Luật Quản lý thuế (sửa đổi):
Bổ sung quyền của người nộp thuế - "Cuộc cách mạng” trong cải cách thuế
Được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có 17 chương với 152 điều quy định nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó “Quyền của người nộp thuế” đã được luật hóa riêng một Điều (Điều 16)...
Xóa bỏ sự phân biệt đối với người nộp thuế
Việc Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định về “Quyền của người nộp thuế” đã cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Thuế trong việc đề cao “Người nộp thuế”. Đây được coi là một “cuộc cách mạng” trong việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử với người nộp thuế bởi đây chính là đối tượng tạo ra giá trị gia tăng, thặng dư cho xã hội và đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Còn nhớ, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 08/01/2018, Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu pháp luật về thuế phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế chứ không phải chỉ bảo vệ cơ quan quản lý.
Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh về quyền của người nộp thuế, chủ yếu là doanh nghiệp và người dân, còn rất ít. Chưa kể, chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, trong khi doanh nghiệp và người dân có kêu oan cũng bị áp đặt là vi phạm. Do đó, đây là vấn đề lớn mà Thủ tướng đã yêu cầu toàn ngành Thuế phải tập trung thảo luận và tinh thần này phải được phản ánh vào tư tưởng xây dựng chính sách, cũng như cách ứng xử của nhân viên thuế với doanh nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã được cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế đón nhận.
Chủ trương được chuyển hóa thành hành động
Với mục tiêu “Quan hệ giữa người nộp thuế và cơ quan thuế phải trên cơ sở bình đẳng”, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã dành hẳn Điều 16 gồm 14 điểm cơ bản để điều tiết mối quan hệ và quyền của người nộp thuế. Những điểm này được đánh giá là những điều khoản bảo vệ người nộp thuế không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn cải thiện môi trường đầu tư.
Theo đó, người nộp thuế được bảo vệ trong suốt quá trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế chứ không đợi đến khi bị áp đặt, bất đắc dĩ mới đưa cơ quan thuế ra tòa. Điều này cho thấy một khi người nộp thuế được bảo vệ, chắc chắn sẽ làm thay đổi cách nhìn về doanh nghiệp, cách ứng xử, phẩm chất đạo đức của đội ngũ thuế.
Đây chính là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong đợi và sẽ sớm được thực hiện, khi đó doanh nghiệp chỉ chú tâm vào làm ăn, không còn bị mất quá nhiều công sức vào việc thực hiện các thủ tục liên quan đến nghĩa vụ thuế.
Đặc biệt, những cải cách tiến bộ về “Quyền của người nộp thuế” trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp; Tăng cường khởi sự doanh nghiệp; Tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước…
Qua đó, Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành Thuế quyết tâm đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh chóng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam với động lực chính đến từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư. Trong đó, với vai trò thiết kế và thực thi pháp luật, đặc biệt là hệ thống chính sách thuế sẽ là tác nhân có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây chính là một trong những công cụ để Chính phủ tác động đến hệ sinh thái khởi nghiệp.
Những quyền cơ bản của người nộp thuế
Điều 16 của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định rõ những quyền của người nộp thuế. Theo đó, người nộp thuế có quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; Nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.
Người nộp thuế được yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thông tin công khai về thuế theo quy định của pháp luật.
Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), người nộp thuế còn có quyền được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn; Sử dụng chứng từ điện tử trong các giao dịch với cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan…
Đánh giá về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này, ông Trần Quang Chiều - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Luật đã khắc phục nhiều hạn chế so với Luật hiện hành, trong đó, sửa đổi, bổ sung về quyền của người nộp thuế và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế.
Theo đó, Luật có nhiều nội dung được tiếp thu chỉnh lý để bảo đảm phù hợp với yêu cầu mới về quản lý thuế. Trong đó, có quy định sửa đổi, bổ sung về quyền của người nộp thuế; trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, các bộ, ngành liên quan trong quản lý thuế; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế; bổ sung các quy định về chống chuyển giá...
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật đó là cho phép người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp, tự quyết toán và phải tự chịu trách nhiệm về số thuế phải nộp. Đồng thời, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra để xác định số thuế phải nộp theo quy định, không phân biệt quy mô doanh nghiệp.
Trong trường hợp giải thể, phá sản, doanh nghiệp, người nộp thuế phải có trách nhiệm quyết toán, gửi cơ quan thuế xác nhận. Với việc thực hiện cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm, ý thức của người nộp thuế, giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý thuế và tăng cường công tác hậu kiểm. Đây là xu hướng chung của nhiều nước trong quản lý thuế hiện nay.