Cấm sở hữu chéo trong các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm
(Tài chính) Cụ thể, tổ chức, cá nhân đã góp vốn sở hữu trên 5% vốn điều lệ thực góp của một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, thì không được góp vốn thành lập hoặc mua, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm khác.
Đó là một trong những nội dung chính của Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành.
Nghị định trên quy định tổ chức được xếp hạng tín nhiệm là doanh nghiệp, tổ chức được xếp hạng tín nhiệm hoặc có công cụ nợ được xếp hạng tín nhiệm theo quy định.
Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp, có vốn điều lệ thực góp tối thiểu bằng mức vốn pháp định là 15 tỷ đồng.
Ngoài ra, phải đáp ứng các điều kiện về số lao động tối thiểu đạt tiêu chuẩn, có các quy trình nghiệp vụ đáp ứng quy định, có phương án kinh doanh, có trang thông tin điện tử; cổ đông, thành viên góp vốn, tổng giám đốc hoặc giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
Nghị định cũng nêu rõ, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và phải đảm bảo tổ chức, cá nhân đã góp vốn sở hữu trên 5% vốn điều lệ thực góp của một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, thì không được góp vốn thành lập hoặc mua, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm khác.
Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng vốn ngân sách nhà nước để tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.
Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm khác.
Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, Nghị định quy định, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được quyền cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức; xếp hạng tín nhiệm đối với công cụ nợ; các dịch vụ liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm (như dịch vụ thông tin về xếp hạng tín nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm).
Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm chỉ được cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và thực hiện công bố thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến khai trương hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.
Việc tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải độc lập và khách quan; trung thực; minh bạch; tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Đặc biệt, Nghị định cũng quy định rõ, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm không được hoạt động trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán; Chứng khoán (bao gồm: môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, đầu tư chứng khoán); Ngân hàng.