Cần bản lĩnh khi đầu tư chứng khoán
Sự phát triển một thế hệ nhà đầu tư mới với thói quen sử dụng mạng xã hội đã kéo theo những sự thay đổi đáng kể về tư duy đầu tư cũng như chuyển động trên thị trường chứng khoán.
Nở rộ
Cho đến trước năm 2020, các luồng thông tin, hình ảnh liên quan đến chứng khoán phần lớn ở trạng thái “đóng” bao gồm các group (nhóm) chat kín, còn thông tin trên mạng xã hội như Facebook là tương đối hạn chế, tương tác không cao.
Điều này bắt nguồn từ cơ cấu các nhà đầu tư trước năm 2020 hầu hết là những người kỳ cựu “có tuổi” với thâm niên nhiều năm trên thị trường. Nhưng khi lượng lớn nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư mới gia nhập thị trường hơn một năm qua) thì thông tin bắt đầu có sự bùng nổ. Bắt nguồn từ các group Facebook liên quan chứng khoán, các hình ảnh, thông tin liên quan được phát triển cả về lượng và chất.
Nếu “lướt face” nhiều năm trước sẽ rất ít có những bài viết về chứng khoán “có chất” nhưng bây giờ không ít bài viết có chất lượng. Các tranh biếm, nội dung tếu táo, ảnh chế liên quan chứng khoán sử dụng ngôn ngữ mạng xã hội bây giờ đầy rẫy và ngay cả những nhà đầu tư kỳ cựu cũng cảm thấy thú vị.
Mặt thuận lợi là thị trường chứng khoán được đông đảo người dân, ngay cả người trước đây chưa bao giờ có ý định tiếp cận, giờ cũng thấy không quá xa lạ, tăng cơ hội tham gia cho số đông, nhưng đồng thời cũng tạo ra những rủi ro dành cho các nhà đầu tư.
Quay cuồng
Một số hiện tượng, dù là bình thường, nhưng khi thể hiện trên mạng xã hội, dường như có xu hướng thái quá, và những hệ quả là không thể tránh khỏi. Chẳng hạn, cổ phiếu (CP) sau thời gian tăng mạnh, bắt buộc phải có điều chỉnh, đi ngang.
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu những CP này không “bị troll” (trêu chọc) trên mạng xã hội thông qua các hình ảnh, nội dung khác nhau. Hoặc trong một phiên giao dịch, nhóm CP này tăng giá ngoạn mục, nhưng nhóm CP khác quay đầu giảm, vốn là hiện tượng phân hóa thông thường trên thị trường, nhưng hiện nay cũng được thống kê kèm theo nội dung đại loại “nhóm CP A thăng hoa, nhóm B buồn bã”.
Những thông tin này rất dễ tác động đến các nhà đầu tư kể cả những người giàu kinh nghiệm chứ không riêng gì nhà đầu tư F0. Chẳng hạn, nhà đầu tư nắm giữ CP không tăng trong ngày VN Index tăng, hoặc nhóm khác tăng, dễ có xu hướng cắt lỗ, cơ cấu danh mục sang những CP “có vẻ hot”. Nhưng có thể ngay hôm sau, “CP hot” lại quay đầu giảm, trong khi CP mới cắt lỗ hôm qua tăng ngoạn mục trở lại. Chuyện nhà đầu tư lỗ (thật ra mới chỉ tạm lỗ) lên mạng xã hội lại thấy CP mình mua bị troll rõ ràng là nặng nề.
Cứ như vậy, có khi thị trường liên tục tăng, CP nhà đầu tư chọn ban đầu cũng đúng, nhưng tổng kết lại thì nhà đầu tư lỗ vì mua bán không đúng thời điểm, bị chi phối thông tin. Và ngay cả nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, việc để những thông tin trên mạng xã hội, vốn có tính thời điểm và ngắn hạn chi phối cũng sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến những kinh nghiệm vốn đã tích lũy trên nhiều năm.
“Khen tăng, chê bị troll” đang là xu hướng trên mạng xã hội liên quan đến chứng khoán, nhưng nên nhớ rằng, thị trường chứng khoán cần tầm nhìn dài và những kinh nghiệm tích lũy để tồn tại chứ không phải cảm xúc ngắn hạn.