Cải cách chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế


Là chủ đề chính của Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019 do Bộ Tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) tổ chức ngày 19/9/2019 tại Quảng Ninh với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác kỹ thuật của Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam. Đây là diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019.

Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế là xu hướng, mục tiêu và được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước xuyên suốt, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Tháng 10/2011, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI đã đặt ra yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Tiếp đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có chủ trương quan trọng là: “Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm”.

Cùng đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 trong đó yêu cầu từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tích cực tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Chính phủ thông qua Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, đồng thời quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định còn nhiều khó khăn, thách thức, dự báo trong 5-10 năm tới kinh tế có dấu hiệu suy giảm. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước cũng chịu những tác động. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu về đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền tài chính quốc gia, nhờ đó, nhờ đó GDP đạt mức tăng trưởng trung bình 6,35% cho giai đoạn 5 năm qua.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt nam vẫn đối mặt với không ít thách thức, khó khăn, trong đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, lợi thế hiện nay của Việt Nam là dân số vàng và tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở nguồn vốn, tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2028-2030 sẽ không còn mô hình này nữa, trong bối cảnh đó, việc cải cách chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị tại diễn đàn này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng đánh giá lại thực trạng hiện nay của chính sách tài chính của Việt Nam trong đóng góp cho tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế, từ đó chỉ ra được những thách thức tồn tại của chính sách đó, cụ thể cần tập trung những vấn đề sau:

Thứ nhất, đóng góp về chính sách động viên, nâng cao quản trị hiệu quả của tài chính công; giải pháp để chặn đứng tình trạng kém hiệu quả, lãng phí của quản lý sử dụng đầu tư công, tài chính công; đổi mới thể chế chính sách để thúc đẩy dịch vụ công quan trọng cho cộng đồng dân cư và nền kinh tế; chính sách liên quan đến phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, cần có những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân, với yêu cầu khu vực này không chỉ đóng góp 10% trong GDP mà phải từ 20-25%. Đồng thời, phấn đấu trong 10 năm tới, có 6-10 doanh nghiệp tư nhân trong Top 500 của thế giới. Có như vậy, mới đưa khu vực doanh nghiệp tư nhân trở thành trụ cột, đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Thứ ba, cần có đánh giá để sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính công, đẩy mạnh đổi mới sắp xếp lại DNNN, vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, việc sắp xếp lại, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa thực chất, số lượng doanh nghiệp sắp xếp lại giảm rất lớn lên đến 90%, nhưng số lượng quy mô vốn thoái mới được 10%.

Thứ tư, mục tiêu phát triển thị trường vốn, phải giải quyết các vấn đề bất cập, như: Thị trường chứng khoán dường như phát triển khá nhưng trái phiếu doanh nghiệp dường như quá nhỏ bé, trên 9% so với GDP, nhỏ so với dư nợ tín dụng 132%...; Huy động nguồn lực của kinh tế tư nhân trong hợp tác công tư, đầu tư phát triển hạ tầng đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều tồn tại...

Thứ năm, chúng ta đang sống trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, vậy giải pháp về tài chính- ngân sách phải làm gì để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này, những đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng ngân sách đầu tư cho giáo dục; sử dụng nguồn lực của xã hội để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo...

Thứ sáu, còn nhiều quan điểm đưa ra về tăng trưởng, vậy giải pháp về tài chính - ngân sách phải sửa đổi những nội dung gì để thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn, cần có quy hoạch như thế nào phù hợp với chiến lược phát triển để đưa đô thị thực sự trở thành động lực trong 10 năm tới.

Thứ bảy, cơ chế chính sách tài chính – ngân sách phải thay đổi gì để góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở thay đổi cơ cấu lại nền kinh tế.

"Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019 sẽ là động lực quan trọng để tiếp tục mở rộng không gian khoa học của ngành Tài chính, tạo tiền đề cho những sáng kiến mới về các vấn đề về kinh tế - tài chính lớn của quốc gia", Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại sự kiện này, ông Sebastian Paust - Tham tán thứ nhất, Trưởng Bộ phận Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đánh giá cao những vấn đề mà Bộ Tài chính Việt Nam đang hướng tới, qua đó cũng cho thấy tầm quan trọng của chính sách tài chính đối với phát triển kinh tế nói chung và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nói riêng.

Đối với Việt Nam, ông Sebastian Paust cho rằng, ngân sách nhà nước cần phải đảm bảo được nguyên tắc cân bằng và "tránh câu chuyện làm tăng các khoản vay". Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này thông qua việc đưa ra các chính sách tài chính để cân bằng. Tuy nhiên, các chính sách này cần phải giảm bớt các khoản nợ nhưng không làm ảnh hưởng, hoặc làm giảm các khoản đầu tư của Chính phủ đối với các vùng, các dự án cần đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nợ công cũng cần được xem xét ở mức nào cho hợp lý, đưa ra chính sách phù hợp, theo hướng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững trong tương lai...

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2019 quy tụ khoảng 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo cơ quan trung ương; các bộ, ngành; các tổ chức quốc tế (Cơ quan hợp tác kỹ thuật của Đức, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc, Quỹ Nhi đồng trẻ em tại Việt Nam…); các cơ quan nghiên cứu, viện khoa học và trường đại học; các chuyên gia, nhà khoa học; khối doanh nghiệp... Tại diễn đàn này, các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, các quan điểm để hình thành một hệ thống các luận cứ khoa học cho việc đề xuất, kiến nghị các giải pháp cải cách chính sách tài chính mang tính đột phá nhằm tìm kiếm động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam trong các chính sách tài chính, hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Diễn đàn diễn ra hai phiên thảo luận, gồm: Phiên 1 - Cải cách chính sách tài chính đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam do GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính điều hành và Phiên 2 - Cải cách chính sách tài chính thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam do GS., TS. Sử Đình Thành – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh điều hành.