Cải thiện môi trường kinh doanh: “Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân”
Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, tiến trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại, đòi hỏi cần sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều cấp, ngành, doanh nghiệp và địa phương.
Kết quả tích cực
Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Theo đó, hàng năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua Nghị quyết số 19/NQ-CP (từ năm 2014-2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (từ 2019-2022).
Phát biểu tại Hội nghị “Nghị quyết số 02/NQ-CP thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” tổ chức ngày 3/3, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã đạt được những kết quả khá tích cực, điều này không chỉ thể hiện ở sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh thời gian qua mà còn thể hiện qua các chỉ số đạt được.
Cụ thể, từ năm 2017-2019, Chính phủ cũng đã ban hành đến 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh, có lẽ khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ chỉ đạo sát sao, liên tục như điều kiện kinh doanh. Đến năm 2019, cắt giảm đến hơn 50% số điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành. Cùng với đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh cũng được cải thiện tích cực, số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 243 ngành nghề vào năm 2016 và giảm tiếp xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020…
“Như vậy, nhìn về mặt hình thức thì chúng ta đã nhìn thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được cắt giảm và điều kiện kinh doanh được cắt giảm tương ứng. Có thể nói, đây là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua” – bà Nguyễn Minh Thảo thông tin thêm.
Cùng với đó, tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cũng giảm mạnh từ 16,62% vào năm 2015 xuống còn 15,3% vào năm 2016; 8% năm 2017; 4,8% vào năm 2018 và 6,62% vào năm 2019. Thời gian thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được rút ngắn, cụ thể tại tỉnh Quảng Ninh, hàng xuất khẩu năm 2016 có thời gian thông quan 21 giờ thì đến năm 2020 còn 2,5 giờ, giảm 88%; thời gian thông quan với hàng hoá nhập khẩu 39 giờ năm 2016 thì đến năm 2020 còn 10 giờ, giảm 74%.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, từ cuối năm 2019 đến nay, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng, nhưng chưa thực chất, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được cải thiện mạnh mẽ, nhưng thực tế thì còn hình thức, nỗ lực cải cách ở một số địa phương chưa rõ nét, còn hình thức và chưa bám sát thực tiễn với doanh nghiệp.
Liên quan đến nhận định trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng thấp, hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Cụ thể hơn, theo ông Trần Duy Đông, năm 2021 so với 2020, nhiều chỉ số giảm điểm hoặc giảm bậc, như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc, từ thứ 42 xuống 44; phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc, từ thứ 49 xuống 51; quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc, từ thứ 78 xuống 84; cảm nhận tham nhũng giảm 8 bậc, từ 96 xuống 104.
Cần sự vào cuộc quyết liệt từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là vấn đề quan trọng, tao thuận lợi cho cho doanh nghiệp và nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhằm tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu COVID-19.
Với Việt Nam, để tiếp tục đạt hiệu quả trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng CIEM - cho rằng: Không chỉ Chính phủ, mà tất cả chúng ta đều phải coi cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Nhất là trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, họ đang rất cần một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn, giảm thiểu mọi chi phí để phục hồi.
Với phương châm đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời không đưa ra những văn bản tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp, cùng với đó, yêu cầu các địa phương sửa đổi ngay những điều kiện kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, nhằm tạo ra đột phá cho môi trường kinh doanh trong giai đoạn tới.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - chia sẻ: “Một cánh én không thể làm nên mùa xuân”, vì thế để cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp rất cần sự đồng bộ, đồng tâm của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Với Tổng cục Hải quan, những năm qua, để cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả, chúng tôi đã tập trung thay đổi về tư duy cách nghĩ, cách làm trong quản lý, từ đó thay đổi thái độ phục vụ, lời nói với doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, hàng năm đều tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp và giải thích cho họ hiểu, bởi thứ doanh nghiệp cần chính là minh bạch trong các thủ tục.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) - lưu ý, để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thì vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương rất quan trọng. Thực tế đã chứng minh, tỉnh nào vai trò lãnh đạo của người đứng đầu mạnh thì thủ tục hành chính sẽ được triển khai thuận lợi và ngược lại.
Đặc biệt hơn, để thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vấn đề thúc đẩy thực thi đóng vai trò hết sức quan trọng, theo đó cần chú trọng thúc đẩy thực thi, có những cách làm mới mang lại hiệu quả cao. Bởi chính sách, kế hoạch cải cách thì địa phương nào cũng có, nhưng công tác thực hiện có đi vào thực tiễn hay không, doanh nghiệp, người dân có được thụ hưởng từ những chính sách cải cách hay không thì lại phụ thuộc vào hiệu quả thực thi chính sách.
Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. |