“Thiên đường” khởi nghiệp ở châu Âu
Với hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, Thụy Điển được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các công ty khởi nghiệp (startup) tại lục địa già.
Theo Reuters, ông Sebastian Siemiatkowski, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính Klarna nhận định, một trong những lý do khiến Klarna thành công như ngày hôm nay là nhờ vào chính sách của Chính phủ Thụy Điển. Ông Siemiatkowski cho biết, vào cuối thập niên 1990, Chính phủ Thụy Điển đã đặt ra mục tiêu là mọi gia đình đều phải có máy tính. “Sở hữu một chiếc máy tính là điều không tưởng đối với những gia đình có thu nhập thấp như gia đình tôi. Nhưng nhờ chính sách của chính phủ, mẹ tôi đã có thể mua một chiếc máy tính”, ông Siemiatkowski nhấn mạnh.
Dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển, trong giai đoạn 1998-2001, 850.000 máy tính đã được bán ra cho gần 1/4 trong số 4 triệu hộ gia đình tại nước này. Ngoài việc tạo điều kiện cho người dân sở hữu máy tính, Thụy Điển cũng tập trung vào việc phổ biến mạng băng thông rộng. Trong năm 2005, có 28 hợp đồng mạng băng thông rộng hơn 100 người tại Thụy Điển. Tại Mỹ, con số này là 17. Những chính sách thức thời của Chính phủ Thụy Điển đã giúp người dân nước này trở thành những người tiêu dùng thông thạo về công nghệ thông tin cũng như sản sinh ra đội ngũ kỹ sư, lập trình viên ưu tú. Ông Siemiatkowski bắt đầu tập viết code (học cách sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra các chuỗi mã hóa) trên máy tính khi 16 tuổi. Hiện nay, công ty Klarna của ông được định giá 46 tỷ USD. Theo ông Siemiatkowski, việc Chính phủ Thụy Điển sớm đầu tư vào kết nối internet là một trong những lý do khiến thủ đô Stockholm của quốc gia Bắc Âu này trở thành "cái nôi" của các công ty khởi nghiệp.
Một số CEO công nghệ và nhà đầu tư mạo hiểm cũng có cùng quan điểm với ông Siemiatkowski khi trả lời phỏng vấn Reuters. Theo bà Sarah Guemouri, một nhà phân tích của công ty đầu tư mạo hiểm Atomico, tính theo bình quân đầu người, Stockholm là thành phố có số lượng các công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD nhiều thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Thung lũng Silicon của Mỹ. Những công ty nổi tiếng như Spotify chuyên cung cấp dịch vụ phát nhạc trực tuyến, công ty cung cấp dịch vụ điện thoại qua internet Skype... đã được ra đời tại Stockholm.
Thụy Điển là một trong những quốc gia có hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới. Phần lớn khoản chi phí chăm sóc trẻ em đều miễn phí. Ngoài ra, nước này có nhiều quỹ bảo hiểm thu nhập có thể hỗ trợ người dân trong trường hợp công việc kinh doanh thất bại hoặc bị thất nghiệp. Các quỹ này giúp bảo đảm tới 80% mức lương trước đó của họ trong 300 ngày đầu tiên thất nghiệp.
Việc xây dựng hệ sinh thái thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa nền kinh tế phát triển năng động và thịnh vượng. Chính sách an sinh xã hội ưu việt của Thụy Điển khiến các công ty khởi nghiệp cảm thấy an tâm khi thực hiện những hoạt động kinh doanh có tính rủi ro cao. Do đó, dù áp mức thuế thu nhập cao nhưng Thụy Điển là quốc gia có tỷ lệ khởi nghiệp cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha, với hơn 20 công ty khởi nghiệp có hơn 1.000 nhân viên. Theo nghiên cứu năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ công ty khởi nghiệp tồn tại sau 3 năm tại Thụy Điển là 74%, mức cao nhất khi đối chiếu với dữ liệu ở các quốc gia khác. Gohar Avagyan, người đồng sáng lập Vaam, một dịch vụ gửi video dưới dạng tin nhắn cho biết: “Hệ thống an sinh xã hội ở Thụy Điển cho phép chúng tôi ít bị tổn thương khi rủi ro xảy ra”.
Các công ty khởi nghiệp đã góp phần đáng kể vào việc phát triển nền kinh tế của Thụy Điển. Từ danh hiệu “thiên đường” khởi nghiệp, Thụy Điển đang nỗ lực vươn lên để trở thành Thung lũng Silicon của châu Âu trong bối cảnh các công ty khởi nghiệp tại nước này hoạt động hiệu quả và ngày càng lớn mạnh.