Cải cách thủ tục hải quan: Chính sách đã đi vào cuộc sống
(Tài chính) Nhiều chính sách, biện pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan do Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan triển khai thời gian gần đây đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp,
Đánh giá về những đổi thay trong thực hiện thủ tục hải quan thời gian gần đây, anh Đoàn Xuân Tiệp - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng XNK của Công ty Yusen Logistics tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết: Công ty có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực logistics và thực hiện thủ tục khai báo hải quan cho khoảng 100 DN, trong đó phần lớn là DN FDI của Nhật Bản, với những khách hàng lớn như Canon, Toyota, Honda… Việc thực hiện thủ tục hải quan hiện nay đơn giản và thuận tiện hơn trước rất nhiều.
Ấn tượng lớn với anh Tiệp chính là thực hiện thủ tục trên Hệ thống VNACCS/VCIS. Việc tiếp nhận, cấp số, phân luồng được thực hiện rất nhanh chóng, đặc biệt, với tờ khai luồng Xanh thời gian thông quan chỉ trong vòng vài giây. Ngoài ra, những vướng mắc phát sinh khi triển khai Hệ thống cũng được cơ quan Hải quan nhanh chóng khắc phục.
Đơn cử như trước những vướng mắc của DN về tiêu chí khai báo trên Hệ thống VNACCS/VCIS, Tổng cục Hải quan đã và đang rà soát, đơn giản hóa thủ tục này. Ví dụ, trường hợp DN phải thay đổi kế hoạch phương thức vận tải (thay đổi tên tàu, số chuyến) trước kia phải về Chi cục Hải quan nơi mở tờ khai để sửa chữa tờ khai bổ sung, nay DN chỉ cần gửi công văn hoặc fax hay gửi thư điện tử (e-mail) tới bộ phận hải quan giám sát ở cửa khẩu để ghi nhận vào hệ thống của cơ quan Hải quan rồi cho hàng lên tàu chờ xuất.
Điều này giúp DN tiết kiệm được nhiều thời gian, vì trường hợp hàng hóa đưa đến cảng Hải Phòng nhưng tờ khai lại được mở ở Vĩnh Phúc hay Phú Thọ, Bắc Ninh… nên việc di chuyển khi phải khai báo lại là rất lâu. Tuy nhiên, điều này đã được cơ quan Hải quan khắc phục kịp thời.
Liên quan đến áp dụng mã vạch, chị Nguyễn Thanh Dung - nhân viên XNK, Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ XNK Thành Đạt tại Hải Phòng cho biết: Mỗi ngày trung bình Công ty mở khoảng 4 tờ khai NK (tổng cộng có 4 hoặc 5 container) cho loại hình kinh doanh.
Từ khi Tổng cục Hải quan và Hải quan Hải Phòng áp dụng mã vạch trên tờ khai hải quan, Công ty rất tích cực tham gia. Việc sử dụng mã vạch là bước tiến về cải cách thủ tục hải quan. Bởi trước đây, để thực hiện thủ tục liên quan đến giám sát này, DN phải trải qua 2, 3 bước làm việc với Đội Giám sát cổng cảng, kho bãi trước khi đưa hàng ra khỏi cảng. Nhưng với tờ khai có mã vạch, các thông tin được tích hợp nên DN chỉ cần in tờ khai và xuất trình cho cán bộ hải quan giám sát ở cổng cảng sử dụng thiết bị đọc mã vạch để kiểm tra nên thời gian thực hiện nhanh hơn trước .
Tổng cục Hải quan đánh giá, hiện nay nhiều chính sách, giải pháp liên quan đến cải cách, đơn giản hóa thủ tục hải quan đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng DN. Ngoài các thuận lợi về Hệ thống VNACCS/VCIS hay áp dụng mã vạch như đề cập ở trên, việc cập nhật thông tin nộp thuế cũng được cải thiện đáng kể với việc trao đổi giữa Kho bạc và Hải quan được thực hiện 15 phút/lần giúp DN thông quan nhanh hàng hóa, giảm chi phí phát sinh.
Tiếp tục kì vọng
Những giải pháp cải cách của cơ quan Hải quan đang phát huy hiệu quả tích cực, tuy nhiên cộng đồng DN vẫn tiếp tục kì vọng sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan Hải quan vì thực tế vẫn còn những điều khiến DN lúng túng khi thực hiện.
Theo anh Đoàn Xuân Tiệp, việc áp dụng mã vạch trên tờ khai cho số container và số chì (cont/seal) có nhiều thuận lợi tuy nhiên DN vẫn băn khoăn với tờ khai có nhiều tờ khai nhánh việc khai báo mã vạch số cont/seal cho số tờ khai đầu tiên hay phải khai báo cho tất cả tờ khai đầu và tờ khai nhánh? Ví dụ một lô hàng 10 container có 1 tờ khai đầu và 10 tờ khai nhánh thì phải khai 1 tờ hay phải khai báo cả 11 tờ khai?
Khi áp dụng mã vạch trên tờ khai thì trên tờ khai VNACCS/VCIS có phải khai báo số cont/seal trong phần file đính kèm nữa không? DN khi đóng hàng XK thường mở tờ khai trước khi đóng hàng, ban đầu mở tờ khai được cung cấp số cont/seal và tiến hành mở tờ khai và được thông quan nhưng sau đó số cont/seal này không đảm bảo phải thay đổi bằng một cont/seal khác. Hiện tại DN phải làm công văn xin thay đổi số cont/seal ở nơi mở tờ khai và dùng mẫu sửa đổi tờ khai bổ sung…
Để giải tỏa những băn khoăn của DN, ngày 17-11, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành. Ông Lê Đức Thành cho biết, việc ứng dụng mã vạch được thực hiện cho tất cả các tờ khai (cả tờ khai chính và tờ khai nhánh) nhằm đảm bảo việc quản lí của cơ quan Hải quan. Ví dụ, trường hợp 1 container nhưng có 5 tờ khai thì DN phải in tờ khai có mã vạch cả 5 tờ khai.
Ngoài ra, khi áp dụng mã vạch, DN vẫn khai báo tiêu chí về số container, số seal trên Hệ thống VNACCS/VCIS để phục vụ việc in tờ khai có mã vạch; trường hợp có thay đổi về số cont/seal, DN sẽ khai sửa đổi, bổ sung danh sách container.
Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Ngành Hải quan đã triển khai nghiêm túc cải cách TTHC
Thời gian qua, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách, hiện đại hóa nhằm tạo thuận lợi cho người dân và DN. Điều đó thể hiện ở việc áp dụng Hệ thống thông quan tự động và thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Sau khi có định hướng chủ trương cắt giảm TTHC, ngành Hải quan là một trong những ngành triển khai nghiêm túc và có kết quả tốt. Nó thể hiện qua việc xây dựng quy chế, điều kiện để thực hiện tương đối nhanh và đều - thứ hai là đã có kết hợp cải cách TTHC, trang bị công nghệ gắn kết; thứ ba là đội ngũ triển khai được chuẩn bị chu đáo nên triển khai nhanh, chất lượng hơn và kết quả rõ hơn...
Nhưng hiện nay vấn đề đặt ra là hàng hóa qua biên giới kể cả trên đường biển, đường bộ vẫn còn tình trạng buôn lậu trốn thuế, ảnh hưởng tới thị trường, gây thiệt hại cho nền kinh tế và thất thu ngân sách. Có thể nói, đây là một cuộc đấu tranh dai dẳng, những cơ quan trục lợi sẽ tìm mọi kẽ hở để trốn thuế, thì khả năng thanh tra, phát hiện, xử lý, răn đe để đạt được thì chưa ngang tầm với yêu cầu hiện nay.
Việc đo thời gian giải phóng hàng hóa, nếu không có sự phối kết hợp tốt giữa ngành Hải quan và các bộ, ngành có liên quan trong kiểm tra hàng hóa chuyên ngành thì sẽ tạo ra những khuyết điểm, tồn tại như vừa qua. Do đó, phải có một tổ chức chỉ đạo, phải có một ban chỉ đạo bao gồm các ngành, có vị trí chức năng và cán bộ đủ quyền lực, hoạt động thường xuyên, chất lượng với cơ chế rõ ràng. Theo đó, cần phân công phân nhiệm cụ thể, để vừa sửa nhưng vừa quy rõ trách nhiệm thì mới đảm bảo hiệu quả.
Với những cải cách vừa qua của ngành Hải quan, Thuế tôi cho rằng, DNNVV đã “dễ thở” hơn, nhất là những công việc liên quan đến XNK.
ĐB Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):
Đánh giá cao CCHC trong lĩnh vực Hải quan
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, việc đổi mới bộ máy từ Trung ương, cơ quan ngang bộ đến cấp huyện, xã bước đầu đạt được kết quả nhất định.
Riêng về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan tôi đánh giá cao bởi ngành đã đưa công nghệ thông tin vào điều hành, bước đầu đã đạt được kết quả. Tôi cũng đánh giá cao kết quả đổi mới bộ máy tổ chức trong ngành Hải quan, có rất nhiều tiến bộ.