Các xu hướng ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay
Bài viết đánh giá công tác giảm nghèo nói chung và một số xu hướng ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo tại Việt Nam, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo ở Việt Nam hiện nay.
Trong quá trình đổi mới và xây dựng đất nước, công tác giảm nghèo luôn được xác định là mục tiêu lớn trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam. Theo đó, cơ chế, chính sách phục vụ cho công tác giảm nghèo không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo dễ dàng tiếp cận cơ chế ưu đãi; tuy nhiên, so với yêu cầu giảm nghèo bền vững, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết.
Thực trạng công tác giảm nghèo ở Việt Nam
Báo cáo về nghèo đa chiều ở Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam công bố mới đây cho thấy, trong những năm qua, Việt Nam liên tục đạt được nhiều tiến bộ trong công tác xóa nghèo. Cụ thể: Tỷ lệ nghèo cùng cực giảm mạnh, từ 49,2% (năm 1992) xuống còn 2% (năm 2016). Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết đạt được vào năm 2030, mục tiêu phát triển bền vững số 1 về xóa nghèo dưới mọi hình thức, ở mọi nơi có khả năng đạt được cao nhất. Điều này đưa Việt Nam trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc áp dụng cách tiếp cận nghèo đa chiều trong quá trình thực hiện mục tiêu số 1 này.
Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn còn tình trạng tái nghèo hoặc các hộ dễ bị tổn thương rơi vào nghèo. Nghèo đói vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ nghèo ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cao gấp 2 lần so với mức trung bình của cả nước. Trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2016 của dân tộc Kinh là 6,4% thì tỷ lệ này ở một số nhóm dân tộc thiểu số cao hơn khá nhiều, đơn cử như tỷ lệ của dân tộc Mông là 76,2%, Dao 37,5%, và Khmer 23,7%.
Trước những con số đáng chú ý này, không ít người đặt câu hỏi, các chính sách hỗ trợ đã và đang đứng ở đâu, tác động như thế nào tới cuộc sống người dân và nguồn vốn hỗ trợ có “đi tới nơi, về tới chốn”? Bởi một hạn chế đã được chỉ ra là chính sách giảm nghèo vẫn chưa thực sự trúng và đúng với đặc thù điều kiện khu vực miền núi. Hỗ trợ tiền điện, tiền dầu, muối, gạo cứu đói và tiền ăn Tết, đến tận các hộ gia đình đều được chi dùng và hết nhanh chóng. Trong khi đó, các chính sách đầu tư tạo sinh kế dường như vẫn nằm trong vòng nghịch lý “cái cần không có, cái có không cần” hoặc không hiệu quả. Thực tế cũng chỉ ra rằng, các chính sách giảm nghèo phân bổ dàn trải theo hàng ngang cộng thêm cơ chế chính sách rập khuôn với tất cả địa phương đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra bất cập nhiều hơn hiệu quả.
Làm sao để các chính sách của Nhà nước đến được đúng đối tượng, đúng mục đích và đạt hiệu quả cao là vấn đề cần quan tâm. Mặc dù, chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết và quan trọng nhưng muốn công tác xóa nghèo đạt được hiệu quả cao thì bản thân người nghèo phải nhận thức rõ mình chính là chủ thể của tiến trình giảm nghèo, có trách nhiệm hơn nữa trong vươn lên thoát nghèo. Thực tế có không ít hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tâm lý ban phát và cách thức thụ động nhận hỗ trợ đã khiến chương trình giảm nghèo ở không ít nơi chệch hướng ngay từ điểm xuất phát.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trong đó bố trí 1.766 tỷ đồng vốn còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để phân bổ theo quy định và bổ sung 648 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt từ phía Nhà nước đối với công tác giảm nghèo.
Xu hướng nghèo và bất bình đẳng thu nhập dưới tác động của toàn cầu hóa
Ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển đó. Toàn cầu hóa đã mang lại cho các nước trên thế giới nhiều lợi ích khi tham gia vào một nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước đang phát triển, khi mở ra cơ hội đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, có thêm nhiều nguồn lực để giải quyết vấn đề nghèo đói, đem lại sự giao lưu và thịnh vượng. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa cũng bộc lộ những mặt trái, làm trầm trọng thêm các vấn đề cơ bản như đói nghèo, thất nghiệp và bất bình đẳng.
Tham gia vào nền kinh tế toàn cầu sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động có chuyên môn kỹ thuật, song cũng tạo ra nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm cho lao động phổ thông. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng lao động mất việc làm là do doanh nghiệp (DN) bị phá sản. Hầu hết các DN Việt Nam hiện nay là DN nhỏ và vừa, trình độ công nghệ lạc hậu, lao động thủ công… khả năng cạnh tranh kém. Vì thế, khi tham gia vào nền kinh tế thế giới, nguy cơ DN không đủ năng lực bị phá sản là rất lớn, dẫn đến tình trạng lao động bị thất nghiệp sẽ gia tăng. Hơn thế nữa, do áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, các DN sẽ sử dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Tình trạng này dẫn đến dư thừa lao động phổ thông, đẩy số lao động này vào tình trạng thất nghiệp, không có việc làm.
Chưa kể, sự chênh lệch về trình độ người lao động còn dẫn đến sự khác biệt về thu nhập. Xu hướng tiến đến một nền kinh tế dựa trên tri thức đã phân chia lực lượng lao động thành 2 nhóm, nhóm lao động có trình độ chuyên môn, có tay nghề cao và nhóm lao động phổ thông. Những lao động có trình độ chuyên môn, có tay nghề cao sẽ thích ứng được với đòi hỏi của công việc, có nhiều cơ hội kiếm việc làm được trả lương cao, trong khi những lao động phổ thông không có kỹ năng nghề nghiệp se khó có thể tìm được việc làm và nếu có việc làm thì chỉ được trả mức lương thấp.
Chính vì vậy, chính sách tín dụng vì người nghèo trong bối cảnh mới này đòi hỏi phải giải quyết cùng một lúc nhiều vấn đề, trong đó, phân bổ các nguồn lực để đào tạo nghề và kỹ năng làm việc cho người lao động là vấn đề được đặt lên hàng đầu.
Nghèo đói hiện nay không chỉ dừng lại ở nghèo về tiền tệ mà nghèo còn được nhìn nhận dưới cái nhìn đa chiều bao gồm: nghèo cả về trình độ giáo dục, điều kiện y tế, cơ hội tiếp cận các nguồn lực và do phân phối không công bằng những thành quả của tăng trưởng kinh tế cho các tầng lớp dân cư. Tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn để xây dựng khu công nghiệp làm cho người nông dân bị mất đất. Khi không có khả năng gia nhập thị trường lao động, người nông dân sẽ bị lâm tình trạng không biết làm gì để kiếm sống và rơi vào tình trạng nghèo đói. Đây chính là tình trạng nghèo phổ biến hiện nay ở khu vực nông thôn.
Ở khu vực thành thị, vấn đề người nghèo có nhiều điểm khác biệt so với vùng nông thôn. Thu nhập của lao động ở thành thị cao hơn nhưng lại không ổn định và không đủ sinh sống (chi phí sinh hoạt tại các thành phố đắt đỏ) thời gian gần đây, khi lượng người nghèo ở nông thôn giảm thì số người nghèo đô thị lại tăng lên khá nhanh. Người nghèo thành phố chính là nhóm dân cư bị "nghèo hóa" do quá trình đô thị hóa. Dòng người di cư rất đông từ các vùng nông thôn ra thành thị khiến tình hình nghèo đói đô thị khó giải quyết hơn.
Quan điểm hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo ở Việt Nam
Chính sách tín dụng có ý nghĩa rất lớn trong công tác giảm nghèo và có vai trò quan trọng đảm bảo cho công tác giảm nghèo bền vững thành công, tuy nhiên, để phát huy tốt chính sách này, trong thời gian tới cần quan tâm đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, đảm bảo sự công bằng cho người nghèo trong việc tiếp cận các nguồn lực và trong việc hưởng lợi từ các chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo. Bất bình đẳng cơ hội, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng thu nhâp có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Bất bình đẳng cơ hội là nguồn gốc của bất bình đẳng về kinh tế. Nguyên nhân chính của tình trạng nghèo đói và bất công bằng về thu nhập đối với người nghèo là do người nghèo không được tiếp cận một cách bình đẳng các cơ hội phát triển.
Khi các cá nhân đã được bình đẳng về cơ hội, thu nhập của họ sẽ do nỗ lực của bản thân quyết định thì sự chênh lệch về thu nhập giữa các cá nhân trong trường hợp này sẽ được coi là công bằng. Trong khi đó, công bằng theo kết quả lại xem xét đến sự chênh lệch này. Do xuất phát điểm của một số người là khác nhau, tùy thuộc vào những yếu tố về cá nhân con người (như thể lực, trí tuệ) thì dù có cơ hội tiếp cận các nguồn lực như nhau kết quả mang lại cũng không thể như nhau. Như vậy, công bằng theo kết quả là một sự bổ sung cho cách tiếp cận công bằng theo quá trình, tức là công bằng về cơ hội.
Công bằng về cơ hội xác lập được mối tương quan hợp lý giữa hưởng thụ với đóng góp, giữa quyền lợi với trách nhiệm. Hơn nữa, nó loại trừ sự phân phối bình quân song vẫn không tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các cá nhân khi cơ hội phát triển và tìm kiếm các thành quả kinh tế của mọi người là giống nhau. Công bằng về cơ hội chính là sự mở rộng cơ hội lựa chọn, do vậy cho phép các cá nhân khác nhau có thể thực hiện các lựa chọn khác nhau, phù hợp với sở thích, nguyện vọng và hoàn cảnh.
Thứ hai, chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo là công cụ khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường. Việc hoạch định và thực thi chính sách tín dụng vì người nghèo trong giai đoạn hiện nay phải đòi hỏi phải mang lại sự công bằng trong phân phối các cơ hội tiếp cận nguồn lực và công bằng trong phân phối nguồn lực nhằm giảm bớt khoảng cách chênh lệch giàu và nghèo, nâng cao thu nhập chính đáng của người giàu, người nghèo và của toàn xã hội. Để làm được điều đó, cần thiết phải có một hệ thống các giải pháp từ phía Nhà nước, từ các DN và các tổ chức xã hội nhằm giảm bất công bằng trong phân phối nguồn lực cho người nghèo.
Thứ ba, chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo là chính sách hỗ trợ cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Người nghèo muốn thoát nghèo bền vững đòi hỏi phải có những nguồn nội lực xuất phát từ chính bản thân họ như trình độ học vấn tốt, có kỹ năng nghề nghiệp, có sức khỏe tốt.
Thứ tư, chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo phải tương hợp với các chính sách kinh tế - xã hội khác. Chính sách tín dụng cho công tác giảm nghèo là trụ cột của chính sách giảm nghèo và là một trong những chính sách bộ phận của chính sách kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng, thực thi và đánh giá hiệu quả của chính sách không thể đặt riêng lẻ mà phải đặt trong mối quan hệ với các chính sách kinh tế - xã hội khác như chính sách tăng trưởng, chính sách tài chính - tiền tệ, chính sách giải quyết việc làm…
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội;
2. Ban Bí thư (2014), Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội;
3. UNDP, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (2018), Báo cáo về nghèo đa chiều ở Việt Nam;
4. Bộ Lao động Thương binh và xã hội (2012), Báo cáo điều tra mức sống và thu nhập dân cư năm 2012;
5. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, (2016, 2018), Kết quả điều tra mức sống và thu nhập dân cư năm 2014, 2016 NXB Lao động-Xã hội, Hà Nội;
6. Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 – 2017) thực hiện tín dụng chính sách xã hội;
7. Bùi Sỹ Lợi (2017), Tín dụng chính sách góp phần đưa Việt Nam dần thoát nghèo bền vững.