Các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam
Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hơn 3 năm. Theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau thì hoạt động dịch vụ kế toán là 1 trong 8 lĩnh vực, ngành nghề được di chuyển hoạt động tự do trong Cộng đồng kinh tế AEC.
Do vậy, hoạt động dịch vụ kế toán Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán Việt Nam nhằm tìm ra các giải pháp để hoàn thiện thị trường là một vấn đề cần thiết hiện nay.
Mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán ở Việt Nam
Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng trên con đường gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được tiếp nhận nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư từ các công ty, tập đoàn danh tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, đi liền theo đó là sức ép về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng khốc liệt hơn. Trong môi trường đó, việc đòi hỏi những thông tin tài chính minh bạch, những số liệu kế toán “sạch” để thu hút niềm tin nơi nhà đầu tư là hết sức cần thiết nhằm mở ra một thị trường rộng lớn cho các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán. Để ̉ phát triển thị trường này hiệu quả và đồng bộ, cần có những định hướng, mục tiêu tích cực cho tất cả các nhân tố tham gia thị trường. Theo “Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (Chiến lược nhánh của Chiến lược Tài chính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012), mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ kế toán kiểm toán Việt Nam thời gian tới như sau:
(i) Tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước Việt Nam và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành và kiểm kê, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước.
(ii) Xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.
(iii) Nâng cao vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán, đẩy mạnh quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán; kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng như hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán; đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.
(iv) Phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng và chất lượng.
(v) Tăng cường quan hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán, kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.
Các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam
Quy mô doanh nghiệp khách hàng
Các công ty có quy mô lớn thường có số lượng nghiệp vụ lớn và phức tạp. Vì vậy họ có nhu cầu thuê công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán có chất lượng cao, danh tiếng tốt. Họ có khả năng hơn về tài chính nên có thể chấp nhận phí kiểm toán cao hơn để nhận được chất lượng tốt hơn và cũng bởi vì các doanh nghiệp lớn thường có nhu cầu kiểm soát và quản lý nhiều hơn.
Khi các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ có nhu cầu về dịch vụ kế toán, kiểm toán chất lượng cao và có khả năng đánh giá chất lượng dịch vụ sẽ là yếu tố tích cực tác động đến thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, giúp các nhà lập pháp có cơ sở để hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật.
Trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của các kế toán viên – kiểm toán viên hành nghề
Người hành nghề trong các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, am hiểu sâu về chuyên môn và pháp luật, ngoài việc giúp khách hàng tuân thủ quy định pháp luật và chuẩn mực chuyên môn còn phải giúp khách hàng hoàn thiện hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động tại đơn vị khách hàng và nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên.
Kiến thức và chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của kế toán, kiểm toán viên là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Đồng thời, họ cũng là những chuyên gia, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán
Chất lượng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán hiện tại là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Các yếu tố chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi tiêu dùng dịch vụ, qua đó ảnh hưởng gián tiếp đến việc thiết lập thể chế giám sát chất lượng hoạt động của loại hình dịch vụ đặc biệt này. Các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán trên thị trường có chất lượng dịch vụ không giống nhau. Những doanh nghiệp lớn, có uy tín trên thị trường thường có khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn với chất lượng dịch vụ cao hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn. Những công ty dịch vụ kế toán – kiểm toán có uy tín và thương hiệu thấp sẽ bị thua thiệt trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay. Chất lượng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán hiện tại, so với thông lệ chung mà quốc tế yêu cầu, sẽ là một nhân tố ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.
Mức độ hoàn thiện của hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán
Hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán là một trong những quy định nằm trong hệ thống các quy tắc, quy định điều chỉnh hoạt động kế toán, kiểm toán. Hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán ảnh hưởng trực tiếp đến chủ thể và khách thể trong hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng như kết quả của các dịch vụ này. Do đó, sự hoàn thiện của hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán vừa là tiêu chí đánh giá sự hoàn thiện thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng cần hướng tới và đạt được trong quá trình hoàn thiện thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán
Mức độ cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ
Trong nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh là điều tất yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán là lành mạnh thì phải có đầy đủ các chế tài, quy định để điều chỉnh các hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán để hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh bằng những hành vi trái với quy định của pháp luật, ngược với truyền thống xã hội tốt đẹp và tập quán kinh doanh lành mạnh làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của những nhà kinh doanh khác và lợi ích của người tiêu dùng, của Nhà nước và xã hội. Mức độ cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán ảnh hưởng đến thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Mức độ cạnh tranh càng cao thì càng đòi hỏi thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán phải hoàn thiện đầy đủ và phù hợp với tình hình thực tiễn
Mức độ hội nhập quốc tế
Hội nhập là một quá trình xã hội có nội hàm toàn diện và thường xuyên vận động hướng tới mục tiêu nhất định. Mức độ hội nhập quốc tế ảnh hưởng lớn tới nhiều mặt của nền kinh tế - xã hội nói chung và đến thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán nói riêng. Mức độ hội nhập càng sâu rộng thì giữa các quốc gia càng phải tuân thủ các luật chơi chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế. Do đó khi xây dựng các thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng phải đảm bảo phù hợp với những quy định chung trong khuôn khổ các định chế hoặc tổ chức quốc tế.
Trình độ phát triển kinh tế
Trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia thể hiện sự phát triển kinh tế của một quốc gia đang ở mức độ nào, cao hay thấp. Nó bao gồm sự tăng trưởng kinh tế đồng thời phải có sự hoàn chỉnh về mặt cơ cấu, thể chế kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Trình độ phát triển kinh tế ảnh hưởng đến thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán. Nền kinh tế có trình độ phát triển càng cao thì càng tạo điều kiện thuận lợi cho thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán và ngược lại. Khi nền kinh tế phát triển cao thì nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn, số lượng doanh nghiệp nhiều hơn, thì nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán nhiều hơn thì nhu cầu phải hoàn thiện thể chế cho thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán để điều tiết hoạt động này càng mạnh mẽ hơn.
Giải pháp hoàn thiện thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam thời gian tới
Về phía các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán
- Tuân thủ pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống kế toán kiểm toán ở Việt Nam. Đây là điều kiện cần để hệ thống kế toán kiểm toán phát triển theo đúng định hướng, trở thành công cụ không thể thiếu trong hoạt động kiểm tra, giám sát tài chính hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch và vững bền.
- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kế toán, kiểm toán: phát triển các loại hình dịch vụ kiểm toán (kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán vì mục đích thuế, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, kiểm toán công trình xây dựng cơ bản...); dịch vụ kế toán, dịch vụ tài chính, dịch vụ thuế và kinh doanh, dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kế toán, kiểm toán... Các dịch vụ này từng bước phải đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế;
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động kế toán, kiểm toán bằng các quy định, quy trình nghiệp vụ đối với người hành nghề và hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng như: quy trình tuyển dụng nhân viên có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, có trình độ cao và có phẩm chất đạo đức; quy trình đào tạo định kỳ, tập huấn nghiệp vụ; quy trình cung cấp dịch vụ từ đầu vào đến thực hiện đến đầu ra của sản phẩm dịch vụ cung cấp phải đúng quy trình và có kiểm soát chất lượng dịch vụ;
Về phía các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kế toán kiểm toán
- Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân bằng cách tổ chức những buổi hội thảo bàn về lợi ích và tầm quan trọng của dịch vụ kế toán, kiểm toán, cũng như nhận thức về kiểm soát chất lượng dịch vụ.
- Chỉ đạo các đối tượng thuộc diện bắt buộc kiểm toán BCTC thực hiện cơ chế kiểm toán.
- Các công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán cần có những chế độ ưu đãi đối với khách hàng thân thiết, cũng như khách hàng mới, khách hàng chưa có đủ khả năng tài chính.
- Các công ty cần nâng cao chất lượng dịch vụ, có thái độ thích hợp với khách hàng, có xử lý thỏa đáng nếu không hoàn thành nhằm tạo niềm tin và cho thấy tinh thần trách nhiệm của mình.
Về phía các tổ chức quản lý thị trường
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán lành mạnh, bền vững; Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp.
- Cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo phương tiện thông tin và truyền thông phục vụ các hoạt động kiểm toán, chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ hoạt động một cách ổn định, an toàn, bảo mật và hiệu quả trên môi trường mạng.
Tóm lại, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Điều này đòi hỏi hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam phải có những cải cách căn bản phù hợp với thông lệ quốc tế. Hy vọng với nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường sẽ có tác dụng phần nào đối với việc hoàn thiện thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;
2. FASB, Hệ thống chuẩn mực kế toán tài chính (ASC);
3. IASB, Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS);
4. Trần Văn Hợi, Vũ Thị Phương Liên (2019), đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: “Hoàn thiện thể chế thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam”.