Một số giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững đối với các tỉnh miền Trung
Qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội, trong đó có xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tiễn tình trạng đói nghèo vẫn còn ở một số vùng, địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Duyên hải miền Trung và Tây nguyên đã trở thành thách thức đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Làm thế nào để xóa đói, giảm nghèo tại các khu vực này là vấn đề đặt ra. Bài viết tập trung nêu ra một số giải pháp trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở các tỉnh miền Trung hiện nay...
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, các ban ngành đối với sự hoạt động của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo (XĐGN) về hoạt động XĐGN bền vững (XĐGNBV). Theo đó, các nội dung cần quan tâm là: Hoàn thiện tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động điều hành đảm bảo có hiệu lực, hiệu quả XĐGN; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực tổ chức điều hành cho đội ngũ cán bộ. Cùng với đó, phân công bố trí cán bộ theo dõi, bám sát từng đơn vị cơ sở, bám sát thực tế từng địa bàn để nắm chắc được thực trạng đói, nghèo cũng như từng dự án, chương trình XĐGNBV để có giải pháp xử lý kịp thời theo đúng thẩm quyển khi có các tình huống và sai phạm xảy ra. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong thực tiễn điều hành XĐGNBV nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy và quy chế hoạt động điều hành.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt sự phối, kết hợp giữa Ban điều hành XĐGNBV của cơ sở với các ban, ngành trong hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội trong hoạt động xóa đói, giảm nghèo bền vững. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện mục tiêu XĐGNBV từ nay đến năm 2020, đòi hỏi Ban điều hành XĐGNBV các cấp cơ sở cần phối, kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội trong việc quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến từng cán bộ, đảng viên, người dân…
Trong quá trình tổ chức hoạt động XĐGNBV của các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, cần lồng ghép với các chương trình và vận động, khuyến khích đảng viên, đoàn viên, hội viên vươn lên làm giàu chính đáng. Đối với những đảng viên, đoàn viên, hội viên thuộc diện đói nghèo, nghèo, cần phải tuyên truyền giáo dục cho họ thấy rằng đói, nghèo là sự tổn thương, bất hạnh phải sớm thoát khỏi bằng sự tự lực, tự cường vươn lên của bản thân và gia đình họ là chính...
Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo
Để thực hiện mục tiêu cơ bản xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, không còn xã nghèo (theo chuẩn mới) ở các tỉnh miền Trung đến năm 2020, cần phải đẩy mạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế, gắn với đẩy mạnh XĐGNBV. Cụ thể là:
Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của cơ sở về điều kiện tự nhiên và lao động, tăng dần tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ trong GDP. Điều kiện tiên quyết để thực hiện nhiệm vụ là phải thu hút được đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, các nhà máy chế biến nông sản, dược liệu, chế biến lâm sản… xây dựng phát triển các trung tâm du lịch biển để tận dụng lợi thế tự nhiên và xã hội của từng vùng miền.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm ở vùng Tây Nguyên – cà phê, cao su, hồ tiêu, chè…. Vùng chuyên canh trồng cỏ để nuôi bò, vùng gò đồi, khô hạn, cằn cỗi có thể trồng những loại cây có thể thích nghi với vùng đất này như mít (khu vực bắc Trung bộ), trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi (Nghệ An, Hà tĩnh), trồng hoa để lấy tinh dầu (hoa hướng dương – Nghệ An). Vùng chuyên canh trồng dâu nuôi tằm ở các xã có diện tích bờ vãi đất phù sa ven sông Lam…
Thứ ba, phát triển mạnh kinh tế trạng trại, hình thành các trang trại, giá trị ở các xã miền núi chăn nuôi bán tự nhiên gia súc, gia cầm, trang trại trồng rừng, trồng cây ăn quả ở các xã có diện tích đồi núi lớn.
Thứ tư, duy trì, phát triển làng nghề truyền thống và làng nghề mới về những mặt hàng mà thị trường đang có nhu cầu như: làng nghề mây, tre đan, làng nghề trồng nấm thực phẩm và nấm dược liệu… để thu hút lao động, tạo việc làm cho lao động thuộc diện đói, nghèo không có khả năng tự lập sản xuất, có cơ chế ưu tiên và hỗ trợ phát triển những làng nghề truyền thống lâu đời nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng, quảng bá thương hiệu.
Thứ năm, miền Trung có 2 nguồn tài nguyên phong phú đó là môi trường và cảnh quan biển đảo đẹp, hấp dẫn, do vậy cần khai thác, phát triển du lịch biển đảo, phải coi đây là mũi nhọn kinh tế của khu vực này cả về quy mô, loại hình, lượng du khách và hiệu quả kinh tế - xã hội…
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tạo giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt, đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Để thực hiện điều này, các đơn vị chức năng của các tỉnh cần phải phối hợp với bộ phận khuyến nông, trung tâm khảo nghiệm, công ty giống cây vậy trồng, vậy nuôi của tỉnh và Trung ương, lựa chọn phương thức và cơ chế phù hợp.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp trên địa bàn nhằm nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động có tay nghề cao, đào tạo nghề gắn với hành nghề.
Cùng với việc thực hiện tốt các giải pháp trên, các tỉnh miền Trung cần tích cực triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chương trình, dự án của các tỉnh đã được xây dựng và phê duyệt; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng cho xã nghèo, vùng nghèo theo Quyết định số 135/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, cơ sở kết cấu hạ tầng nông thôn nói chung tại các tỉnh miền Trung còn yếu kém, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, làm trầm trọng thêm những khó khăn, trở ngại trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, yếu kém nhất vẫn là cơ sở kết cấu hạ tầng của các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, hải đảo. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 135/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn. Nhiều năm thực hiện Chương trình xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng cho các xã nghèo thuộc Chương trình 135 ở các tỉnh miền Trung đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn 2025, khối lượng công việc thuộc Chương trình 135 cần tiếp tục thực hiện ở các tỉnh miền Trung là rất lớn, nhất là các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, trong những năm tới, Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình và tăng mức đầu tư kinh phí hàng năm cho các xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, cơ sở kết cấu hạ tầng của các xã này sẽ sớm được cải thiện, mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng được đẩy nhanh tiến độ.
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2025, cần thu hút đầu tư để xây dựng các công trình trọng điểm sau:
- Đầu tư xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt như: Khu đô thị cửa khẩu quốc tế Na Mèo và thị trấn Quan Sơn, thị trấn Bến Sung, thị trấn Cành Nàng.
- Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 46 từ cầu Rộ đi Đô Lương.
- Tiếp tục đầu tư giai đoạn II tuyến từ Trung tâm huyện đi khu tái định cư thủy điện Bản Vẽ.
- Tiếp tục triển khai tuyến đường nối Quốc lộ 46 từ Võ Liệt đi Thanh Xuân với đường Hồ Chí Minh.
- Đầu tư xây dựng tuyến đường từ cầu Rộ nối Quốc lộ 46 với Quốc lộ 15A qua Ngọc Sơn với xã Nam Hưng, Nam Đàn.
- Thu hút đầu tư xây dựng tràn chống lũ Bích Hào.
- Thu hút đầu tư xây dựng thủy điện Thác Muối.
- Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển dân cư, thành lập thị trấn Rộ.
- Thu hút đầu tư đẩy nhanh phát triển khu thương mại dịch vụ, chợ đầu mối Thanh Thủy, khu thương mại Rộ đón đầu Cửa khẩu Thanh Thủy lưu thông.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng dân cư
XĐGNBV là một nội dung cơ bản, trọng yếu của an sinh xã hội, có tác động to lớn và tích cực góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an ninh và an toàn xã hội của đất nước; Đồng thời, là một nét đặc trưng thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, thể hiện năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư về XĐGNBV là việc làm cần thiết và hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, cần thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc tuyên tryền giáo dục cho mọi người nhận thức rõ lợi ích của XĐGNBV đối với những người thuộc diện đói, nghèo và những lợi ích phát sinh do XĐGNBV đem lại về kinh tế, về xã hội, về môi trường mà tất cả mọi người đều thụ hưởng, từ đó có tác dụng nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong hoạt động XĐGNBV.
Thực tế ở các tỉnh miền Trung cho thấy, phần lớn người dân đói, nghèo là do trình độ nhận thức, học vấn và tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát khỏi đói, nghèo nhìn chung đều hạn chế. Do đó, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kiến thức, kỹ năng làm ăn cho những người thuộc diện đói, nghèo thông qua lồng ghép các dự án XĐGNBV, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công cho những người này, để họ có ý thức tự lực, tự cường và có điều kiện tự vươn lên thoát khỏi đói, nghèo bền vững là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư.
Thông qua các công tác tuyên truyền, giáo dục giúp những người thuộc diện, đói nghèo biết tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước, hướng dẫn cho họ biết xây dựng kế hoạch, biết khai thác các điều kiện được hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả theo các chương trình tín dụng ưu đãi, tham gia học nghề, xuất khẩu lao động…
Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, tiến bộ trong công tác tuyên truyền giáo dục về XĐGNBV nhờ đó nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước đã được quán triệt nên nhiều cuộc vận động XĐGN và những “ngày vì người nghèo” đã được các cấp các ngành trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, các địa phương trong huyện hưởng ứng, tích cực ủng hộ, giúp đỡ những người thuộc diện đói, nghèo dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho họ, khuyến khích động viên họ vươn lên trong cuộc sống, từng bước thoát khỏi đói, nghèo vững chắc. Tuy vậy, ở một số nơi, chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế, nên xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm, mất dân chủ và thiếu công bằng, chính xác trong bình xét hộ đói, nghèo. Chế độ chính sách ưu đãi đối với hộ đói, hộ nghèo đem chia bình quân. Thậm chí, có nơi còn bớt lại để làm quỹ, tạo nên sự phản ứng, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục dưới nhiều hình thức, gắn với việc đề cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động XĐGN và nâng cao nhận thức, tinh thần tự lực, tự cường của các hộ đói, nghèo là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyển, của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, trực tiếp là ban XĐGNBV và hệ thống chính trị các tổ chức xã hội cơ sở.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Đức An, Xóa đói giảm nghèo khu vực Duyên Hải miền Trung, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội;
2. Côngtác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam, http://www.vn.undp.org/content/vietnam/vi/home/ourwork/povertyreduction/successstories/poverty_reduction_story.html;
3. Về thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, http://molisa.gov.vn/vi/Pages/chitiettin.aspx?IDNews=29013;
4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm hộ nghèo, https://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/37444502-thuc-hien-dong-bo-cac-giai-phap-giam-ho-ngheo.html;
5. Miền Trung phải tự vươn lên trong cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo, làm giàu!, http://baodansinh.vn/mien-trung-phai-tu-vuon-len-trong-cuoc-cach-mang-xoa-doi-giam-ngheo-lam-giau-d90852.html.