Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách thuế bảo vệ môi trường và định hướng cải cách

Đào Thanh Phương- Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí (Bộ Tài chính)

Cải cách thuế bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ, yêu cầu được đặt ra trong Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030 nhằm đưa chính sách thuế bảo vệ môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế và điều chỉnh, hoàn thiện thuế bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng như phù hợp với những thay đổi căn bản trong từng giai đoạn thực tiễn của nền kinh tế. Dựa trên việc phân tích các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chính sách thuế bảo vệ môi trường, bài viết đề xuất định hướng cải cách thuế bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách thuế bảo vệ môi trường

Theo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), thuế BVMT là một trong những công cụ kinh tế cho công tác BVMT. Việc thu thuế BVMT nhằm mục tiêu đánh thuế vào các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để hạn chế việc tiêu dùng, sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm, hàng hóa này, từ đó góp phần góp phần nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội.

Theo đó, thuế BVMT được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng, tiêu dùng những sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường thì phải có nghĩa vụ đóng góp một phần tài chính cho ngân sách nhà nước (thuế) để có nguồn lực nhằm khắc phục phần nào hậu quả gây ô nhiễm môi trường do hành vi sử dụng, tiêu dùng của mình gây ra.

Xuất phát từ mục tiêu, nguyên tắc thu thuế BVMT nêu trên, chính sách thuế BVMT sẽ chịu tác động bởi một số yếu tố cơ bản sau:

Yếu tố về bảo vệ môi trường

BVMT là mục tiêu chính của chính sách thuế BVMT. Do đó, yếu tố BVMT có tác động lớn đến thuế BVMT thể hiện trong việc quyết định cần đánh thuế hay không đánh thuế BVMT đối với những sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và mức độ gây tác động xấu đến môi trường của các sản phẩm, hàng hóa là cơ sở, căn cứ để tính toán mức thuế BVMT tương ứng với mức độ bù đắp ô nhiễm môi trường.

Hiện trạng môi trường xuống cấp là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Môi trường càng bị ô nhiễm thì đặt ra yêu cầu cần phải tăng cường hơn nữa sự quản lý của Nhà nước trong việc BVMT, trong đó, việc đánh thuế BVMT là một trong những công cụ kinh tế luôn được nhà nước lựa chọn. Thuế BVMT cần hướng tới đánh thuế đối với những sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu cho môi trường và mức đánh thuế cần được tính toán để phù hợp với mức độ gây ô nhiễm đến môi trường của sản phẩm, hàng hóa đó.

Yếu tố về phát triển kinh tế

Đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu được Nhà nước, Chính phủ ưu tiên chú trọng nhiều hơn. Do xuất phát điểm từ nền kinh tế thấp, điều kiện, nguồn lực kinh tế đất nước ta còn hạn chế nên khó có sự phát triển kinh tế cao cùng với BVMT tốt. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế càng cao thì việc ưu tiên cho các mục tiêu khác như BVMT sẽ thấp hơn. Khi đó, việc thu thuế BVMT sẽ phải cân nhắc trong việc lựa chọn giữa đối tượng đưa vào đánh thuế và mức độ đánh thuế để không ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng, điều chỉnh chính sách thuế BVMT thời gian qua chịu ảnh hưởng bởi yếu tố phát triển kinh tế, đó là: Khi xây dựng Luật thuế BVMT, một trong những yếu tố để lựa chọn 08 nhóm sản phẩm, hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế cũng như mức thuế BVMT là dựa trên cơ sở cân nhắc đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển kinh tế Việt Nam, với khả năng tài chính của người nộp thuế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài ra, tại điểm a khoản 2 Điều 8 Luật Thuế BVMT đã quy định rõ một trong những nguyên tắc quy định mức thuế cụ thể là phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Theo đó, việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thời gian qua chính là minh chứng cho việc chính sách thuế BVMT chịu tác động bởi yếu tố thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển nền kinh tế.

Như vậy, song song với mục tiêu BVMT thì mục tiêu phát triển kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng có tác động đến việc hoạch định thuế BVMT.

Yếu tố quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước

Thuế là công cụ tài chính của Nhà nước để điều tiết đối với kinh tế - xã hội. Do đó, mọi chính sách thuế, trong đó có thuế BVMT khi xây dựng đều phải đảm bảo phù hợp và bám sát với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có thể nói, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước chính là kim chỉ nam trong việc xây dựng, hoạch định chính sách thuế BVMT.

Yếu tố nhận thức của con người

Người sử dụng, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường là chủ thể chính mà thuế BVMT hướng đến để nhằm thay đổi hành vi của họ. Tuy nhiên, mục tiêu này của thuế BVMT có đạt được hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, hành vi, mức độ tuân thủ pháp luật của người dân.

Nhận thức của con người và chính sách thuế BVMT có tính tác động 2 chiều: Thuế BVMT tác động đến điều chỉnh hành vi của người sử dụng sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về BVMT; Ngược lại, nhận thức của người dân cũng quyết định đến hiệu quả của chính sách thuế BVMT (nếu mức độ tuân thủ pháp luật, ý thức về BVMT của người dân cao thì việc thực hiện thuế BVMT sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn).

Bên cạnh những yếu tố nêu trên, thuế BVMT còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như: Các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về vấn đề thuế đối với BVMT, hệ thống pháp luật về BVMT...

Chủ trương, quan điểm của Nhà nước liên quan đến cải cách thuế bảo vệ môi trường giai đoạn tới

Cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế được xác định là một trong những nội dung quan trọng trong nhiều văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, Luật Thuế BVMT ra đời năm 2010 là một sắc thuế mới để hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của nước ta đến năm 2010. Tuy nhiên, từ khi ban hành đến nay, Luật Thuế BVMT vẫn chưa điều chỉnh hay sửa đổi. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, để đáp ứng với tình hình mới của đất nước, vấn đề cải cách thuế BVMT đã được đặt ra và thể hiện trọng tâm tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, cụ thể:

Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trong đó khẳng định: “Hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện, đồng bộ, cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước đảm bảo tính bền vững, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng: mở rộng cơ sở thuế; huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, công bằng, trung lập của chính sách thuế; đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Các chính sách thuế chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính nhất quán về hiệu lực pháp lý giữa các luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan. Mục tiêu đặt ra đối với cải cách chính sách thuế chung là “hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 ”.

Từ đó, yêu cầu đặt ra đối với định hướng cải cách thuế BVMT giai đoạn 2021-2030 như sau: “nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu để điều chỉnh khung và mức thuế BVMT nhằm đảm bảo chính sách thuế BVMT là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm môi trường”.

Ngoài ra, vấn đề hoàn thiện pháp luật thuế BVMT cũng được thể hiện tại một số văn bản chỉ đạo như: Tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 có nêu nhiệm vụ: “sử dụng các công cụ thuế, phí để điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý, có hại cho sức khỏe, văn hóa và môi trường”.

Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, trong đó có thực hiện “rà soát, hoàn thiện các loại thuế, phí... môi trường”.

Khuyến nghị thực hiện cải cách thuế bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới

Trong xu thế hội nhập, đổi mới, phát triển mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước đã lựa chọn chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2012 - 2030 theo hướng nhanh và bền vững, trong đó có đặt vấn đề phát triển bền vững về kinh tế và môi trường. Trong bối cảnh điều kiện, nguồn lực nước ta còn nhiều khó khăn, hạn chế thì vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển bền vững về kinh tế và môi trường là một thách thức trong cải cách thuế BVMT trong giai đoạn tới. Do vậy, trong thời gian tới, việc thực hiện cải cách thuế BVMT cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với BVMT; bám sát các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, việc cải cách thuế BVMT trong thời gian tới cần tập trung xem xét, nghiên cứu hoàn thiện đối tượng chịu thuế BVMT để đảm bảo tính bao quát, công bằng, rõ ràng và phù hợp với thực tế (rà soát, sửa đổi các sản phẩm, hàng hóa thuộc đội tượng chịu thuế hiện hành; bổ sung những sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường); Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh khung và mức thuế BVMT đảm bảo phù hợp với điều kiện của nền kinh tế.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực BVMT, trong đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đánh giá, điều chỉnh về đối tượng chịu thuế BVMT và xác định khung, mức thuế BVMT. Các bộ, ngành trong phạm vi lĩnh vực chuyên môn thực hiện rà soát pháp luật về BVMT, trong đó có lĩnh vực thuế BVMT để kịp thời điều chỉnh đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các quốc gia có kinh nghiệm tốt về thuế đối với môi trường. Chủ động, tích cực, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ, thông lệ quốc tế; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước để vận dụng vào thực tiễn nước ta.

Thứ tư, bảo đảm các điều kiện vật chất trong hoạt động cải cách thuế BVMT: Thuế BVMT là sắc thuế đánh vào sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Do đó, để có cơ sở đánh thuế, cần sự đánh giá về mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm, hàng hóa từ các nhà khoa học, chuyên gia, các cơ quan chuyên môn về BVMT. Muốn làm được điều này đòi hỏi cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thỏa đáng cho công tác đánh giá mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm, hàng hóa cũng như thực hiện xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế BVMT. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực xây dựng, thực hiện pháp luật về thuế BVMT để góp phần nâng cao hiệu quả công tác ban hành pháp luật về thuế BVMT.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật BVMT;
  2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê quyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;
  3. Chính phủ, Báo cáo số 83/BC-CP ngày 22/3/2021 về công tác BVMT năm 2020,
  4. Bộ Tài chính, Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật thuế BVMT.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2023