Giám đốc WEF châu Á Justin Wood:
Cách mạng Công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trẻ lại là thách thức của Việt Nam
Lực lượng lao động đông đảo và giá nhân công rẻ từng là thế mạnh của Việt Nam trong vài thập niên qua nhưng nó lại là trở lực trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Lợi thế hóa thành trở lực
Nhắc đến những thách thức lớn nhất với Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Giám đốc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực châu Á Justin Wood cho rằng đó chính là lực lượng lao động. Đây là điều mà không chỉ Việt Nam mà các nước ASEAN khác cũng như cả thế giới đang phải đối mặt.
Việt Nam vẫn được coi là quốc gia có lực lượng lao động trẻ và đang trong giai đoạn tăng trưởng. Theo các số liệu, lực lượng lao động Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong 15 năm tới. Quá trình gia tăng lao động diễn ra đồng thời quãng thời gian CMCN 4.0 bùng nổ. Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, lần này, cơ hội không còn nằm trong tay các quốc gia có lực lượng lao động trẻ và rẻ.
"CMCN 4.0 đặt ra rất nhiều thách thức đối với vấn đề việc làm, nhất là khi lực lượng lao động truyền thống với những đòi hỏi thấp sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và robot hóa. Công việc của họ trên các dây chuyền sản xuất, vốn có tính lặp đi lặp lại cao, sẽ bị thay thế. Các phương tiện tự hành cũng xuất hiện nhiều hơn. Đây là thách thức lớn nhất", ông Wood nhấn mạnh.
Trong bối cảnh này, những gì từng được coi là lợi thế của Việt Nam sẽ biến thành trở lực. Trước đây, Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động rẻ, có thể cạnh tranh với nhiều nước khác. Tuy nhiên, việc phát triển lực lượng lao động lại không có tác động tích cực tới nền kinh tế, không mang lại sức tăng trưởng mạnh mẽ.
"Để nắm bắt những cơ hội của cuộc CMCN 4.0, Chính phủ Việt Nam sẽ phải tập trung đầu tư vào các hoạt động như giáo dục, nâng cao chất lượng lao động và áp dụng những đổi mới công nghệ vào phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng", ông Wood khẳng định.
Bên cạnh chỉ ra những thách thức với Việt Nam và ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0, ông Wood cũng có những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế của khu vực.
"Nếu bạn nhìn vào hiện tại, triển vọng kinh tế của Việt Nam là rất tươi sáng với mức tăng trưởng là 7% cùng với lạm phát đã giảm và ổn định. Các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường Việt Nam ngày càng tăng, giá trị thương mại và xuất khẩu cũng tăng, tỷ lệ các hộ nghèo giảm. Và theo tôi, triển vọng này cũng tương tự đối với khu vực ASEAN nói chung, khu vực đang trở thành thị trường rất hấp dẫn đối với thế giới hiện nay với rất nhiều cơ hội phát triển", ông Wood nói.
WEF sát cánh cùng Việt Nam giải quyết thách thức
Việt Nam và WEF bắt đầu hợp tác từ năm 1989 và đã cùng nhau tổ chức nhiều sự kiện quan trọng mang tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Theo đó WEF hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia CMCN 4.0.
Chia sẻ về mối quan hệ giữa Việt Nam và WEF, ông Wood nhấn mạnh: "Mối quan hệ giữa WEF và chính phủ Việt Nam được xây dựng dựa trên sự tin tưởng. Vì vậy, chúng tôi đã làm việc với các bộ, ban, ngành để phát triển những ý tưởng về sự đột phá công nghệ và các cơ quan chính phủ nên tận dụng lợi thế của Việt Nam như thế nào đối với những đổi mới công nghệ".
Phía WEF cũng đang có rất nhiều kế hoạch để phát triển mối quan hệ với Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung. Một trong số đó là xây dựng kế hoạch phát triển nền kinh tế trong tương lai, làm việc với các Bộ về kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
WEF đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về các kế hoạch tăng sản lượng nông nghiệp, giúp nông dân tiếp cận với những đổi mới về công nghệ.
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho sự kiện lần này, ông Wood đưa ra những con số có thể nói lên nhiều điều: "Chúng tôi đã nhận được sự đồng ý từ chính phủ Việt Nam từ 18 tháng trước. Dù chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng lại mất đến cả 1 năm để chuẩn bị. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam cùng sự tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận diễn ra một cách thuận lợi".
Cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ với start-up Việt
Theo ông Wood, Cách mạng Công nghiệp 4.0 không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với các start-up Việt. Ở thời điểm hiện tại, cạnh tranh giữa các start-up đang diễn ra khắc nghiệt hơn bao giờ hết và những người không thể thắng trong cuộc chiến này chắc chắn sẽ bị đào thải.
"Tại sự kiện lần này, chúng tôi đã mời một số start-up nổi bật tham gia vào các cuộc đối thoại và thảo luận. Hiện nay, sự cạnh tranh diễn ra rất khắc nghiệt và các start-up Việt Nam cần có nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển cũng như cải thiện", ông Wood nói.
Theo vị Giám đốc WEF khu vực châu Á, điều các start-up Việt Nam vẫn còn thiếu là được tạo điều kiện để thực hiện những sáng kiến. Phần lớn họ đều gặp những khó khăn, thách thức hay những yếu tố thuận lợi khi đưa ý tưởng của mình trở thành những doanh nghiệp thành công.
"Rõ ràng, Việt Nam không được cho điểm cao trong phần này. Tôi nghĩ rằng, đây chính là lĩnh vực chính phủ Việt Nam cần dành nhiều sự quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cũng như start-up hiện thực hoá các ý tưởng của họ", ông Wood nhấn mạnh.
WEF ASEAN 2018 sẽ có sự tham dự của tổng cộng cộng 80 start-up nổi bật của ASEAN, trong đó có rất nhiều start-up Việt Nam. Ông Wood kỳ vọng sự kiện này sẽ mang đến nhiều cơ hội cho họ trong việc kết nối và thành lập các doanh nghiệp của mình. Đây chính là cơ hội rộng mở dành cho các cơ hội, ý tưởng mới.
"Rất nhiều start-up của ASEAN mới chỉ hoạt động ở quy mô quốc gia và ở thị trường quốc gia, nên tôi mong rằng, sau sự kiện này, họ sẽ có thể kết nối, phát triển rộng hơn ra khỏi quy mô quốc gia hay khu vực ASEAN và gặp được những nhà đầu tư phù hợp để có nhiều cơ hội phát triển hơn", ông Wood nói về triển vọng phát triển mà các công ty khởi nghiệp có thể tranh thủ ở WEF ASEAN 2018, với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0".