Lĩnh vực thuế đứng đầu cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam
Theo Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh toàn cầu (Doing Business 2020) của Ngân hàng Thế giới (WB), thuế là lĩnh vực Việt Nam đã cải thiện mạnh mẽ nhất trong thời gian qua.
Theo đó, số giờ nộp thuế bình quân của doanh nghiệp mỗi năm đã giảm từ 498 giờ xuống còn 384 giờ, tiết kiệm được 1/5 thời gian so với trước đây. Tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98,4%.
Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi tiền thuế nợ đọng, ngành thuế luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa quản lý thu thuế, giúp cơ quan thuế, người nộp thuế giảm chi phí và thời gian. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã chia sẻ về những đóng góp của ngành Thuế trong hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, chỉ số nộp thuế là một trong 10 tiêu chí thành phần “Thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép kinh doanh, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng, giải thể doanh nghiệp ” được WB khảo sát và đánh giá môi trường kinh doanh của một nền kinh tế (điểm số được tính trung bình của 10 tiêu chí thành phần).
Trong từng tiêu chí thành phần, như “chỉ số nộp thuế” thì việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đóng vai trò trọng tâm. Trong những năm qua, ngành thuế đã tập trung cải cách mạnh mẽ TTHC và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã được hưởng lợi từ những cải cách này.
Những cải cách về TTHC thuế đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua. Tại báo cáo Báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2020 (DB 2020) toàn cầu vừa được WB công bố, đã ghi nhận những cải cách về chỉ số nộp thuế giúp việc kinh doanh dẽ dàng hơn và là một trong hai chỉ số có cải cách mạnh mẽ nhất.
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2020, Việt Nam xếp thứ 70/190 nền kinh tế được đánh giá, đạt 69,8/100 điểm, cao hơn mức năm ngoái 68,36/100.
Cải cáchTTHC là nhiệm vụ thường xuyên mà ngành thuế luôn chú trọng. Trọng tâm của cải cách TTHC trong thời gian qua là cắt giảm, đơn giản hóa, điện tử hóa các TTHC để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước. Giảm chi phí tuân thủ, giảm TTHC cho ngân sách nhà nước.
Cho đến nay các TTHC thuế được chuẩn hóa và đơn giản hóa. CácTTHC có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều được thực hiện theo phương thức điện tử.
Nhờ đó, đến ngày 19/11/2019, đã có 754.470 doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,35% số doanh nghiệp đang hoạt động; cơ quan thuế đã kết nối với 52 ngân hàng thương mại trên cả nước để triển khai thực hiện hệ thống nộp thuế điện tử tại 63/63 cục thuế với số doanh nghiệp tham gia là 751.901 doanh nghiệp đạt 99,01% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp đã thực hiện trên 3,05 triệu giao dịch với số thuế nộp là 609.433 tỷ đồng.
Những cải cách TTHC về thuế trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, được cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam ghi nhận. Điển hình như, về thực hiện TTHC thuế, trong 9 thủ tục được khảo sát năm 2019 liệt kê, có 3 TTHC thuế được doanh nghiệp đánh giá là dễ và tương đối dễ dàng để thực hiện, cao nhất là nộp thuế (98%); mua, đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn thuế (94%); khai thuế, khai quyết toán thuế (92%).
Về sự hỗ trợ của cơ quan thuế, có 86% doanh nghiệp đánh giá cơ quan thuế hỗ trợ hiệu quả và 83% đánh giá sự hỗ trợ của cơ quan thuế là kịp thời. Về công tác thanh, kiểm tra thuế, có 94% DN cho biết thời gian kiểm tra, thanh tra thuế đúng với quyết định công bố; 93% DN được giải trình với đoàn kiểm tra, thanh tra thuế về những vấn đề chưa rõ; 90% DN nhận xét thái độ của cán bộ đúng mực trong các lần làm việc; 89% DN cho rằng công tác kiểm tra, thanh tra không cảntrở hoạt động bình thường của DN và 80% DN nhận định niên độ kiểm tra, thanh tra không trùng lặp.
Với chỉ số “sự phục vụ của công chức thuế”, năm 2019 nội dung này đã được doanh nghiệp đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực hơn hẳn so với những cuộc khảo sát trước đây (2014 là 5,36 điểm; 2016 là 6,36 điểm; 2019 là 7,86 điểm).
Trong đó, các khía cạnh đánh giá là kỷ cương và tác phong làm việc của công chức thuế, mức độ hài lòng với công chức thuế tại từng bộ phận chức năng của cơ quan thuế và chi phí ngoài quy định trong thực hiện TTHC thuế đều thu được những phản hồi khá tích cực. Riêng chỉ số “kết quả giải quyết công việc”, năm 2019 có mức tăng điểm, tuy chưa nhiều nhưng đã phản ánh một phần những nỗ lực của ngành thuế trong việc cải cách, đơn giản hóa chính sách, TTHC, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin đẻ hỗ trợ doanh nghiệp khai thuế, nộp thuế điện tử.
Với những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, cơ bản ngành thuế đã đạt mục tiêu đề ra; trong đó, mục tiêu quan trọng là nâng chỉ số nộp thuế 22 bậc trên bảng xếp hạng từ 131 lên 109 trong số 190 nền kinh tế vừa được WB công bố, vượt chỉ tiêu Chính phủ, Bộ Tài chính giao.
Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh toàn cầu cũng cho biết, sau thuế, các lĩnh vực ghi nhận có nhiều cải cách nhất là tiếp cận tín dụng, đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng. Ở chiều ngược lại, hai lĩnh vực ghi nhận gần như không có cải cách nào trong 13 năm qua là đăng ký đất đai và xử lý doanh nghiệp phá sản.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, sau những nỗ lực từ năm 2014 - 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc về năng lực cạnh tranh, nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới, năng lực cạnh tranh trong ASEAN chưa vào top 4.