Cải cách chính sách tiền lương: Phải để thị trường tự quyết định
Chính sách tiền lương khu vực nhà nước sẽ còn bất cập nếu tiếp tục áp dụng cơ chế tiền lương theo hệ số, công chức, viên chức lương không đủ sống, người tài đi hết, nhũng nhiễu, tham nhũng sẽ vẫn tái diễn.
Đây là những bất cập chính trong chính sách tiền lương hiện hành được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo Thực trạng chính sách tiền lương và giải pháp cải cách, do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.
“Chi cho tiền lương là chi tiêu trực tiếp phục vụ người lao động, cũng chính là nguồn chi cho phát triển. Thế nhưng, tiền lương hiện hành của khối công chức, viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp cũng như khu vực doanh nghiệp quốc doanh đang rất bất cập khi thấp hơn khá nhiều so với mức tiền lương chung của thị trường, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai nhận định. Theo bà Mai, tiền lương tối thiểu hiện hành quá thấp so với nhu cầu sống tổi thiểu, hệ số tiền lương cũng được chia quá nhỏ và phức tạp, trong khi lại có tới 17 loại phụ cấp các loại, có loại bằng tới 70, thậm chí 100% tiền lương thực lĩnh của người lao động.
“Tiền lương thấp nên ngành nào cũng ‘xin’ áp dụng cơ chế đặc thù để được hưởng trợ cấp, phụ cấp, nếu có rồi lại muốn tăng thêm”, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói thêm. Theo ông Thăng, cần phải áp dụng cơ chế tiền lương tối thiểu chung cho cả khu vực nhà nước lẫn ngoài nhà nước, vì người lao động ở khu vực nào cũng giống nhau, đều có nhu cầu sống như nhau. Tuy nhiên, hiện chưa thể ngay một lúc tăng tiền lương tối thiểu khu vực nhà nước ngang bằng với khu vực ngoài quốc doanh, do phải phụ thuộc vào cân đối nguồn thu ngân sách.
Còn theo Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), dù liên tục từ năm 2004 đến nay, lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp quốc doanh đã liên tục được điều chỉnh hàng năm, nhưng mới chỉ hỗ trợ cho người lao động đối phó với trượt giá, hoàn toàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
“Rổ hàng hóa để tính mức sống tối thiểu hiện vẫn được áp dụng giống như quy định từ năm 1985, hoàn toàn xa vời so với nhu cầu cuộc sống hiện tại”, ông Hào nhận xét. Ngoài ra, hệ thống thang, bảng lương quá phức tạp và cứng nhắc, được xây dựng theo mô hình của Liên Xô (cũ), các hệ số hoàn lương hoàn toàn do Nhà nước ấn định, không phù hợp với cơ chế thị trường mở hiện nay, khi không tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp tự cân đối theo đặc điểm riêng của mình. Việc tăng lương tối thiểu cũng tạo ra rất nhiều bất cập, vì như vậy, cả người đang có hệ số tiền lương thấp nhất đến cao nhất đều được tăng, tạo ra gánh nặng quá lớn cho ngân sách. Bên cạnh đó, do lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp quốc doanh thấp hơn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI nên chi phí đóng các loại bảo hiểm cho người lao động cũng thấp hơn, tạo lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.
Muốn có một chính sách tiền lương mềm dẻo, theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần loại bỏ ngay cơ chế tiền lương theo hệ số và để cho thị trường tự quyết định. “Nếu cứ áp dụng cách tính lương theo hệ số, người làm tốt cũng như không làm được việc, cứ 3 năm lên lương một lần thì tình trạng công chức vừa làm vừa chơi, ‘chân trong, chân ngoài’ như hiện nay là điều dễ hiểu”, ông Lợi nêu vấn đề. Bên cạnh đó, với hệ số lương khởi điểm cho lao động tốt nghiệp đại học là 2,34, người tài sẽ chạy hết sang khu vực tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng quan điểm với ông Hào, ông Lợi cho rằng, Nhà nước cần có điều tra kỹ càng về mức lương trên thị trường, để từ đó đưa ra một mức lương trung bình thay đổi theo từng thời điểm nhưng phải luôn đảm bảo cho người lao động có tích lũy sau khi trừ chi phí cuộc sống. Dựa trên mức lương căn cứ đó, Nhà nước làm nhiệm vụ giám sát và hỗ trợ người lao động trong xây dựng thỏa ước lao động tập thể, đàm phán lương với giới chủ, đảm bảo chủ sử dụng lao động không trả lương mức lương trung bình tham chiếu. Đối với vấn đề đảm bảo ngân sách nhà nước để chi trả lương cho khu vực hành chính, lực lượng vũ trang, theo ông Lợi, cần phải làm quyết liệt.
Ông Nguyễn Duy Thăng cho biết, dự kiến, đến tháng 5/2013 sẽ trình Đề án Tổng thể cải cách tiền lương đến 2020 do Bộ Nội vụ xây dựng tại Hội nghị Trung ương 7. Trong thời gian đó, Đề án sẽ tiếp tục được các bộ, ngành thảo luận, cho ý kiến và cuối tháng 5 này, Đề án cũng sẽ được thảo luận, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.