"Cấm vận" Huawei: Thế giới đang phụ thuộc quá nhiều vào công ty công nghệ Mỹ?

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Sau đòn “cấm vận” Huawei của Tổng thống Trump, người ta mới thấy thế giới hiện nay thực sự phụ thuộc nhiều vào Mỹ, hay nói đúng hơn là phụ thuộc vào hệ thống linh kiện, sản phẩm, ứng dụng và tiện ích do các công ty công nghệ Mỹ cung cấp.

Sau đòn “cấm vận” Huawei của Tổng thống Trump, người ta mới thấy thế giới hiện nay thực sự phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Nguồn: internet
Sau đòn “cấm vận” Huawei của Tổng thống Trump, người ta mới thấy thế giới hiện nay thực sự phụ thuộc nhiều vào Mỹ. Nguồn: internet

Tuyệt chiêu của ông Trump

Sau khi tăng mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc, ít ai có thể nghĩ chính quyền Trump lại có bước đi tiếp theo là “cấm cửa” tập đoàn Huawei làm ăn với các công ty công nghệ Mỹ. Đây được xem là đòn đánh bất ngờ, không chỉ khiến Huawei lao đao mà còn buộc Bắc Kinh phải tìm cách nối lại các vòng đàm phán với Mỹ.

Ngay sau lệnh cấm của Tổng thống Trump, các công ty sản xuất chip của Mỹ như Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom thông báo với công nhân rằng họ sẽ dừng cung cấp sản phẩm cho Huawei.

Được biết, Intel là nhà cung ứng chính chip máy chủ cho Huawei. Qualcomm sản xuất bộ xử lý và modem cho điện thoại thông minh, Xilinx bán chip có thể lập trình sử dụng trong mạng, còn Broadcom cung ứng chip chuyển đổi cho Huawei.

Google cũng đã dừng cung cấp phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei, khi thu hồi giấy phép sử dụng Android Google trên các sản phẩm Huawei, khiến người dùng điện thoại Huawei đang tìm cách bán tháo và chuyển sang các dòng điện thoại khác.

Microsoft cũng ngừng hợp tác với Huawei, khi bước đầu ngừng bán laptop Huawei, loại sản phẩm Huawei ra khỏi web về dịch vụ đám mây Azure Stack và sắp tới có thể rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Windows ra khỏi các sản phẩm của Huawei.

Đáng lưu ý là không chỉ các công ty Mỹ, nhiều công ty công nghệ khác trên toàn cầu cũng quyết định tạm thời “nghỉ chơi” với Huawei để tuân thủ lệnh của ông Trump, từ hãng thiết kế chip nổi tiếng của Anh là ARM, tập đoàn viễn thông Vương quốc Anh Vodafone, các nhà mạng di động lớn của Nhật Bản như SoftBank và KDDI.

Về phía các công ty của Trung Quốc, không chỉ Huawei bị đưa vào “danh sách đen”, một doanh nghiệp công nghệ lớn khác là nhà chế tạo thiết bị giám sát Hikvision Digital Technology Co., Ltd cũng có thể bị hạn chế mua công nghệ Mỹ. Và, sắp tới có thể là một loạt doanh nghiệp khác bị bổ sung vào danh sách “cấm vận” của ông Trump.

Sức mạnh của Mỹ

Động thái cấm vận Huawei mới đây của Mỹ không chỉ giáng một đòn mạnh lên niềm tự hào về sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, ảnh hưởng đến chiến lược “Made in China 2025”, mà còn khiến nhiều quốc gia khác phải nhìn nhận lại sức mạnh mới của Mỹ và sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ Mỹ.

Điện thoại thông minh đã trở thành một thiết bị không thể thiếu trong thời đại ngày nay, nhưng linh hồn của sản phẩm này phụ thuộc hoàn toàn vào hệ điều hành Android của Google, vốn đang chiếm thị phần đến 85%, 15% còn lại là ở hệ điều hành iOs của Apple, và không có chỗ cho bất kỳ hệ điều hành nào khác. 

Máy tính để bàn hay laptop, hệ điều hành Windows của Microsoft và Mac OS của dòng máy tính Macbook cũng gần như vượt trội. Trong khi đó, hầu hết các công ty công nghệ hiện nay trên thế giới vẫn phụ thuộc vào các công ty sản xuất chip của Mỹ hoặc của các quốc gia đồng minh của Mỹ, do đó một khi Mỹ ngừng cung cấp thì thiệt hại là không thể tránh khỏi.

Ở lĩnh vực giải trí, những Youtube, Facebook, Twitter, Netflix vẫn được phổ biến gần như tuyệt đối trên toàn cầu. Về lưu trữ dữ liệu, người ta khó có thể không dùng Cloud hay Dropbox.  Thương mại online dù Alibaba của Trung Quốc nổi lên gần đây, nhưng ở góc độ toàn cầu thì Amazon mới là nhà vô địch.  

Trung Quốc vẫn là công xưởng số 1 với các sản phẩm tạo ra xuất hiện khắp thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm của Trung Quốc có thể dễ dàng tìm thấy những sản phẩm thay thế tương tự. Trong khi đó, những ứng dụng, tiện ích, hệ thống dịch vụ trực tuyến của Mỹ tạo ra một đế chế phủ khắp toàn cầu khó có thể thay thế.

Trung Quốc trước đây đã không ngại ngần cấm cửa các công ty công nghệ của Mỹ như Google hay Facebook muốn gia nhập thị trường tỷ dân, xây nên một “Vạn lý trường thành” mới trong thế giới mạng, nhưng phía sau các công ty công nghệ của nước này đang cung cấp Baidu hay Weibo vẫn phải phụ thuộc vào linh kiện, thiết bị của các công ty ngoại quốc.

Và giờ đây, Mỹ đang chơi đòn “gậy ông đập lưng ông” khi quyết định cô lập các công ty công nghệ của Trung Quốc, mà Huawei có thể chỉ mới là đòn khởi đầu.

Nhiều người hy vọng việc “cấm vận” Huawei sẽ sớm được gỡ bỏ như cách mà ông Trump đã làm với một hãng công nghệ khác của Trung Quốc là ZTE, tuy nhiên dù ZTE đến nay đã được Mỹ gỡ bỏ một phần lệnh cấm, nhưng với những tác động tiêu cực trước đó đã gây ra những hậu quả nặng nề, khiến nó ngấp nghé bờ vực phá sản.

Tương lai của Huawei nói riêng và mục tiêu dẫn đầu về công nghệ của Trung Quốc nói chung dường như đang mịt mờ hơn bao giờ hết.