Cải cách thuế gián thu giai đoạn 2011-2020 và khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 11/2020

Thuế gián thu là các loại thuế đánh “gián tiếp” vào thu nhập của người tiêu dùng khi họ sử dụng thu nhập để chi tiêu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thuế gián thu được phân loại và ghi nhận ở Việt Nam như thông lệ quốc tế, bao gồm: Thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Nhìn chung, việc cải cách thuế gián thu ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 thông qua việc sửa đổi, bổ sung các sắc thuế đã đạt được mục tiêu mở rộng cơ sở thuế, góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, từ đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Tuy nhiên, thực tiễn cải cách thuế gián thu ở nước ta trong những năm qua đã nảy sinh những hạn chế, bất cập cần tiếp tục cải cách sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thuế gián thu phù hợp với bối cảnh mới.

Đặt vấn đề

Ngày 17/5/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 732/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Chiến lược này xác định, hệ thống chính sách thuế bao gồm các loại thuế trực thu, thuế gián thu, các loại thuế đánh vào tài sản với 9 sắc thuế chủ yếu, các khoản phí và lệ phí; chuyển thuế môn bài thành một khoản thu lệ phí quản lý hoạt động kinh doanh hàng năm; hoàn thiện các chế độ, chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ tài nguyên, khoáng sản quốc gia…

Để triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2162/QĐ-BTC ngày 08/09/2011 phê duyệt Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2015; Quyết định số 2710/QĐ-BTC ngày 20/12/2016 phê duyệt Kế hoạch quản lý thuế giai đoạn 2016-2020 và 9 đề án cụ thể theo các lĩnh vực quản lý thuế.

Sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế theo Quyết định số 732/QĐ-TTg, có thể thấy, tỷ lệ huy động thu NSNN trên GDP đã đạt được mục tiêu đề ra cụ thể: Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ huy động bình quân đạt 23,57% (kế hoạch là 22-23% GDP); Giai đoạn 2016-2019, tổng thu NSNN đạt 24,91% GDP (tổng số thu NSNN đạt 5.384 nghìn tỷ đồng, ước tính đạt 77,3% mục tiêu kế hoạch cả giai đoạn 2016-2020).

Cơ cấu thu NSNN dịch chuyển theo hướng bền vững hơn, với sự tăng dần của tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN (trung bình giai đoạn 2011-2015 đạt 67,7% và 4 năm 2016 - 2019 chiếm khoảng 80,9% tổng thu NSNN) và giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu dầu thô và xuất nhập khẩu (XNK) (thu dầu thô trong tổng thu NSNN từ 12,9% trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm xuống còn 3,9% trong giai đoạn 2016-2019; Thu cân đối XNK từ 17,7% giảm xuống còn 14,6%).

Những kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta sau 30 năm đổi mới. Cụ thể sự thay đổi của cơ cấu kinh tế (tỷ trọng của nông nghiệp giảm, các ngành công nghiệp, dịch vụ có tích lũy cao được tăng lên), nhiều ngành có mức nộp NSNN cao, có sự đóng góp không nhỏ của các nhân tố định hướng, điều tiết, những cải cách trong hệ thống chính sách, pháp luật thuế với vai trò dẫn dắt “đi trước mở đường”.

Khái quát về thuế gián thu

Thuế gián thu là các loại thuế đánh “gián tiếp” vào thu nhập của người tiêu dùng khi họ sử dụng thu nhập để chi tiêu. Người nộp thuế (NNT) gián thu là các tổ chức, cá nhân kinh doanh, những người sẽ chuyển số tiền thuế phải nộp (cộng thuế) vào giá bán cho người tiêu dùng phải gánh chịu. Nói cách khác, trong ngữ cảnh thuế gián thu, NNT là các nhà sản xuất, nhà buôn, nhà nhập khẩu, còn người trả thuế là những người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ mà người bán đã cộng thêm vào giá bán.

Theo thông lệ quốc tế, thường thuế gián thu bao gồm các loại thuế đánh vào giao dịch mua/bán hàng hóa, dịch vụ như: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (XNK); Thuế giá trị gia tăng (GTGT); Thuế doanh thu; Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Việc phân định giữa thuế gián thu với thuế trực thu dựa trên tiêu chí chuyển dịch thuế vào giá, nhưng trong thực tiễn cũng chỉ mang tính tương đối, bởi tiền thuế gián thu có được chuyển hết vào giá bán hay không tùy thuộc từng ngữ cảnh.

Thực tiễn cho thấy, các nhà lập pháp thường ưu tiên sử dụng công cụ thuế gián thu hơn thuế trực thu. Tại các nước đang phát triển, thuế gián thu thường chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số thu NSNN, trong khi tại các quốc gia phát triển, người dân có thu nhập cao, có ý thức tốt trong tuân thủ và chấp hành, cơ quan quản lý có trình độ và công cụ quản lý tốt… thì thuế trực thu chiếm tỷ trọng cao hơn.

Một số báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều nước, kể cả những nước phát triển đang có xu hướng giảm thuế trực thu và tăng thuế gián thu, cùng với việc cải cách quản lý chi tiêu công theo hướng tăng phúc lợi xã hội và tăng mức chi tiêu dành cho tầng lớp có thu nhập thấp.

Kết quả thực hiện chính sách thuế gián thu ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020

Kết quả triển khai thực hiện chính sách thuế gián thu ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 được thể hiện ở những nội dung sau:

Đối với thuế xuất nhập khẩu

Với sắc thuế này, các nội dung được triển khai đồng bộ và toàn diện từ năm 2011 đến nay gồm: (i) Rà soát các dòng thuế đối với từng mặt hàng để đưa vào các biểu thuế áp dụng đối với từng khu vực theo lộ trình cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA); (ii) Triển khai đàm phán, ký kết các FTA, trong đó chú ý các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường quốc tế; (iii) Sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến chính sách quản lý ngành hàng, các rào cản kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ hợp lý; (iv) Sửa đổi Luật Thuế XNK, Luật Hải quan với mục tiêu tạo thuận lợi cho mở cửa thị trường; đồng thời, với thực hiện bảo hộ các ngành sản xuất trong nước một cách hợp lý, có chọn lọc, có thời hạn, có điều kiện…

Việc ban hành Luật Thuế XNK, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở; thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, hạn chế xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản dạng thô, khuyến khích đầu tư công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chế biến sâu. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu hàng năm theo cam kết tại các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đưa mức thuế theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) bình quân toàn biểu từ mức 17,4% (năm 2010) xuống còn mức bình quân 10,4% (năm 2015), vừa bảo đảm thực hiện bảo hộ một cách hợp lý, có thời hạn, có điều kiện, có lộ trình… vừa góp phần điều chỉnh cơ cấu thu NSNN bền vững hơn.

Bên cạnh đó, Quốc hội phê chuẩn thông qua FTA Việt Nam - EU (EVFTA), các nội dung của Luật Thuế XNK bảo đảm cho cộng đồng DN Việt Nam được hưởng các lợi ích từ mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng cũng tạo sức ép đối với việc sắp xếp lại sản xuất trong nước, đổi mới công nghệ, thay đổi tư duy quản trị… Đồng thời, tác động đến thay đổi cơ cấu thu NSNN khi cắt giảm thuế quan trên diện rộng.

Đối với thuế giá trị gia tăng

Có thể nói, thuế GTGT được sửa đổi, bổ sung nhiều nhất trong giai đoạn 10 năm qua với mục tiêu: Mở rộng cơ sở thuế; Rõ ràng, minh bạch trong chính sách, góp phần hạn chế gian lận hoặc trục lợi, từ đó tạo môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng; Tạo thuận lợi tối đa cho DN và NNT, giảm chi phí tuân thủ và chi phí quản lý. Cụ thể:

Một là, mở rộng cơ sở thuế GTGT thông qua việc thu gọn danh mục chi tiết và quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT quy định tại Điều 5 của Luật Thuế GTGT (khoản 4, 7, 8, 11, 15, 17, 23 và 25). Trong đó, có sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác, chưa chế biến thành sản phẩm khác (khoản 23) thu hẹp diện áp thuế 0% để không hoàn thuế đầu vào.

Hai là, quy định mới về cơ chế vận hành đối với nhóm hàng hóa là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản: Tại khâu đầu tiên sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, nhưng tại những khâu kinh doanh tiếp theo, các DN, hợp tác xã có bán sản phẩm nông nghiệp theo phương pháp khấu trừ, thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ GTGT đầu vào. Cách tính thuế này đã tạo thuận lợi hơn trong lưu thông nội địa, vừa tiết kiệm được chi phí tài chính, do không phải bỏ tiền nộp thuế trước, vừa được khấu trừ thuế đầu vào các chi phí lưu thông làm tăng giá trị của hàng hoá nông sản...

Ba là, lần đầu tiên quy định các “ngưỡng doanh thu” để áp dụng thuế GTGT bảo đảm cho thuế GTGT của nước ta tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, tạo thuận lợi cho việc mở rộng cơ sở thuế đối với các hoạt động kinh doanh mới xuất hiện trong cơ chế kinh tế thị trường, trong nền kinh tế số và kinh tế chia sẻ.

Theo đó, cá nhân có mức doanh thu 01 năm đạt ngưỡng 100 triệu đồng trở lên thì không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không có đăng ký kinh doanh đều phải có nghĩa vụ trả thuế GTGT; đồng thời, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu doanh thu năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì được miễn nộp các loại thuế).

Nhờ có quy định ngưỡng doanh thu chịu thuế 100 triệu đồng, gần đây khi tăng cường hợp tác với các ngân hàng thương mại, nắm bắt số phát sinh giao dịch tài khoản cá nhân, cơ quan thuế đã có cơ sở pháp lý vững chắc và nguồn thông tin dữ liệu xác thực để đấu tranh, truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của những người kinh doanh qua mạng, kinh doanh du lịch, dịch vụ trực tuyến, kinh doanh quảng cáo, phần mềm, kinh doanh nội dung số trên các trang mạng xã hội như báo chí đã phản ánh.

Trong quản lý thuế GTGT, các văn bản pháp luật quy định về mức ngưỡng doanh thu năm 01 tỷ đồng, để làm cơ sở phân loại các DN được đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế hay phương pháp trực tiếp trên doanh thu. Do vậy, các DN khởi nghiệp, DN có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong thời gian đầu được lựa chọn cách nộp thuế đơn giản, tiện lợi mà Nhà nước cũng tăng thu được tiền thuế từ các đối tượng này.

Bốn là, sửa đổi các quy định pháp luật về thuế GTGT nhằm thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như: Chính sách "tam nông", khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển... Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định một số mặt hàng trước đây áp dụng mức thuế suất GTGT thấp (5%), từ năm 2015 được chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT như: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác. Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 đã bổ sung thêm nhóm hàng hóa không được đưa vào diện chịu thuế 0%, để không hoàn thuế khi xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, góp phần thực hiện tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản.

Năm là, sự thay đổi mang tính đột phá là việc sửa đổi Luật Thuế GTGT năm 2016, theo đó kiên quyết không hoàn thuế cho các DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu thụ nội địa, mà có số thuế GTGT đầu vào lũy kế 12 tháng chưa được khấu trừ hết (số thuế GTGT đầu vào cao hơn số thuế GTGT đầu ra). Với đạo lý “Không có GTGT thì không có số thu thuế GTGT, nhưng đã là DN thì không thể không có GTGT”, vậy nên không phải hoàn thuế cho DN không tạo ra GTGT. Việc đề xuất cho sự thay đổi này được đúc rút ra từ thực tiễn gần 20 năm áp dụng thuế GTGT ở nước ta; quy định mới đã có tác động làm giảm đáng kể các DN được lập ra nhằm trục lợi, bòn rút tiền thuế của Nhà nước.

Sáu là, sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT góp phần giúp cho việc điều hành ngân sách chủ động, minh bạch hơn, bảo đảm số thu thuế GTGT thực chất hơn, ngân sách trung ương cũng bớt đi việc tài trợ không hợp lý cho ngân sách địa phương. Đối với DN có dự án đầu tư hoặc xuất khẩu, việc thay đổi quy định về hoàn thuế cũng giúp cho họ được chủ động hơn trước đây (vừa có nộp, vừa có hoàn), thuận lợi hơn do bớt thủ tục và tiết kiệm được chi phí tài chính.

Bảy là, việc trình ban hành các văn bản pháp luật trong giai đoạn cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, được ghi nhận và đánh giá cao là: Có 01 luật sửa nội dung của nhiều luật, 01 nghị định sửa đổi, bổ sung quy định của nhiều nghị định và đặc biệt là 01 thông tư sửa nội dung của 07 thông tư (Thông tư số 119/2014/TT-BTC). Số lần khai nộp thuế GTGT đã giảm từ 12 lần giảm, xuống chỉ còn 4 lần mỗi năm cho hàng trăm ngàn DN (có doanh thu năm từ 50 tỷ đồng trở xuống) khi nộp thuế GTGT theo tháng chuyển sang khai nộp theo quý.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thuế nhanh cho xuất khẩu, thuận lợi cho đầu tư, những quy định về điều kiện hoàn thuế, khấu trừ thuế được chặt chẽ hơn, hợp lý hơn, vừa có tác động ngăn chặn các hành vi gian lận thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, khuyến khích xuất khẩu và đầu tư; đồng thời, bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn thu.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt

Việc sửa đổi thuế TTĐB trong giai đoạn 10 năm qua thể hiện ở những nội dung sau:

Một là, về mặt hàng chịu thuế TTĐB: Lần sửa đổi năm 2014 tập trung áp thuế đối với mặt hàng xăng các loại, thay cho việc thu ở các sản phẩm thuộc khâu trung gian theo quy định trước đây như: Chế phẩm tái hợp, nap-ta (naphtha) và các chế phẩm khác để pha chế xăng. Đối với tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích đi lại của cá nhân và tổ chức thì áp thuế TTĐB, nếu sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng thì thuộc diện không chịu thuế.

Hai là, sửa quy định về giá tính thuế (quy định tại Điều 6 Luật Thuế TTĐB): Quy định mới nhằm bảo đảm sự bình đẳng về giá tính thuế, cách tính thuế và mức thuế giữa hàng hoá được sản xuất ở Việt Nam và hàng hoá nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu sẽ tính theo giá của DN nhập khẩu khi họ bán ra, thay vì trước đây chỉ tính trên giá nhập khẩu cộng (+) thuế nhập khẩu.

DN nhập khẩu làm thủ tục hải quan sẽ khai tạm nộp thuế TTĐB và khi bán ra sẽ xác định số thuế TTĐB và khai nộp thêm phần chênh lệch cao hơn số tạm thu (tuy nhiên, nếu số tạm nộp cao hơn số thuế tính theo giá bán ra thì không được hoàn lại số thuế chênh lệch âm). Với quy định này, hiệu quả quản lý thuế khâu nhập khẩu tăng lên rõ rệt, môi trường kinh doanh được cải thiện, bình đẳng hơn, do không còn cơ hội móc nối, thông đồng, hợp thức hóa giấy tờ nhập khẩu để khai thấp trị giá tính thuế khâu hải quan, trốn tránh các loại thuế tại khâu nhập khẩu.

Ba là, từ thực tiễn thanh tra phát hiện các hành vi gian lận giá, chuyển giá của các DN, đã đề xuất đưa và luật quy định mới là: “Trường hợp hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán cho cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở có quan hệ công ty mẹ, công ty con; hoặc mua/bán giữa các công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất; hoặc mua/bán giữa cơ sở kinh doanh thương mại mà có mối quan hệ liên kết với cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB không được thấp hơn tỷ lệ % so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại mua trực tiếp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bán ra theo quy định của Chính phủ”. Nghị định số 108/2015/NĐ-CP quy định đối với ô tô nhập khẩu nếu giá bán ra thấp hơn 105% giá vốn thì cơ quan thuế thực hiện ấn định giá tính thuế.

Bốn là, sửa đổi quy định về biểu thuế suất theo hướng tăng thuế đối với ô tô có dung tích xi-lanh lớn, sử dụng nhiều xăng, hạ thuế đối với xe sử dụng ích nhiên liệu; xe chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ ngồi và xe bán tải được áp thuế thấp hơn xe loại 9 chỗ ngồi trở xuống. Nhằm định hướng hạn chế phát thải ô nhiễm, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch (điện, nhiên liệu sinh học), Luật áp dụng mức thuế thấp hơn so với mức thuế cao đánh vào xe sử dụng nhiên liệu xăng khoáng (RON).

Năm là, công khai lộ trình tăng thuế suất áp dụng đối với các mặt hàng không khuyến khích tiêu dùng, có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia (Luật thuế TTĐB năm 2014 đã quy định mức thuế cụ thể các năm 2016, 2017, 2018, 2019) để người dân và DN biết và chủ động điều chỉnh và thích ứng; qua đó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với sản xuất kinh doanh của ngành hàng có mức đóng góp thuế rất cao.

Đối với thuế bảo vệ môi trường

Nhiệm vụ trọng tâm được xác định rõ trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 là: “Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thuế BVMT (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012) nhằm khuyến khích DN, người dân chuyển đổi hành vi sử dụng, tiêu dùng sản phẩm góp phần BVMT, qua đó động viên nguồn thu cho NSNN; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức điều tiết nhằm hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái”.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định Biểu thuế năm 2011 và tăng thuế vào các năm sau (ví dụ: Năm 2012 áp mức thuế đối với xăng, nhiên liệu bay 1.000 đồng/lít, năm 2015 tăng lên 3.000 đồng và mức thuế 4.000 đồng/lít áp dụng từ ngày 01/01/2019). Việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT có tính đến mức độ ô nhiễm, tổn hại đến môi trường, khả năng chịu đựng của các ngành sản xuất, bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, gắn với diễn biến của thị trường và góp phần tăng thu NSNN.

Tồn tại, hạn chế và những đề xuất, khuyến nghị cải cách thuế gián thu giai đoạn 2021-2025

Một là, về phạm vi áp dụng: Ngoại trừ thuế XNK được xây dựng danh mục chi tiết theo mã số HS theo tiêu chuẩn quốc tế và đưa vào các biểu thuế tương ứng cam kết trong các FTA, các loại thuế GTGT, TTĐB và BVMT trong 10 năm qua tuy có mở rộng, nhưng chưa đạt được kỳ vọng đặt ra. Cụ thể:

(i) Có hay không việc đánh thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, có ga? Có nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh thuế TTĐB đối với các loại đồ uống này, vì các mặt hàng này sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, nhưng chưa đủ sức thuyết phục.

(ii) Danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT vẫn còn rộng với 26 nhóm, cần tiếp tục rút bớt danh mục này chuyển sang diện chịu thuế GTGT, đó là các dịch vụ chi tiêu công bằng nguồn NSNN; cần phải bảo đảm sự công bằng về giá và chất lượng dịch vụ, Nhà nước trả tiền để mua dịch vụ thì cũng là người tiêu dùng… Do vậy, đề xuất chuyển sang áp thuế GTGT đối với các nhóm quy định tại các Khoản 10, 11, 14, 15, 16 và 18 của Điều 5 Luật Thuế GTGT.

Hai là, cần có quy định thống nhất việc đánh thuế hay không đánh thuế và áp dụng đánh thuế đối với loại thuế nào đối với các trường hợp bất cập hiện nay:

(i) Một số loại dịch vụ cao cấp đắt tiền liên quan đến chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cao cấp (ví dụ như spa) chưa được phân định rõ ràng, để đánh thuế GTGT (chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu) hay xác định là massage để áp TTĐB và thuế GTGT.

(ii) Một số giao dịch đã phát sinh ở thị trường trong và ngoài nước như giao dịch phái sinh hàng hóa (giao dịch kỳ hạn, hợp đồng tương lai…) có bản chất tương tự như giao dịch tài chính phái sinh chưa được quy định rõ và có nhiều cách hiểu khác nhau.

(iii) Nghiệp vụ thư tín dụng (L/C) không chỉ đơn thuần là dịch vụ thanh toán qua tài khoản, mà cần phải xét đến bản chất của nó gắn với hoạt động nào, trên cơ sở đó quy định rõ trường hợp nào áp thuế GTGT và trường hợp nào thuộc diện không chịu thuế.

Theo chuẩn mực quốc tế (bộ quy tắc về thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP 600), thì ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/bảo lãnh, do vậy thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Ngược lại, ngân hàng chỉ làm việc thông báo, xác nhận L/C và chỉ thanh toán khi L/C có ký quỹ thì cần áp thuế 10%, vì bản chất đây là dịch vụ thanh toán, xác nhận đơn thuần.

Ba là, sớm nghiên cứu đưa vào áp thuế GTGT đối với một số trường hợp đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong nước, hạn chế sức cạnh tranh của DN, đó là:

(i) Việc chuyển một số mặt hàng là đầu vào của nông nghiệp từ diện chịu thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế từ năm 2015 đến nay cần được xem xét toàn diện dựa trên các mối quan hệ giữa Nhà nước - DN - Người tiêu dùng; mối quan hệ giữa mở cửa thị trường với bảo hộ sản xuất trong nước.

(ii) Bỏ quy định không áp thuế đối với sản phẩm được chế biến từ tài nguyên mà trị giá tài nguyên và chi phí năng lượng chiếm 51% giá thành trở lên (để chuyển sang diện áp thuế), vì đây là sản phẩm khác. Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, quy định này dường như đi ngược lại với chủ trương phát triển công nghiệp chế biến sâu và đang gây khó khăn cho các ngành công nghiệp chế biến, trong đó có ngành lọc hóa dầu (tạo ra các loại xăng dầu loại, hạt nhựa, hóa chất, nhựa đường…).

Bốn là, cần có quy định để xử lý tồn tại về số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ hết, nhằm bảo đảm lành mạnh tài chính cho các DN. Thực tế từ tháng 7/2016, theo quy định mới thì không hoàn thuế cho các DN đang hoạt động có số thuế đầu vào bị âm (không được khấu trừ hết). Đúng ra số thuế âm theo Luật cũ phải được hoàn hết, nhưng vì Luật số 106/2016/QH13 ngày 6/4/2016 sủa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ giữa năm nên chưa đủ thời gian 12 tháng để lập hồ sơ hoàn.

Bên cạnh đó, có các DN chuyên sản xuất ra các mặt hàng chịu thuế suất 5% (như thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh…), nhưng vật tư, thiết bị đầu vào thuộc diện chịu thuế 10% nên luôn chịu mức âm thuế mà không có quy định để xử lý. Nếu tiếp tục hạch toán dồn lũy kế ở Tài khoản 133 (theo dõi về thuế GTGT đầu vào được khấu trừ) ngày càng tăng lên không có nguồn xử lý sẽ dẫn đến khả năng DN bị mất vốn, mất thanh khoản. Từ thực tế này, cần có hướng dẫn cho hoàn lại số này trên cơ sở kiểm tra chặt chẽ.

Năm là, trong quản lý thuế GTGT, cần xem xét lại cơ chế tạm nhập tái xuất đối với các trường hợp thuê máy móc, thiết bị của nước ngoài (đang thực hiện nghĩa vụ thuế nhà thầu nước ngoài), nhưng cơ chế kiểm tra, giám sát về mặt hiện vật thực hiện theo pháp luật về hải quan, tại khâu nhập khẩu thu trước thuế GTGT nhưng khi tái xuất lại không cho hoàn thuế GTGT đã nộp bởi chưa được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn về thuế GTGT.

Thực tế, sự phát triển của khoa học và công nghệ, tính chuyên môn hóa rất cao của những ngành kinh tế đặc thù, sử dụng công nghệ cao như hàng không, điện khí… đã làm nảy sinh các hoạt động kinh tế mới. Trong thực tiễn ngày càng có nhiều loại Hợp đồng Pooling đối với các thiết bị, động cơ quay vòng (định kỳ phải tháo lắp đưa về nơi sản xuất ở ngoài Việt Nam để kiểm tra, bảo dưỡng), DN không phải bỏ vốn để mua dự trữ mà có thể yêu cầu nhà cung cấp hoán đổi hiện vật và trả phí sử dụng có thời hạn. Hoạt động kinh tế này cũng cần có quy định cụ thể về cơ chế quản lý thuế GTGT, bởi chúng đang trở thành xu thế phát triển nhanh trong tương lai.

Sáu là, đối với thuế TTĐB, cần sớm có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp cụ thể sau:

(i) Xăng sinh học đang chịu thuế TTĐB ở mức thấp, nhưng xăng RON là nguyên liệu pha chế ra xăng sinh học chịu thuế suất cao, nên luôn có số thuế đã nộp khâu nguyên liệu đầu vào cao hơn số phải nộp khâu bán ra; vì vậy, nên quy định việc hoàn thuế theo đúng nguyên tắc Luật đã quy định.

(ii) Thuế TTĐB đối với xăng sản xuất trong nước thì được khai nộp ngay tại nhà máy, trong khi xăng nhập khẩu thì nộp thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu. Thương nhân xăng dầu thường mua cả 2 nguồn xăng nhưng chứa chung trong bồn chứa, đường dẫn nên không thể tách được lít nào nhập khẩu, lít nào đã trả thuế. Do vậy, cần có hướng dẫn sử dụng phương pháp hạch toán kho hàng theo chuẩn mực kế toán để DN thực hiện thống nhất việc tính thuế, khai thuế.

(iii) Quy định về khấu trừ thuế TTĐB tại khâu nguyên liệu khi tính thuế TTĐB, khâu thành phẩm cần phải được xác định thống nhất trong cùng một kỳ hạch toán, vì số thuế khấu trừ là dựa trên định mức (khác với khấu trừ theo hóa đơn như thuế GTGT), cần có quy định thống nhật để thực hiện.

Bảy là, đối với thuế BVMT: Thực tế đang tồn tại bài toán chưa có lời giải liệu có thu đủ thuế đối với túi ni-lông? Bởi vì, giá bán loại này rất rẻ, thậm chí có nơi giá bán trên thị trường còn thấp hơn nhiều mức thuế trên 1 đơn vị kg.

Vấn đề là các cơ sở sản xuất kinh doanh túi ni-lông hiện nay chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, nộp thuế theo phương pháp khoán theo tỷ lệ % trên doanh thu khoán. Thực tế là ngành Thuế không có chức năng và quyền hạn để canh kho, kiểm soát 24/24 cơ sở sản xuất của họ. Do vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cấp đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý về môi trường, quản lý thị trường để khắc phục tình trạng này.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011, 2015, 2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020;

2. Bộ Chính trị (2016), Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững;

3. Quốc hội (2010, 2013, 2014, 2015, 2016), Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 ngày 15/11/2010;

4. Quốc hội, Luật số 31/2013/QH13 của ngày 19/6/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng;

5. Quốc hội, Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt;

6. Quốc hội, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế;

7. Quốc hội, Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế;

8. Quốc hội (2016), Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2010;

9. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 732/2011/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020;

10. Bộ trưởng Bộ Tài chính (2011, 2016), Quyết định số 2162/QĐ-BTC ngày 08/9/2011 về việc phê duyệt Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2015 và các đề án triển khai thực hiện giai đoạn 2011 - 2020;

11. Bộ Tài chính (2016), Quyết định số 2710/QĐ-BTC ngày 20/12/2016 về việc ban hành Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2016 - 2020;

12. Ngân hàng Thế giới (2011), Cải cách thuế ở Việt Nam: Hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn.