Các nhóm công tác APEC hướng đến Tuyên bố Cần Thơ
Ngày 23/8/2017, tại Cần Thơ, cuộc họp hỗn hợp chung giữa 04 Nhóm công tác liên quan đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực các nền kinh tế thành viên APEC đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất.
Cuộc họp hỗn hợp chung giữa 04 Nhóm công tác APEC là: Nhóm Công tác kỹ thuật nông nghiệp (ATCWG), Nhóm Diễn đàn đối thoại về phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp APEC (HLPDAB), Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách an ninh lương thực (PPFS) và Nhóm Công tác Đại dương và nghề cá (OFWG) diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Cuộc họp chung giữa 4 nhóm công tác APEC có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra diễn đàn hợp tác và chia sẻ những thông tin hữu ích, những tiến bộ trong hoạt động, các sáng kiến của các nền kinh tế thành viên trong việc bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho cả khu vực APEC.
Cuộc họp xoay quanh nội dung chủ yếu là bàn cơ chế nhằm tạo ra và tăng cường sự hợp tác liên ngành có hiệu quả giữa các nhóm công tác, giữa các nền kinh tế thành viên, qua đó mở ra những phương thức hợp tác mới nhằm cải thiện vấn đề an ninh lương thực và ứng phó hữu hiệu với biến đổi khí hậu trong khu vực.
Chủ tịch của các Nhóm cũng đã chia sẻ kết quả của từng nhóm và cập nhật các hoạt động năm 2017. Các đại biểu cũng thảo luận về những hoạt động ưu tiên năm 2018 và sự phối hợp giữa các Nhóm trong thời gian tới.
Ngoài ra, trọng tâm của cuộc họp chung 4 nhóm này là thảo luận nội dung của “Tuyên bố Cần Thơ về Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đại biểu tham dự cuộc họp đã nhất trí trình “Tuyên bố Cần Thơ” lên các Bộ trưởng tại Đối thoại chính sách cao cấp về An ninh lương thực và Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (24/8).
Cuộc họp cũng nhất trí thông qua ở cấp làm việc và trình lên các Bộ trưởng Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn – đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng, với các nội dung chính là tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong nông nghiệp và thị trường lương thực ở khu vực, và vấn đề quản lý thất thoát và lãng phí lương thực
Trước đó, từ ngày 18 đến 22/8/2017, tại thành phố Cần Thơ đã liên tục diễn ra các cuộc họp thường niên của các Nhóm công tác ATCWG, HLPDAB, PPFS và OFWG.
Trong các phiên họp, Nhóm công tác PPFS tập trung thảo luận và thông qua Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động về Phát triển nông thôn - đô thị để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng. Các kế hoạch hành động được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nỗ lực liên kết khu vực để giải quyết các thách thức liên quan đến an ninh lương thực, phát triển, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Tại các cuộc họp của Nhóm OFWG, các đại biểu đã báo cáo kết quả thực hiện các chính sách, các dự án hỗ trợ nghề cá có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa nhằm bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu; các vấn đề bảo vệ môi trường như xả thải ra biển, bảo vệ, bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nhóm cũng thảo luận vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, khai thác không báo cáo và không theo quy định, nhấn mạnh mục tiêu phục vụ an ninh lương thực, bảo đảm sinh kế cho người dân, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản.
Cuộc họp của Nhóm công tác ATCWG xoay quanh các vấn đề: tăng cường các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ứng phó với các thách thức an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển nhiên liệu sinh học bền vững, ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực thích ứng và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp…
Cuộc họp của Nhóm công tác HLPDAB tập trung trao đổi về các nội dung: thúc đẩy áp dụng và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng mô hình hợp tác công - tư nhằm thu hút đầu tư vốn và khoa học công nghệ vào phát triển nghiên cứu công nghệ sinh học trong sản xuất nông thủy sản; tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về công nghệ sinh học nông nghiệp thông qua hợp tác trong khu vực APEC; vai trò của công nghệ sinh học nông nghiệp trong ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ mới trong đánh giá an toàn sinh học.