thiết kế phần mềm phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị trên cơ sở vẫn đảm bảo khả năng tổng hợp số liệu thu chi phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan cấp trên. Các đơn vị cần tạo điều kiện để nhân viên đặc biệt là nhân viên kế toán nâng cao khả năng sử dụng phần mềm một cách hiệu quả nhất.
Bốn là, mức độ tự chủ tài chính của đơn vị
Các cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết, tích cực rà soát lại những đơn vị nào có khả năng tự chủ để thực hiện chuyển đổi sang từng mức độ tự chủ phù hợp, đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều tạo kiện cho các đơn vị SNCL dần thích ứng và chuyển sang cơ chế tự chủ, đặc biệt là đối với những đơn vị có khả năng tự chủ cao. Chẳng hạn như trong giai đoạn đầu nhà nước cần hỗ trợ kinh phí hoạt động cũng như kinh phí đầu tư, cho vay vốn ưu đãi hay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị từ đó giúp nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp nhằm tạo nguồn thu tăng trưởng tốt thì sau đó đơn vị sẽ tự đảm bảo được nguồn thu của mình. Trong quá trình đơn vị SNCL chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, cơ quan chức năng cần tăng cường đôn đốc, đánh giá, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, đồng thời xây dựng cơ chế thưởng phạt rõ ràng để nâng cao hiệu quả của quá trình thực hiện.
Các đơn vị SNCL phải tích cực đổi mới cơ cấu tổ chức, đổi mới hoạt động theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và đa dạng dịch vụ cung cấp. Trong đó, cần chú trọng đến 2 vấn đề chính: Chi đầu tư cơ sở hạ tầng để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp và chi các khoản chi cho người lao động như lương, khen thưởng, phúc lợi, bổ sung thu nhập, đào tạo…
Năm là, đặc điểm văn hóa tổ chức của đơn vị
Kết quả nghiên cứu đã khẳng định đặc điểm văn hóa tổ chức có ảnh hưởng mạnh nhất trong tất cả các nhân tố bên trong đơn vị đến minh bạch TTKT. Nó không chỉ tác động trực tiếp đến minh bạch TTKT mà còn tác động gián tiếp đến minh bạch TTKT thông qua sự am hiểu của kế toán trưởng và sự am hiểu của kế toán viên. Đồng thời, đóng vai trò là biến trung gian trong mối tác động của sự hỗ trợ của nhà lãnh đạo đến minh bạch TTKT. Do đó, để khắc phục những hạn chế về đặc điểm văn hóa tổ chức của đơn vị, người lãnh đạo đơn vị SNCL cần có có tâm, có tầm nhìn, sẵn sàng đổi mới, cố gắng xây dựng một môi trường văn hóa hướng đến minh bạch nói chung và minh bạch TTKT nói riêng.
Để xây dựng văn hóa tổ chức tốt để hướng đến minh bạch TTKT, trong đơn vị SNCL cần có sự phối hợp và hợp lực từ nhà lãnh đạo cấp cao, trưởng bộ phận đến toàn thể nhân viên trong đơn vị. Đơn vị xây dựng các tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, thi đua khen thưởng, kỷ luật phù hợp để khuyến khích cán bộ công chức tích cực hoàn thành nhiệm vụ, đạt hiệu quả cao, và nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc...
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2015), Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;
2. Bộ Tài chính (2006), Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC về việc ban hành chế độ kế toán hành chính sự nghiệp;
3. Đậu Thị Kim Thoa và Phan Thị Thúy Quỳnh (2015), Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
4. Tô Hồng Thiên (2017), Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức hệ thống thông tin kế toán tại các trường đại học công lập ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
5. Baber, W.R., và Sen, P.K. (1984), The role of generally accepted reporting methods in the public sector: An empirical test. Journal of Accounting and Public Policy, 3(2): 91-106.