Cách nào tiếp cận hỗ trợ lãi vay?

Theo Hà Anh/diendandoanhnghiep.vn

Không chỉ đồng tình, thậm chí còn đề nghị tăng quy mô của gói hỗ trợ lãi suất, song theo các chuyên gia, cần có một cơ chế đặc biệt để doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đã yêu cầu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay trong Kỳ họp tháng 10 tới đây các giải pháp về cấp bù lãi suất.

Cần cơ chế đặc biệt

Thời gian qua, các ngân hàng đã phải tiết giảm tối đa chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện biên lãi ròng của các nhà băng đã giảm mạnh, vì vậy muốn giảm thêm lãi vay, cần giảm lãi suất huy động. Thế nhưng, điều này không những “động chạm” tới lợi ích của người gửi tiền mà còn có thể khiến dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ.

Bởi vậy, cấp bù lãi suất là cần thiết. Thậm chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh còn đề nghị nâng quy mô của gói này, bởi với quy mô dự kiến 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất, sẽ chỉ có khoảng 100.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi được “bơm” ra. Bên cạnh đó, để hỗ trợ lãi suất phát huy hiệu quả thì doanh nghiệp phải tiếp cận được tín dụng. Tuy nhiên, nếu chiểu theo Luật các TCTD thì rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Vì vậy, cần có một cơ chế đặc biệt.

Hỗ trợ như thế nào?

Tuy nhiên, không ít ý kiến lại tỏ ra băn khoăn về “hình hài” của “cơ chế đặc biệt” này.

Thứ nhất, Luật các TCTD quy định rõ, khách hàng phải chứng minh khả năng tài chính của mình và bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cấp tín dụng. Điều đó có nghĩa, những doanh nghiệp không có doanh thu, đặc biệt có nợ quá hạn, sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng. Vì vậy, cần phải sửa Luật hoặc có một văn bản pháp lý cao hơn Luật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không nên sửa luật để xử lý một vấn đề tình thế.

Thứ hai, việc chỉnh sửa các quy định để doanh nghiệp có thể tiếp cận “đại trà” với gói hỗ trợ này, cũng đồng nghĩa rủi ro nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng cao. Nguy hiểm hơn là nợ có nguy cơ mất vốn tăng có thể gây mất an toàn hệ thống. Vì vậy, “cơ chế đặc biệt” không chỉ cần giải quyết các vấn đề về tiêu chuẩn cho vay, mà còn phải tính tới rủi ro nợ xấu để có phương án xử lý.

Một rủi ro nữa là gói hỗ trợ lãi suất này có thể đẩy tín dụng tăng nhanh, nên nếu không có giải pháp để kiểm soát, có thể tạo sức ép lớn đến lạm phát, tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn vĩ mô (gói hỗ trợ lãi suất năm 2009 đã đẩy lạm phát lên tới 18,12% trong năm 2011).

Một chuyên gia cho rằng có thể vận dụng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, trong đó có quy định trường hợp khoanh nợ khi có thiên tai dịch bệnh. Có như vậy, doanh nghiệp mới tiếp cận được gói hỗ trợ này.