Các quốc gia châu Âu đang làm gì để phục hồi ngành du lịch?

Theo Trần Võ/nhadautu.vn

Châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phục hồi ngành du lịch khu vực, trong đó ban hành chứng nhận vaccine mang tên là "EU Digital COVID certificate" (EUDCC) giúp du khách có thể di chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia thành viên.

EU đang đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch khu vực.  Ảnh: Reuters.
EU đang đẩy mạnh việc phục hồi ngành du lịch khu vực. Ảnh: Reuters.

Du lịch quốc tế đang dần được khôi phục khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã mở cửa, còn một số khác đang lên kế hoạch đón khách ngay trong năm nay.

Hầu hết những nơi mở du lịch quốc tế đều yêu cầu du khách xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19; hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính; hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Đây được coi là yếu tố tiên quyết cho một chuyến du lịch nước ngoài trong giai đoạn bình thường mới.

Chứng nhận này có thể là dạng giấy hoặc điện tử, dùng ngôn ngữ bản địa và tiếng Anh, cùng với một mã QR và sự chứng thực của cơ quan chức năng. Chứng nhận ghi rõ thời gian tiêm hoặc xét nghiệm, loại vaccine hoặc loại xét nghiệm. Ở châu Âu, chứng nhận vaccine được gọi là "EU Digital COVID certificate" (EUDCC).

Với những giấy tờ như trên, cùng nơi xuất phát không nằm trong danh sách hạn chế, người nước ngoài có thể nhập cảnh với mục đích du lịch mà không bị cách ly. Một số nước đòi hỏi thêm một vài biểu mẫu, có thể yêu cầu khách cách ly trong thời gian ngắn hoặc thêm một lần xét nghiệm tại nơi đến, tùy thuộc vào nơi du khách khởi hành.

Nhiều nước châu Âu đang vận hành một bản đồ linh hoạt với các mã màu, trong đó màu sắc thể hiện tình hình dịch bệnh mới nhất của từng quốc gia cùng các biện pháp hạn chế tương ứng. Màu sắc được cập nhật thường xuyên; du khách hoặc chính quyền chỉ cần đối chiếu vào bản đồ để đưa ra quyết định. Các thông tin, hướng dẫn cụ thể cũng sẵn sàng trên trang web để du khách có sự chuẩn bị tốt nhất trước chuyến đi. 

Không dễ để đón khách quay lại, vậy nên các quốc gia và điểm đến đều cố gắng hết sức để đơn giản hóa các thủ tục; đồng thời triển khai các chương trình khuyến mại, ý tưởng độc đáo để du khách có những trải nghiệm tốt nhất.

Các phần mềm được phát triển để nhập cảnh thuận tiện, nhà chức trách dễ dàng truy vết và cập nhật thông tin nhanh chóng tới du khách. Công nghệ số cũng được tận dụng để các nước tiếp tục quảng bá hình ảnh hoặc tạo ra các tour du lịch ảo, giúp điểm đến duy trì thương hiệu và cập nhật thông tin tới du khách.

Nhìn chung, việc mở cửa đón khách quốc tế vẫn tương đối phức tạp về thủ tục, hạn chế về điểm đến và tiềm ẩn nhiều phiền toái cho khách du lịch. Một trong những vấn đề lớn nhất là chưa có sự đồng bộ và phối hợp toàn diện giữa các quốc gia, khiến cho du khách và doanh nghiệp có thể gặp rắc rối khi chính sách bất ngờ thay đổi.

Tại châu Âu, dù EUDCC được thiết kế để áp dụng ở 27 quốc gia thành viên EU, tuy nhiên vẫn có một số quốc gia chưa chấp nhận sử dụng. Một số quốc gia không thuộc EU có thể sẽ phát triển loại chứng nhận riêng của họ; điều đó có nghĩa du khách từ ngoài EU, nếu muốn đi tour châu Âu sẽ phải tìm hiểu kỹ xem chứng nhận COVID của mình có thể đi tới đâu.

Ngoài khác biệt về loại chứng nhận, các nước còn khác nhau về bản đồ mã màu và những chính sách kiểm dịch tương ứng với từng nước. Vừa qua, chỉ ít ngày sau khi "bật đèn xanh" cho các tour du lịch Bồ Đào Nha, chính phủ Anh bất ngờ yêu cầu du khách về từ Bồ Đào Nha sẽ phải cách ly. Việc này khiến cho nhiều du khách Anh phải bỏ dở kỳ nghỉ, đồng nghĩa với thiệt hại tài chính và nỗi thất vọng. Sân bay tại Bồ Đào Nha bỗng nhiên quá tải vì du khách ồ ạt trở về Anh trước khi lệnh cách ly có hiệu lực. Các khách sạn tại Bồ Đào Nha lại chứng kiến việc hủy phòng hàng loạt. 

Thêm vào đó, sau khi nhập cảnh, du khách nước ngoài sẽ phải cài thêm ứng dụng truy vết của điểm đến. Mỗi quốc gia lại có ứng dụng riêng của mình, ví dụ Pháp là TousAntiCovid, Bỉ là Coronalert, Đức là Corona-Warn-App… Như vậy, nếu muốn du lịch nhiều nước châu Âu, có lẽ điện thoại của du khách sẽ đầy kín những ứng dụng này.

Ngành du lịch vẫn 'khó' phục hồi

Số chuyến bay quốc tế đến các điểm đến châu Âu trong tháng 7 và tháng 8 chỉ đạt 39,9% mức trước đại dịch. Kết quả này có vẻ tốt hơn con số 26,6% của năm 2020, tuy nhiên đó là khi hàng loạt điểm đến đóng cửa và các loại chứng nhận vaccine chưa được triển khai. Lượng đặt phòng chậm lại vào cuối giai đoạn mùa hè, khiến cho sự phục hồi của ngành du lịch châu Âu càng khó khăn.

Hồi tháng 7, Ủy ban Du lịch châu Âu dự báo khách quốc tế đến châu Âu cả năm 2021 chỉ bằng một nửa so với năm 2019, vì ít khả năng đón khách từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Trước đại dịch, mỗi năm có tới 15 triệu lượt du khách từ Mỹ đến châu Âu. Sự vắng mặt của thị trường xa khiến những nơi phụ thuộc vào dòng khách này như Pháp và Italy phục hồi chậm chạp. Những vị khách từ châu Á thường lưu lại dài ngày, chi tiêu nhiều và tập trung tại các thành phố lớn tại châu Âu.

Hy Lạp là nơi ngành du lịch phục hồi tốt nhất tại châu Âu, với lượng khách tháng 7 và tháng 8 đạt 86% cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là Síp (64,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (62,0%) và Iceland (61,8%). Hy Lạp và Iceland là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách quốc tế, với yêu cầu về tiêm đủ vaccine COVID-19, xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh.

Trong khi đó, ngành du lịch Anh chỉ đón khách ở mức 14,3% so với năm 2019, do các chính sách hạn chế du lịch quốc tế nghiêm ngặt và bất định của nước này. Thủ đô nước Anh – London cũng đứng cuối cùng trong bảng thống kê mức độ phục hồi du lịch tại các thành phố du lịch châu Âu mùa hè 2021, với 14,2%. Đứng đầu bảng thống kê này là thành phố nghỉ dưỡng biển Palma Mallorca (Tây Ban Nha) đạt 71,5% năm 2019 và Athens (Hy Lạp) với 70,2%.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo việc đi lại tự do trong châu Âu đang gặp khó khăn, do các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) không thống nhất các quy định kiểm soát COVID-19 với du khách quốc tế. Không chỉ làm du khách và doanh nghiệp du lịch lúng túng, việc này khiến cho những lợi ích, sự thuận tiện và phục hồi kinh tế đều không đạt được như kỳ vọng.

Nghiên cứu của IATA chỉ ra những khác biệt đáng kể trong cách các nước EU kiểm tra du khách nước ngoài. Hiện nay, đa số các nước EU sử dụng loại chứng nhận COVID-19 "EU Digital COVID certificate" (EUDCC). Tuy nhiên trong số đó, 30% không chấp nhận test nhanh COVID-19, 19% không miễn xét nghiệm cho trẻ em, 41% không đón khách từ các quốc gia ngoài danh sách cho phép của EU, dù họ đã tiêm chủng đầy đủ.