Cách nào "hạ nhiệt" phí logistics?

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Chi phí logistics quá cao đang là chủ đề nóng kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Dù vấn đề này đã bàn nhiều năm nay, nhưng kết quả vẫn không kéo giảm được loại phí mà vốn dĩ không có tác động của dịch Covid - 19 thì nó vẫn rất cao. Liệu rằng bài toán này có sớm được giải quyết trong thời gian tới nếu doanh nghiệp và Nhà nước cùng hành động quyết liệt?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng trong thời gian tới hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn, bởi chi phí đầu vào logistics tăng cao. Đây sẽ áp lực lớn với các doanh nghiệp trong bối cảnh giá nguyên liệu hàng hóa cũng đang cao.

Nhiều nguyên nhân khiến phí logistics cao

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cũng phản ánh, hiện nay hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Số lượng kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT cho rằng, Bộ Công Thương cần phải có ý kiến để các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu... hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản thực phẩm cần có chế độ bảo quản đặc biệt.

Trong khi đó về phía các doanh nghiệp logistics, ông Đào Trong Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động vận chuyển hàng hóa. Dịch Covid-19 làm đứt gẫy chuỗi cung, ảnh hưởng toàn bộ hoạt động của ngành logistics.

Trong giai đoạn vừa qua, việc tắc nghẽn vận tải đường biển, cắt giảm dịch vụ hàng không, chênh lệch cung tải - nguồn hàng dẫn tới giá cả dịch vụ tăng lên. Chi phí vận tải đường biển, hàng không tăng 2-3 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.

Trong bối cảnh đó, ông Khoa cho rằng dịch vụ hàng không trở thành "cứu cánh" vận chuyển. Đó là việc hãng hàng không chủ động dùng tàu bay chở hành khách để vận chuyển hàng hóa. Đây là giải pháp thể hiện sự năng động của doanh nghiệp. 

"Bản thân doanh nghiệp logistics cũng ý thức được việc phải chủ động, liên kết với nhau để đưa ra giải pháp hỗ trợ kéo giảm chi phí logistics. Chẳng hạn, trong vận tải xuyên biên giới, doanh nghiệp logistics Việt Nam đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, làm việc thường xuyên với đối tác để giải phóng hàng nhanh hơn", ông Khoa phân trần về nỗ lực của doanh nghiệp logistics trong việc kéo giảm chi phí.

Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Giao nhận vận tải quốc tế Lacco cũng thừa nhận, những khó khăn của doanh nghiệp trong ngành logistics đang gặp phải như quy mô nhỏ nên khó tiếp cận các hợp đồng trực tiếp với các công ty FDI. Các doanh nghiệp phải làm thầu phụ cho các công ty nước ngoài, làm những việc khó và lợi nhuận thấp.

Bên cạnh đó, giá cước vận tải quốc tế (cước đường biển và cước hàng không) nằm "trong tay" của các hãng vận chuyển lớn của nước ngoài nên giá biến động không ổn định, dẫn đến việc khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ logistics dài hạn cho đối tác.

Đáng lo ngại, đại diện Lacco cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam không cạnh tranh bằng chất lượng, dịch vụ mà cạnh tranh bằng phá giá và quan hệ sâu. Nhân sự có trình độ và đào tạo cho ngành logistics vẫn còn thiếu và yếu.

Một số ngành hàng còn chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều bộ ngành. Chi phí cơ sở hạ tầng và phí BOT cao. Đây đang là những bất cập khiến logistics Việt Nam kém sức cạnh tranh. 

Có thể giảm xuống từ 10-15%?

Trước những khó khăn này, đại diện Lacco kiến nghị các cơ quan nhà nước cần có sự đồng bộ thông tin từ thuế, hải quan, bảo hiểm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, giấy phép chuyên ngành... giảm thiểu việc in ấn giấy tờ hồ sơ cho doanh nghiệp.

Về cơ sở hạ tầng ngành logistics, đại diện Lacco đánh giá, hiện nay Nhà nước đã đầu tư về cơ sở hạ tầng vận tải như đường cao tốc, kho bãi logistics tập trung nhưng chi phí vẫn cao. Một số chi cục hải quan và trung tâm logistics có vị trí tốt nhưng lại bị vướng đường cấm, giờ cấm dẫn đến phát sinh chi phí. Do vậy, cần có ưu tiên về thời gian vận chuyển cho các tuyến đường nối vào trung tâm logistics trong thành phố.

Trong khi đó, ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) nêu quan điểm, nhiều người nói chi phí logistics Việt Nam cao so với thế giới thì có lẽ chưa công bằng vì chúng ta không thể đánh đồng chi phí logistics của hàng nông sản, đồ gỗ... với chi phí vận chuyển điện thoại.

"Chúng ta không thể so sánh chi phí vận chuyển một tấn gạo với điện thoại, vì vậy cần so sánh chi phí logistics ở từng ngành, từng dịch vụ cụ thể", ông Hưng nhấn mạnh và nói rằng có như vậy mới thấy rõ chi phí logistics cao là vì đâu, bất cập chỗ nào.

Mặt khác, ông Hưng cho rằng hạ tầng logistics ở Việt Nam rất không đồng bộ. Đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu, trong khi các nước trên thế giới là đường sắt và đường thủy, nên giúp chi phí logistics của họ thấp hơn.

Vì vậy, theo ông Đỗ Huy Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog, chi phí là bài toán muôn thủa với doanh nghiệp, không thể ngày hôm nay hay ngày mai mà có thể giải quyết được, mà cần khả năng thích ứng, liên kết với nhau để kéo giảm được chi phí logistics.

Theo ông Bình, dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những điểm yếu của ngành logistics Việt Nam. Covid-19 làm cho doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, mọi người tương tác với nhau nhanh chóng nên cần mô hình điều hành mới, công nghệ vận hành mới. 

Đặc biệt, ông Bình cho rằng, câu chuyện tiết kiệm chi phí logistics xuất phát từ yếu tố: hoạch định của các doanh nghiệp sản xuất, chủ hàng cùng với doanh nghiệp logistics, cộng với sự ứng dụng công nghệ thì có thể chi phí logistics của Việt Nam sẽ giảm từ 10-15% so với hiện nay.

"Nhưng quan trọng là sự cộng tác giữa các doanh nghiệp, chứ không phải mỗi doanh nghiệp vận hành một kiểu như hiện nay", ông Bình nhấn mạnh.