Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan: Tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
(Tài chính) “Các doanh nghiệp sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ những cải cách rất hữu ích này. Nếu được thực thi nghiêm túc thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp sẽ giảm. Và hiệu ứng đối với nền kinh tế sẽ tốt hơn nhiều”.
Ông Đậu Anh Tuấn
Phóng viên: Bộ Tài chính vừa hiện thực hóa mục tiêu giảm số giờ thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuế xuống khoảng 300 giờ từ hơn 800 giờ hiện tại, đồng thời, giảm trên 1,5 triệu chứng từ/năm phải kê khai để nộp thuế xuất nhập khẩu. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi đánh giá rất cao hành động này của Bộ Tài chính, điều này thể hiện sự quyết liệt và kịp thời của Bộ Tài chính trong thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ ngày 18/3/2014 về những giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan vừa rồi.
Đây là cách tiếp cận rất thực tiễn và thiết thực, thay vì những mục tiêu chung chung khó định lượng thì Bộ Tài chính đã đưa ra những hành động cụ thể, rõ ràng và theo dõi được từ những bộ chuẩn mực chung như chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới.
Việc cải cách TTHC này sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp thưa ông?
Các doanh nghiệp sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ những cải cách rất hữu ích này. Nếu được thực thi nghiêm túc những cải cách này thì chi phí thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp sẽ giảm. Và hiệu ứng đối với nền kinh tế sẽ tốt hơn nhiều.
Chúng ta có thể thấy, nếu như phiền hà trong cấp giấy phép kinh doanh có thể chỉ ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp nhất định, là vài trăm hay vài nghìn doanh nghiệp. Nhưng sự phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các doanh nghiệp đang nộp thuế. Do vậy, tôi tin chắc rằng những cải cách trong ngành thuế, hải quan sẽ tạo ra những tác động quan trọng góp phần tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc cải cách thủ tục này cũng rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp bởi quá trình cải cách sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cả về chính sách, lẫn quy trình tuân thủ nghĩa vụ thuế, hải quan. Theo ông các doanh nghiệp cần lưu ý tới những vấn đề gì để vừa khai thác tốt những tác động từ cải cách, vừa hỗ trợ cơ quan quản lý đạt được mục tiêu đề ra?
Thực ra không phải đợi đến lúc này thì Bộ Tài chính hay ngành thuế và hải quan mới có những thay đổi, cải cách. Nhưng điều đáng chú ý lần này là cải cách đã đặt trong bối cảnh cạnh tranh với khu vực. Việt Nam cần đạt được các tiêu chuẩn thuận lợi và chuyên nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính ở mức trung bình của các nước ASEAN tiên tiến. Như vậy, rõ ràng tiêu chuẩn của thủ tục hành chính, tiêu chuẩn của sự thông thoáng, thuận lợi của môi trường kinh doanh không chỉ so sánh với chính mình trước đây mà cần so sánh với các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam. Dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những địa điểm nào thuận lợi.
Về phía các doanh nghiệp, nghĩa vụ quan trọng của doanh nghiệp là tuân thủ tốt những quy định đặt ra. Ngoài ra cần kịp thời phản ánh những khó khăn, bất cập mà doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp có thể phản ánh thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, thông qua các điều tra, khảo sát đánh giá về thủ tục hành chính được tiến hành sau này.
VCCI là đơn vị hỗ trợ Tổng cục Thuế triển khai đề án đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế, việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá đã triển khai đến đâu thưa ông? Tiêu chí của bộ chỉ số này là gì?
Chúng tôi sẽ hợp tác rất chặt chẽ với Tổng cục Thuế, các chuyên gia về thuế để xây dựng nên hệ thống tiêu chí đánh giá cũng như bảng câu hỏi điều tra cụ thể. Nhưng nhìn chung là sẽ bám sát các định hướng kế hoạch, mục tiêu cải cách mà Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đã xác định cho giai đoạn hiện nay đến năm 2020. Chúng tôi cũng sẽ tham khảo kinh nghiệm của các nghiên cứu tương tự đã được thực hiện ở nhiều nước khác trên thế giới. Trong giai đoạn ban đầu, chúng tôi hình dung là một hệ thống các chỉ số như tiếp cận dịch vụ thuế, giải quyết thủ tục hành chính thuế, đánh giá về sự phục vụ của công chức thuế, kết quả giải quyết công việc…
Theo ông, để việc cải cách TTHC này đạt hiệu quả nhất, thì cần phải làm gì?
Theo tôi, cần cải cách theo hướng thực chất, tiến hành thường xuyên, liên tục là yêu cầu quan trọng. Cộng đồng doanh nghiệp trông chờ vào những cải cách có tính thực chất, mang lại lợi ích thực tiễn trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của mình chứ không chỉ dừng lại ở văn bản hay tuyên bố. Thay đổi văn bản, quy định rất quan trọng nhưng làm sao những tinh thần thay đổi trên văn bản, quy định đó chuyển tải được tới từng cán bộ giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày cho doanh nghiệp, hình thành văn hoá của bộ máy nhà nước là “phục vụ doanh nghiệp”, “đồng hành với doanh nghiệp”.
Và tôi tin rằng khi thủ tục hành chính thuận lợi hơn, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn thì nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ ngày càng được đảm bảo hơn.
Xin cảm ơn ông!