Cải cách, hiện đại hóa hải quan để đồng hành cùng doanh nghiệp

Trần Huyền

Từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù nền kinh tế nước ta có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa nhằm chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua các khó khăn để ổn định và phát triển với mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngành Hải quan luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: internet
Ngành Hải quan luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: internet

Hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Đến nay, ngành Hải quan đã xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật hải quan đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, hiện đại, tuân thủ chủ trương cải cách thủ tục hành chính và các chuẩn mực, cam kết quốc tế. Thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế; đã áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ; đẩy mạnh kiểm tra sau thông quan, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Công nghệ thông tin được ngành Hải quan ứng dụng mạnh mẽ, dữ liệu được xử lý tập trung tại cấp Tổng cục. Cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan ngày càng hiện đại... Qua đó, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam; thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế của Đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan cũng luôn được ngành Hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; được thực hiện ở cả 3 cấp Tổng cục, Cục, Chi cục và tập trung vào các hoạt động chủ yếu như: Thông tin, hỗ trợ  doanh nghiệp; tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; giám sát thực thi pháp luật; hợp tác Hải quan- doanh nghiệp.

Theo đó, cơ quan Hải quan luôn tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, các quy trình thủ tục hải quan trên Cổng thông tin điện tử hải quan và các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, cơ quan hải quan các cấp cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các nội dung như: Hướng dẫn thực thi quy định pháp luật về thuế, hải quan; giải đáp vướng mắc pháp luật hải quan; công khai mức độ tuân thủ; đào tạo kiến thức hải quan; tổ chức các hoạt động đối thoại, tập huấn, hội thảo...

Công tác giám sát thực thi pháp luật được cơ quan hải quan các cấp chú trọng và thực hiện qua nhiều kênh khác nhau. Thông qua đó, người dân và doanh nghiệp có thể tương tác, phản ánh trực tiếp tinh thần, thái độ phục vụ của công chức cũng như các vấn đề còn chưa hài lòng trong quá trình làm thủ tục hải quan tại các Chi cục.

Có thể khẳng định, việc triển khai các giải pháp phát triển quan hệ đối tác đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp; góp phần quan trọng trong việc xây dựng sự hiểu biết, đồng thuận, đồng hành giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về hải quan.

Tiếp tục tạo thuận lợi về thủ tục hải quan

Phát biểu tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2024 được tổ chức chiều ngày 16/10, ông Trần Đức Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, những kết quả đạt được trong cải cách, hiện đại hóa hải quan thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm thời gian và chi phí cho cho cả cơ quan Hải quan cũng như doanh nghiệp; được Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Theo Phó Tổng cục trưởng, Hải quan Việt Nam đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 là với mục tiêu “Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” và “phát triển quan hệ hợp tác, đối tác giữa Hải quan với các bên liên quan tạo nền tảng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về Hải quan”.

Do đó, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa, tiếp tục tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan. Đẩy mạnh nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, đồng thời tích cực thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan, góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai, tích cực đổi mới, đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; thực sự coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan.

"Với tinh thần thực hiện quyết liệt, thống nhất trong toàn Ngành, những mục tiêu và giải pháp trong cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan sẽ là động lực quan trọng trong việc hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; giúp cho doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian tới", Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Hùng nhấn mạnh.