Cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia để duy trì động lực cải cách
Trong giai đoạn 2016-2019, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục cải thiện về điểm số (thể hiện chất lượng) và thứ hạng. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm duy trì động lực cải cách liên tục.
Trong thời gian gần đây, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục tăng điểm, thể hiện cải cách có hiệu quả và chất lượng được cải thiện rõ rệt. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, năm 2017, môi trường kinh doanh được ghi nhận có sự cải cách vượt bậc, tăng 14 bậc từ thứ 82 lên thứ 68. Tuy nhiên, từ năm 2018, 2019 điểm số chất lượng môi trường kinh doanh tăng về tuyệt đối, nhưng mỗi năm lại giảm một bậc thứ hạng (hiện đứng thứ 70), đặt ra yêu cầu phải có những đột phát mới thì mới tiếp tục tăng về thứ hạng.
Bên cạnh đó, năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 cải thiện với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018, hiện đứng thứ 67. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42), Việt Nam xếp đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (xếp hạng 2 năm một lần) liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 0,3 điểm và 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75 lên thứ 63) với 11/14 trụ cột tăng bậc.
Chỉ số Hiệu quả logistics (xếp hạng 2 năm một lần) trong năm 2018 tăng mạnh (25 bậc), từ thứ hạng 64 lên thứ 39 với 6/6 chỉ tiêu cải thiện vượt trội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi và truy xuất lô hàng giúp chỉ tiêu này tăng 41 bậc (từ thứ 75/160 lên thứ 34/160); hiệu quả thông quan tăng 23 bậc (từ thứ 64 lên thứ 41).
Theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức năm 2016 là 66% thì đến năm 2019 giảm còn 55%. Tỉ lệ doanh nghiệp trả lời cần có chi phí “lót tay” (đối với thủ tục hành chính giản đơn) năm 2019 là 54,8%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây... Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ hai lần trở lên năm 2019 giảm còn 18,9% so với mức 39,8% năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 sáng 30/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ cần tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm duy trì động lực cải cách liên tục. Trong đó, tới đây, Chính phủ đặt mục tiêu tăng 10 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh; Năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 5 bậc; Đổi mới sáng tạo tăng 3-4 bậc; Chính phủ điện tử tăng 10-15 bậc…
Được biết, Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ yêu cầu tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, trong đó: Tập trung vào 2 chỉ số có thứ hạng thấp (dưới vị trí 100, gồm: Khởi sự kinh doanh; Giải quyết phá sản doanh nghiệp), 2 chỉ số có khả năng cải thiện mạnh ngay (gồm Cấp phép xây dựng; Đăng ký tài sản) và 2 chỉ số cần khắc phục một số điểm nghẽn về pháp lý và thực thi (gồm Tiếp cận tín dụng; Giải quyết tranh chấp hợp đồng).
Năm 2020 sẽ tập trung khắc phục bất cập và cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh. Theo đó, với điều kiện kinh doanh liên quan tới nhiều bộ thì phân công 1 bộ làm đầu mối quản lý. Các bộ, ngành rà soát, nhận diện và trình Quốc hội các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết mà vẫn có trong luật để sửa đổi. Những nghị định có bất cập hoặc chồng chéo về điều kiện kinh doanh sẽ sửa đổi theo hướng một nghị định sửa nhiều nghị định…
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Đẩy mạnh thanh toán điện tử...
Chính phủ cần tiếp tục ban hành hàng năm Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm duy trì động lực cải cách liên tục. Trong đó, tới đây, Chính phủ đặt mục tiêu tăng 10 bậc về chỉ số môi trường kinh doanh; Năng lực cạnh tranh 4.0 tăng 5 bậc; Đổi mới sáng tạo tăng 3-4 bậc; Chính phủ điện tử tăng 10-15 bậc…