Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh hội nhập quốc tế

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12/2019

Ðể hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, lấy doanh nghiệp là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh, đặt mục tiêu đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia hàng đầu khu vực ASEAN. Bài viết làm rõ các kết quả đạt được trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh từ góc nhìn của doanh nghiệp, qua đó đề xuất các giải pháp tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế.

Cải cách đang đi đúng hướng, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn. Nguồn: internet
Cải cách đang đi đúng hướng, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn. Nguồn: internet

Cải cách đang đi đúng hướng, hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn

Năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh (MTKD). Nền kinh tế có phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào NLCT quốc gia cao hay thấp, cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của MTKD. Sau hơn 30 năm đổi mới, NLCT của Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhưng so với thế giới và khu vực vẫn còn thấp. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần tập trung cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia để phát triển kinh tế và hiện thực hóa các cơ hội của hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp (DN) theo hướng năng động, đổi mới và sáng tạo, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách MTKD với 2 nhóm giải pháp quan trọng là Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện MTKD, nâng cao NLCT quốc gia được ban hành hàng năm (kể từ năm 2014 đến nay) và Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về MTKD, NLCT, năng suất lao động, đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp, chủ yếu cải thiện MTKD, NLCT quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 02/NQ-CP  là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, Liên hợp quốc về MTKD, NLCT... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; cải thiện mạnh mẽ MTKD, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân; phấn đấu đưa MTKD và NLCT của Việt Nam lọt vào nhóm ASEAN - 4...

Để đưa các Nghị quyết trên vào cuộc sống, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp, cụ thể như: Ngay khi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực ngày (1/1/2018), Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đưa Luật sớm đi vào cuộc sống trên diện rộng và hỗ trợ DN một cách thực chất, gia tăng mức độ thụ hưởng cho DN nhỏ và vừa như: Nghị định số 39/2018/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định số 38/2018/NÐ-CP về đầu tư cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Nghị định số 34/2018/NÐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Triển khai thực hiện các nỗ lực cắt giảm chi phí cho DN. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số địa phương đã xây dựng trung tâm hành chính công tập trung, các thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện tại một điểm và được giám sát chặt chẽ, tạo ra cơ chế minh bạch, hiệu quả để người dân, DN phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan trách nhiệm giải quyết TTHC của cán bộ, công chức. Tại tất cả các tỉnh, cơ quan thuế và hải quan đều tổ chức hoạt động đối thoại với DN, một số địa phương còn chia nhóm DN để tổ chức đối thoại hiệu quả.

Chính sách thuế thời gian qua cũng có những thay đổi tích cực, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa quản lý thu thuế. Cụ thể: Thuế thu nhập DN điều chỉnh giảm dần qua các năm, với mức từ 32% năm 1999 xuống 28% vào năm 2004; 25% năm 2009; 22% vào năm 2014; năm 2016 là 20%. Các TTHC thuế đã được chuẩn hóa và đơn giản hóa. Tính đến hết tháng 10/2019, hệ thống khai thuế điện tử đã triển khai tại tất cả tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. Số lượng DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử đạt 99,29% trên tổng số DN đang hoạt động trên cả nước. Số lượng DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98,62%. Năm 2018, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Chính phủ đã công bố, đánh giá TTHC thuế có chi phí tuân thủ TTHC thấp nhất (73.000 đồng), thời gian thực hiện thấp nhất (2,9 giờ) trong 8 nhóm TTHC được Chính phủ đánh giá.

TTHC, chất lượng dịch vụ công được quan tâm cải thiện theo hướng rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN và thông quan; gia tăng tính chất tự do hóa kinh doanh và sự bình đẳng kinh doanh thị trường. Điều này được thể hiện rõ nhất là việc cắt giảm từ 49 lĩnh vực xuống còn 6 lĩnh vực hạn chế kinh doanh và thống nhất 1 Luật Đầu tư và Luật DN cho tất cả các DN, không phân biệt thành phần kinh tế.

Những động thái cụ thể của Chính phủ nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh cho thấy, sự cải cách đang đi đúng hướng, hỗ trợ DN thực chất hơn. Theo đó, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam có những cải thiện rõ rệt, tinh thần khởi nghiệp trong nước lên cao, khai thác tốt hơn nguồn vốn trong dân. Thứ hạng MTKD của Việt Nam có nhiều thay đổi sau khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, MTKD năm 2014 của Việt Nam xếp thứ 78, năm 2015 là 90, năm 2016 là 82, năm 2017 là 68. Trong Báo cáo MTKD 2019 do Ngân hàng Thế giới công bố, MTKD năm 2018 của Việt Nam xếp thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang điểm 100. Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN gồm: Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15), Thái Lan (thứ 27) và Brunei (thứ 55).

Thách thức cần vượt qua 

Mặc dù, đã có những cải thiện về MTKD nhưng xếp hạng MTKD, NLCT của Việt Nam trên bình diện quốc tế mới ở mức trung bình khá (xếp thứ 69/190 về MTKD, 77/140 về NLCT). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 5 về MTKD và thứ 7 về NLCT, tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Bên cạnh một số chỉ số có mức cải thiện nhanh, vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm, một số chỉ số bị tụt hạng so với khu vực và thế giới.

MTKD của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế, tạo nên những rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chỉ tiêu có ít nhất một triệu DN hoạt động vào năm 2020 cũng đang khó trở thành hiện thực vì số DN tuyên bố phá sản vẫn có xu hướng tăng lên. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, tổng số DN tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, DN rời bỏ thị trường cả nước là hơn 90,6 nghìn DN, tăng so với cùng kỳ năm 2017.

Theo VCCI, hiện nay, một số vướng mắc và hạn chế về MTKD đang cản trở sự phát triển của DN, cần tiếp tục gỡ bỏ, đó là: Mức độ cải thiện MTKD chưa đồng đều. Theo báo cáo điều tra của VCCI về kết quả thực thi Nghị quyết số 19/NQ-CP dưới góc nhìn của DN năm 2018, có 6 chỉ tiêu MTKD có tỷ lệ DN đánh giá có sự cải thiện tốt hoặc rất tốt (đạt hơn 50%), các chỉ số còn lại cải thiện chậm và thấp hơn kỳ vọng (dưới 50%). Mặc dù, một số điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đã được cắt giảm, sửa đổi nhưng chưa tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho DN. Một số ĐKKD được gọi là cắt bỏ, nhưng thực chất là lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; vẫn còn nhiều quy định chưa rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho DN...

Việc cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu, mức độ vào cuộc của các bộ, ngành vẫn còn khác biệt. Trên thực tế, số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhiều, gây khó khăn cho DN cũng như cơ quan hải quan. Theo VCCI, tính đến hết tháng 10/2018, đã có 15 nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành thuộc các lĩnh vực. Hầu hết các bộ, ngành đều báo cáo tỷ lệ cắt giảm đạt trung bình khoảng 50%, song thực chất của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo đánh giá của nhiều cơ quan độc lập khác thì chỉ đạt khoảng 30% - 40% (tùy từng lĩnh vực).

Chi phí không chính thức trở thành gánh nặng cho DN. Chi phí này được hạch toán vào giá thành sản phẩm, làm cho giá sản phẩm tăng cao và hậu quả là không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế luôn thuộc về DN bỏ ra chi phí không chính thức nhiều hơn. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng, triệt tiêu sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Các chi phí không chính thức là vấn đề gây khó khăn và tốn kém cho DN nhiều nhất, cụ thể: Xin cấp giấy phép đầu tư; tham gia đấu thầu; hoạt động giám sát tuân thủ của DN (thanh tra, kiểm tra...).. Mức độ, quy mô chi trả khoản chi phí không chính thức phụ thuộc vào mức độ phức tạp đối với TTHC hay giá trị lợi ích sản phẩm và mức độ lợi nhuận mà DN đang hướng tới.

Sự bất bình đẳng giữa DN tư nhân Việt Nam và DN 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều điều kiện kinh doanh mà DN tư nhân phải làm còn cao, ngặt nghèo hơn so với DN FDI. Ví dụ: Thủ tục đăng ký kinh doanh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, FDI hoạt động theo Nghị định số 73/2012/NĐ-CP, DN trong nước hoạt động theo Nghị định số 46/2017/NĐ-CP. DN FDI chỉ cần có vốn tối thiểu 300 tỷ đồng để kinh doanh nhưng DN trong nước phải có vốn 1.000 tỷ đồng. DN Việt Nam phải có diện tích tối thiểu 5ha, nhưng DN FDI không cần. DN FDI được thuê trụ sở, DN tư nhân phải xây trụ sở.

Một số đề xuất tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh

Nhằm thực hiện những mục tiêu đặt ra trong cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, một số giải pháp, đề xuất cần tập trung thực hiện như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, NLCT quốc gia và sự hài lòng của cộng đồng DN. Ðể thực hiện tốt hơn nhiệm vụ Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP, các cơ quan chức năng cần hiểu rõ phương pháp và các biện pháp để cải thiện chỉ số; lập kế hoạch tốt, có đầu mối thống nhất, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng; ứng dụng công nghệ thông tin cần làm thực chất, tránh hình thức.

Thứ hai, xóa bỏ chi phí không chính thức của DN bằng cách sớm đưa chính quyền điện tử vào hoạt động. Khi có chính quyền điện tử, mọi khâu được công khai sẽ hạn chế được các chi phí không chính thức cho DN.

Thứ ba, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét liên thông kết quả kiểm tra để có giải pháp phù hợp, hạn chế tối đa phiền hà cho DN trong thanh tra, kiểm tra, không thanh tra, kiểm tra DN quá một lần trong năm. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của DN, có sự giải đáp nhanh chóng, kỹ càng thắc mắc, kịp thời tháo gỡ nhữngkhó khăn vướng mắc của DN.

Thứ tư, tạo sự công bằng trong chính sách, đặc biệt là chính sách thuế và ưu đãi về đất đai đối với DN trong nước và DN FDI; cần rà soát lại chính sách ưu đãi và lựa chọn DN FDI. Đẩy mạnh cải thiện nguồn thu trực tiếp cho ngân sách từ việc nâng mức đóng góp của DN FDI, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, nuôi dưỡng nguồn thu từ sự phát triển của DN trong nước.         

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;

2. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

3. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2011), Vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế, tr.33;

4. Vũ Tiến Lộc, Doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, http://bizlive.vn;

5. World Bank, Doing Business 2016, 2017, 2018;

6. World Economic Forum, Global Competitiveness Report 2016-2017;  2017-2018.